.

Dừng chân bên thành Vienne

Cập nhật: 11:30, 19/04/2013 (GMT+7)

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều du khách đã từng đến Vienne gọi thành phố lịch sử nổi tiếng nằm trong lòng chảo Vienna, dưới chân núi phía bắc dãy Alpen là thành phố của nhạc, vũ và của những bảo tàng. Quả thật, du lịch đến thành phố Vienne - thủ đô Áo, người ta có cảm giác như đang hít thở không khí âm nhạc, hội hè.

VTCN 14.zip
Tượng của nhạc sĩ Johann Strauss trong công viên nghĩa trang Vienna.

Người ta ví von rằng, chính vì theo dòng nước sông Danube mà điệu nhạc valse đã đến thành Vienne. Các nhạc sĩ vĩ cầm từ Linz (thành phố công nghiệp lớn thứ 3 của Áo), thả trôi theo dòng, chơi những bản nhạc Landler ba nhịp, bành trướng dần trong các quán rượu, nhà hát ngoại ô rồi đến hí viện hoàng gia và triều đình. Giới quý tộc Áo đã tìm thấy niềm say mê trong điệu nhạc bình dân ấy, đã “tẩy chay” điệu muguet quá trịnh trọng và máy móc. Sau đó, điệu valse và bài Dòng sông xanh (Le Beau Danube Bleu -tác giả là nhà soạn nhạc người Áo Johann Strauss, nhà thơ Josef Weyl viết lời) đã cùng nhau đi khắp thế gian.

Trong những ngày dừng chân ở Viene, tôi đã có dịp sống trong không khí âm nhạc sôi động và vui nhộn của nơi này.

Chiều xuống, hòa vào dòng du khách châu Âu, tôi ghé vào quán Heurigen, ngồi nhấp rượu vang được làm tại chỗ dưới giàn nho, trong khi chiếc loa từ góc phòng vang lên giai điệu réo rắt của bài Dòng sông xanh bất hủ. Không ít du khách tìm đến thú tiêu khiển thời thượng là vào các hộp đêm với điệu nhạc và vũ tzigane hoặc các nơi khiêu vũ như “Jager” với các yêu cầu bắt buộc: Du khách phải mặc đồ dạ hội, thắt cà vạt màu lá cây. Còn những du khách ghiền nhạc cổ điển thì đến thưởng thức tài nghệ của hai ban nhạc thượng thặng thành vienne là Philharmoniker và Symphoniker, hay xem các vở ca nhạc kịch của Lehar và Strauss trình diễn khắp nơi trong thành phố. Ở nhà hát Opera quốc gia, tôi cũng đã có dịp mua vé xem biểu diễn múa ba lê, những vở như “The Tales of Hoffmann của Offenbach, The Nutcracker của Tchaikovsky. Tôi có được cơ duyên này là do trước cửa nhà hát, có những thanh niên mặc trang phục theo kiểu thế kỷ XVIII, phát chương trình biểu diễn Opera và bán vé tại chỗ cho những khách qua đường.

Thành Vienne không chỉ mang đến du khách không khí ca hát, hội hè mà thủ đô nước Áo còn có những điểm dừng chân nổi tiếng. Nơi du khách có thể viếng thăm trước tiên là trung tâm thành phố bao quanh bằng biên giới hình lưỡi liềm của khu Hofburg, bên phải là Cung điện mùa Đông của các vua dòng họ Habsburg từng cai trị Áo hơn 6 thế kỷ. Ngày nay, đây là nhà bảo tàng và trường dạy đua ngựa kiểu Tây Ban Nha nổi tiếng.

VTCN 14.zip

Du khách tập trung ở quán rượu Heuriger chờ uống rượu vang được làm tại chỗ dưới giàn nho.

Đi dạo trong trung tâm thành phố, nhất là con đường vành đai nổi tiếng Ringstrasse, du khách không khỏi choáng ngợp trước sự “dày đặc” của các di tích, công trình chính trị, kinh tế, văn hóa, nghệ thuật: Tòa thị chính, Tòa nhà chứng khoán, kịch viện quốc gia, trường đại học, viện bảo tàng. Đi về phía ngoại ô thành phố, du khách bắt gặp một di tích nổi tiếng khác: Cung điện Schonbrunn Palace. Lâu đài này được xây dựng cuối thế kỷ XVII, từng là cung điện mùa hè của hoàng đế nước Pháp Napoléon đệ nhất trong những năm từ 1806-1809. Ngoài 1.441 căn phòng được sơn màu vàng, lâu đài này còn có một sở thú được coi là xưa nhất thế giới, một chuồng ngựa.

Trước khi rời Vienne, chúng tôi tìm đến Công viên nghĩa trang Vienna, chiêm ngưỡng bức tượng J. Strauss mạ vàng trong tư thế kéo vĩ cầm, chung quanh ông là hình đắp nổi những nàng tiên cá màu trắng trang nhã, thanh thoát. Nghĩa trang thật vắng lặng, một tiếng lá rơi cũng có thể nghe. Trong không gian yên tĩnh đó, chúng tôi bắt gặp một nữ du khách châu Âu, trên tay cầm bó hoa nhỏ, đứng hồi lâu trước bức tượng J. Strauss. Và từ chiếc điện thoại di dộng của cô, chợt vang lên những giai điệu du dương của Dòng sông xanh. Lòng tràn đầy cảm xúc, tôi khe khẽ hát thầm “Một dòng xanh xanh/Một dòng tràn mông mênh/Một dòng nồng ý biếc/Một dòng sầu mấy kiếp/Một dòng trời xao xuyến/Một dòng tình thương mến/Một dòng còn quyến luyến/Một dòng nhớ… quay về miền đời lúc mơ huyền…”.

Bài, ảnh: HIỀN LÊ

 

.
.
.