Gắn kết chặt chẽ đưa du lịch vùng Đông Nam Bộ tiến lên

Thứ Sáu, 22/12/2023, 14:08 [GMT+7]
In bài này
.

Đó là ý kiến của đại diện Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch và DN du lịch các tỉnh, thành Đông Nam bộ tại Hội nghị Xúc tiến Du lịch vùng Đông Nam bộ. Hội nghị do UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chủ trì tổ chức trong khuôn khổ các hoạt động sơ kết Thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ năm 2023, diễn ra sáng nay (22/12), tại Khách sạn Angsana và Dhawa Hồ Tràm, huyện Xuyên Mộc.

Tham dự hội nghị có ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; đại diện các Sở VH-TT-DL/Sở Du lịch vùng Đông Nam bộ và các tỉnh, thành có liên kết hợp tác với vùng Đông Nam bộ.

Ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch.
Ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch.

Chưa khai thác hết tiềm năng

Thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2020 - 2025 được lãnh đạo 6 tỉnh, thành Đông Nam bộ ký kết vào năm 2020. Các tỉnh, thành luân phiên chủ trì sơ kết thực hiện thỏa thuận theo từng năm. Năm 2023, Bà Rịa-Vũng Tàu được giao nhiệm vụ chủ trì sơ kết vùng.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, năm 2023, cùng với sự đồng lòng của các tỉnh, thành Đông Nam bộ, du lịch có nhiều khởi sắc. Nhiều sản phẩm du lịch chất lượng cao đã hình thành, mang tính đặc thù, tạo hình ảnh và thương hiệu chung của vùng Đông Nam bộ. Hoạt động quảng bá hình ảnh du lịch vùng cơ bản mang lại những hiệu quả thiết thực.

Tuy nhiên, công tác liên kết quảng bá, xúc tiến du lịch vùng Đông Nam bộ nói chung, nhất là quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch vùng, liên kết hình thành, phát triển chuỗi sản phẩm, dịch vụ đặc trưng vẫn còn một số hạn chế nhất định. Tour tuyến, sản phẩm mới hình thành nhiều, lượng khách đến tăng nhưng chưa đồng đều giữa các địa phương trong vùng.

Lãnh đạo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tham quan gian trưng bày sản phẩm OCOP tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu
Lãnh đạo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tham quan gian trưng bày sản phẩm OCOP tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

“Qua hội nghị xúc tiến du lịch, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẵn sàng chào đón và đồng hành cùng các DN để thúc đẩy phát triển du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng và khu vực Đông Nam bộ nói chung”, ông Trịnh Hàng nói.

Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu cũng nhận định, vùng Đông Nam bộ có lợi thế lớn trong việc thu hút số lượng đông đảo khách du lịch, tuy nhiên doanh thu du lịch còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tỷ trọng khách du lịch của vùng. Ông Hà Văn Siêu nhấn mạnh trong thời gian tới, vùng Đông Nam bộ cần tăng cường liên kết, đưa ra các giải pháp nhằm tăng doanh thu du lịch, kéo dài thời gian lưu trú và chi tiêu của khách. Đồng thời phải giữ vai trò động lực, điều phối đưa khách đến với các khu vực khác trong cả nước.  

Tạo khác biệt từ du lịch xanh

Tại hội nghị, đại diện các địa phương, doanh nghiệp trong vùng hiến nhiều kế hay tăng sức hấp dẫn, gắn kết khác biệt của từng tỉnh, thành trong vùng tạo nên sự khác biệt cho toàn vùng. Trong đó, tập trung vào sản phẩm đáp ứng trào lưu xanh, bảo vệ môi trường và ứng dụng công nghệ số quảng bá, xúc tiến du lịch.  

Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Vietravel phát biểu ý kiến tại hội nghị
Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Vietravel phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Vietravel, cho rằng bộ sản phẩm kết nối nội vùng Đông Nam bộ, Đông Nam bộ và các vùng lân cận rất đủ đầy, độc đáo. Thế nhưng để du khách quan tâm, đến, chi tiều, tiêu tiền, phải có lộ trình marketing ra quốc tế, trong đó vai trò nhà nước, trách nhiệm DN, cộng đồng hưởng lợi từ du lịch phải làm gì. Thông điệp, slogan cho toàn vùng là gì. Những cái này phải bàn bạc và có chiến lược cụ thể theo năm, giai đoạn.

Ông Trần Văn Khoa, hội viên Hiệp hội Du lịch Bình Phước cho rằng, du lịch xanh đã trở thành xu hướng ưa chuộng hậu dịch. Vùng Đông Nam bộ có độ che phủ rừng cao, nguồn dược liệu từ rừng phong phú. Cần nghiên cứu khai thác du lịch dưới tán rừng, du lịch sức khỏe, dưỡng lão, làm đẹp, chữa lành từ thiên nhiên kết hợp giữ rừng, trồng rừng, tăng độ che phủ của rừng sẽ tạo nên bộ sản phẩm thu hút đa dạng phân khúc khách, đặc biệt là khách văn hóa cao, yêu thiên nhiên, môi trường.

Ngoài rừng, Đông Nam bộ có hệ thống sông rạch nhiều. Khai thác sản phẩm từ lợi thế sông rạch cũng là hướng đi lâu dài được TP.Hồ Chí Minh triển khai. Tại hội nghị, Sở Du lịch TP.Hồ Chí Minh công bố và giới thiệu 17 tuyến du lịch đường thuỷ mới, trong đó có các tour kết nối Bà Rịa-Vũng Tàu từ phà Cần Giờ, tour đường thủy đến Đồng Nai, Bình Dương và Mê Kông thường kỳ. TP.Hồ Chí Minh cũng đặt mục tiêu năm 2024 phát triển các sản phẩm du lịch đường thủy trên 10 sản phẩm.

“Để liên kết du lịch vùng Đông Nam Bộ thật sự mang lại hiệu quả, TP.Hồ Chí Minh mong nhận được sự phối hợp của các tỉnh nhằm xây dựng hoàn chỉnh bản đồ tương tác du lịch thông minh 3D/360 độ cho toàn vùng, góp phần tăng cường hiệu quả truyền thông của cụm du lịch Đông Nam bộ”, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch đề xuất.

BOX: Trong năm 2023, vùng Đông Nam Bộ đón và phục vụ hơn 65 triệu lượt khách, tăng 18,55% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu của năm đạt 180.566 tỉ đồng, tăng 22,13%. Lượng khách chiếm 54,2% tổng số khách du lịch của cả nước, tuy nhiên doanh thu của khu vực Đông Nam bộ chỉ chiếm 26,9% tổng doanh thu du lịch của cả nước.

Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA

 

;
.