GÓP Ý KIẾN XÂY DỰNG DỰ THẢO BÁO CÁO CHÍNH TRỊ TRÌNH ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ VII, NHIỆM KỲ 2020-2025

Khai thác giá trị di tích trong phát triển du lịch Côn Đảo

Thứ Năm, 02/07/2020, 19:36 [GMT+7]
In bài này
.

Côn Đảo được xem là điểm nhấn du lịch của tỉnh, sở hữu 16 hòn đảo lớn nhỏ với hệ sinh thái đặc trưng của 3 miền Bắc - Trung - Nam. Đến nay vẫn mang một vẻ đẹp hoang sơ, trong lành và kỳ bí. Nhiều tạp chí của thế giới đã ghi tên Côn Đảo vào danh sách những điểm đến ấn tượng. Côn Đảo đã đi vào tình cảm và sự ngưỡng mộ của cả nước cùng bạn bè quốc tế như là một vùng đất thép mang biểu tượng của Chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Thuyết minh viên Trung tâm Bảo tồn Di tích Quốc gia Côn Đảo hướng dẫn du khách tham quan nhà tù Phú Hải (huyện Côn Đảo).
Thuyết minh viên Trung tâm Bảo tồn Di tích Quốc gia Côn Đảo hướng dẫn du khách tham quan nhà tù Phú Hải (huyện Côn Đảo).

Ngày nay, Côn Đảo thu hút nhiều DN chọn để đầu tư phát triển du lịch cao cấp như:  Sixsens Resort 5 sao; khu nghỉ dưỡng cao cấp Resort Việt - Nga; KDL Poulo Condor; Resort Côn Đảo… Một số khu đất đang được kêu gọi đầu tư như: Khu An Hải, KDL Suối Ớt, Bãi Vông, Bãi Đầm Trầu... đã tạo hiệu ứng lan tỏa, bảo đảm môi trường cảnh quan để phát triển bền vững.

Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng, lợi thế thu hút khách du lịch đến Côn Đảo thì vẫn còn một số bấp cập và khó khăn nhất định. Công tác liên kết xây dựng chương trình khách du lịch đến Côn Đảo còn khó khăn do không chủ động vé máy bay cho đoàn có số lượng nhiều (đặc biệt là khách quốc tế) đặt chỗ thời gian dài hạn từ 6 tháng đến 1 năm. Vì thế chủ yếu là khách lẻ, du lịch tự do… Công tác giới thiệu quảng bá thông tin du lịch Côn Đảo trên các phương tiện, kênh truyền hình nước ngoài như CNN, CBN, VBS còn hạn chế, không thường xuyên nên lượng khách quốc tế biết đến Côn Đảo không cao. Mặc dù địa phương đã xây dựng chương trình quảng bá 2016-2020 nhưng chưa có chiến lược tiếp thị một cách bài bản. 

Du khách đến Côn Đảo chủ yếu là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, lặn ngắm san hô, khám phá rừng, đối tượng nghiên cứu văn hóa di tích lịch sử còn ít, sản phẩm du lịch, hoạt động giải trí chưa đa dạng, dẫn đến thời gian lưu trú, chi tiêu và mua sắm không cao. Bên cạnh đó, du lịch Côn Đảo chỉ tập trung khoảng 6 tháng đầu năm, từ tháng 9 đến hết năm là mùa mưa bão, nên chủ yếu phương tiện đi bằng máy bay, giá vé khá cao so với các tuyến bay trong nước, chưa kể những ngày cuối tuần hoặc những sự kiện lớn, nhu yếu phẩm, sinh hoạt… giá cả cao hơn nhiều so với đất liền và thu nhập của người Việt Nam,  dẫn đến “cung” không đủ “cầu”… Côn Đảo chưa có điện lưới quốc gia, vẫn còn sử dụng điện Diezel dẫn đến giá điện sinh hoạt thuộc diện cao nhất nước. Nhiều người cho rằng du lịch Côn Đảo là hạng sang, vì phải chi phí cao hơn nhiều hơn so những tour trong nước. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản cần được chú trọng một cách kịp thời, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển chung của toàn xã hội. 

Để khai thác hiệu quả giá trị di tích trong phát triển du lịch Côn Đảo, Sở VH-TT đề xuất một số giải pháp sau:

Đa dạng hóa hoạt động bảo tàng... Thực hiện có hiệu quả các cuộc triển lãm lưu động với phương châm “Đưa bảo tàng, di tích đến với công chúng”. Đội ngũ làm công tác hướng dẫn viên cần trang bị những kiến thức, phẩm chất và năng lực, trình độ ngoại ngữ cơ bản… để du khách tham quan được chào đón với một phong cách thân thiện, thông minh, bài bản… tạo nên sự tin tưởng và ấn tượng đẹp đối với du khách. 

Quan tâm và có chế độ tương xứng đối với những người có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giỏi (nhất là trình độ ngoại ngữ), để họ thật sự yên tâm và gắn bó lâu dài với Côn Đảo, đồng thời tạo cho địa phương nguồn nhân lực chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.

Đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Phải được xem là trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm.

Triển khai thực hiện Quyết định số 2163/QĐ-TTg ngày 02/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Côn Đảo. Thực hiện hiệu quả việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích một cách hiệu quả và bền vững.

Gắn kết, đồng nhất trong quản lý và phát huy giá trị văn hóa lịch sử gắn với du lịch để có một chương trình tham quan khép kín, tạo cho du khách sự đa dạng. Liên kết website bằng nhiều ngôn ngữ của các điểm đến, tour du lịch, hướng dẫn, ấn phẩm, sách, hồi ký, tờ rơi,...

 Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư du lịch, dịch vụ theo hướng tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, riêng có của địa phương; phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, văn hóa - lịch sử, tâm linh, tương xứng với tiềm năng; môi trường. Các dự  án kêu gọi đầu tư, chính sách ưu đãi và thủ tục đầu tư rõ ràng, hấp dẫn; thu hút đa dạng đối tượng du khách đến Côn Đảo.

SỞ VH-TT BR-VT

 
;
.