.
GIÁ DỊCH VỤ DU LỊCH BIỂN:

Doanh nghiệp đề nghị tăng thêm 30%

Cập nhật: 14:14, 10/04/2013 (GMT+7)

Chi phí đầu vào tăng mạnh, trong khi giá dịch vụ du lịch biển do UBND tỉnh ban hành từ năm 2010 đến nay chưa được điều chỉnh khiến doanh nghiệp bị thiệt. Thông qua Hiệp hội Du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch biển tại Bãi Sau, TP. Vũng Tàu đã kiến nghị UBND tỉnh cho điều chỉnh tăng giá dịch vụ biển các loại.

5895.zip
Du khách tắm biển tại Bãi Sau (TP. Vũng Tàu).

3 NĂM VẪN MỘT MỨC GIÁ

Theo ông Nguyễn Niệm, Giám đốc khu du lịch (KDL) Biển Đông, từ năm 2010 đến nay các yếu tố đầu vào liên tục tăng mạnh. Cụ thể, lương tối thiểu tăng 62% (từ 650.000 đồng lên 1.050.000 đồng), tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội tăng từ 20% lên 24,5% kéo theo giá thuê nhân công tăng; giá nước bình quân tăng 32%, từ 7.700 đồng lên 10.162 đồng/m3; giá điện tăng bình quân 18,3%, từ 1.843 đồng lên 2.180 đồng/kWh; giá xăng tăng 49%, từ 16.500 đồng/lít lên 24.580 đồng… Trong khi đó, giá dịch vụ biển được quy định tại Quyết định số 01A ngày 2-2-2010 của UBND tỉnh chỉ điều chỉnh giá thuê dù, ghế, phao bơi, tắm nước ngọt… của ngày thứ bảy, chủ nhật và lễ tết còn ngày thường vẫn giữ nguyên theo Quyết định số 55 ngày 22-8-2007. Với những dẫn chứng trên, ông Niệm cho rằng đã đến lúc cần điều chỉnh giá dịch vụ biển tăng thêm 30% so với mức giá hiện tại. “Mức tăng giá chúng tôi đề nghị dựa trên phân tích mức trượt giá trong quá khứ mà chưa cộng thêm các yếu tố tăng lương tối thiểu từ ngày 1-7; các loại phí bắt đầu rục rịch tăng do giá xăng dầu tăng và mùa cao điểm du lịch sắp tới”, ông Niệm nhấn mạnh.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc KDL Biển DIC bổ sung, mức giá các dịch vụ biển quy định đồng đều như hiện nay là chưa thực sự công bằng, bởi có doanh nghiệp có mức đầu tư cao, có doanh nghiệp đầu tư thấp hơn cho cơ sở vật chất. Giá đóng ghế bố cách đây 3 năm chỉ khoảng 150.000 đồng/chiếc nay tăng gấp đôi. Dịch vụ tắm nước ngọt hiện nay là nước máy chứ không còn là nước giếng khoan. “Chưa kể, để tạo sự khác biệt, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách, chúng tôi còn đầu tư hệ thống máy nước nóng trị giá cả tỷ đồng. Trong khi bảng giá quy định của UBND tỉnh không có giá tắm nước nóng. Doanh nghiệp tự áp dụng mức giá thì liền bị cơ quan chức năng tuýt còi khi kiểm tra”, ông Thuận bức xúc.

5895.zip
Giá dịch vụ biển được quy định từ năm 2010 đến nay không tăng trong khi chi phí đầu vào tăng hơn 30% khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó. Trong ảnh: Du khách sử dụng dịch vụ ghế bố tại Bãi Sau (TP. Vũng Tàu).

TIẾN TỚI BỎ “GIÁ TRẦN”

Do đặc thù của khí hậu nắng, gió kết hợp hơi muối biển khiến trang thiết bị xuống cấp nhanh nên hàng năm các đơn vị kinh doanh du lịch biển đều phải tái đầu tư, chỉnh trang cơ sở vật chất. Đại diện các KDL như: Bimexco, Tháng Mười, HTX Du lịch Thùy Vân, HTX Du lịch Vũng Tàu, Công ty cổ phần du lịch Nghinh Phong, Vungtau Intourco… đều đồng tình đề nghị điều chỉnh tăng giá dịch vụ biển. Các doanh nghiệp cũng đề xuất cơ chế, cách thức và mức tăng giá phù hợp với đặc điểm đầu tư và đối tượng khách của từng doanh nghiệp.

5895.zip
BẢNG GIÁ CÁC DỊCH VỤ KINH DOANH DU LỊCH ĐỀ NGHỊ ĐIỀU CHỈNH GIÁ
Đơn vị tính: VNĐ

Ông Trần Tuấn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch cho biết, Hiệp hội Du lịch đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh cho điều chỉnh tăng giá trần các loại dịch vụ biển trước kỳ nghỉ lễ 30-4 năm nay. Hiệp hội Du lịch còn xúc tiến thành lập Chi hội Du lịch biển và bàn bạc thống nhất mức giá sàn chung cho khối kinh doanh dịch vụ biển. Theo đó, doanh nghiệp sẽ phải niêm yết giá bằng font chữ lớn phía trước đơn vị để khách đi bên ngoài có thể dễ dàng nhìn thấy. Dự kiến, sang năm 2014 sẽ tiến tới bỏ khung giá chung này để doanh nghiệp tự kê khai, đăng ký, niêm yết công khai giá căn cứ vào mức độ đầu tư của đơn vị và từ nhu cầu thị trường.

Luật Giá do Quốc hội ban hành có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013, trong đó cho quyền tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tự định giá hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, do chưa có Nghị định hướng dẫn thi hành nên chúng tôi chưa thể triển khai. Trong trường hợp Hiệp hội Du lịch có văn bản kiến nghị tăng giá dịch vụ du lịch biển trong thời điểm này, Sở Tài chính sẽ tham mưu UBND tỉnh xin ý kiến từ Bộ Tài chính để có hướng giải quyết cho Hiệp hội Du lịch.
(Ông Phạm Khuê Nguyên, Trưởng phòng Quản lý giá - công sản, Sở Tài chính)

Tuy nhiên, một băn khoăn đặt ra hiện nay là ngành du lịch cả nước đang thực hiện giảm giá để kích cầu, liệu việc điều chỉnh giá lúc này có phù hợp tâm lý của thị trường không? Tăng giá có đồng nghĩa với tăng chất lượng dịch vụ?”. Khi đem vấn đề này trao đổi với các đơn vị lữ hành thường xuyên đưa khách về Bà Rịa-Vũng Tàu, hầu hết đều đồng tình với việc tăng giá dịch vụ nhưng lưu ý mức tăng. Ông Võ Thành Mỹ, Giám đốc Vietravel chi nhánh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng, giá dịch vụ biển do tỉnh ấn định từ năm 2010 đến nay đã lạc hậu, nếu bán dịch vụ theo giá đó có thể nhiều đơn vị sẽ không có lãi nên việc điều chỉnh tăng là cần thiết. Nhưng phải xem xét tỷ lệ tăng trong bối cảnh thực tế: sức cầu nền kinh tế 3 tháng đầu năm 2013 yếu; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ  tăng 2,39%, thấp nhất so với cùng kỳ 4 năm qua; nhiều dịch vụ gián tiếp và trực tiếp cho du lịch đều được giảm giá, khuyến mại… “Khi tăng giá nên có một khung nhất định, niêm yết ở vị trí dễ nhìn và tăng cường kiểm tra, kiểm soát để bảo đảm hài hòa lợi ích của người kinh doanh và khách du lịch”, ông Mỹ nói.

Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA

.
.
.