Quy trình người dân cung cấp hình ảnh tố cáo hành vi vi phạm giao thông

Thứ Hai, 14/06/2021, 22:18 [GMT+7]
In bài này
.

Hiện nay, nhiều trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ được người dân chứng kiến và ghi lại bằng hình ảnh, video. Những hình ảnh này có được sử dụng làm bằng chứng để lực lượng chức năng xử phạt người vi phạm hay không? Phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu đã có cuộc trao đổi với Trung tá Phạm Văn Khánh, Đội trưởng Đội tuyên truyền và xử lý TNGT, Phòng CSGT (PC08)-Công an tỉnh xung quanh nội dung trên.

Lực lượng CSGT theo dõi các phương tiện vi phạm TTATGT qua hệ thống camera thông minh để xử phạt vi phạm.
Lực lượng CSGT theo dõi các phương tiện vi phạm TTATGT qua hệ thống camera thông minh để xử phạt vi phạm.

•Phóng viên: Thưa Trung tá, CSGT có được dùng video, hình ảnh người dân cung cấp để xử phạt người vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) không?

- Trung tá Phạm Văn Khánh: Tại Điều 24 Thông tư 65/2020/TT-BCA của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT (ban hành ngày 19/6/2020) nêu rõ: “Thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm TTATGT đường bộ do tổ chức, cá nhân cung cấp được tiếp nhận từ các nguồn: Ghi thu được bằng thiết bị kỹ thuật của tổ chức, cá nhân (không phải phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ); Đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Thông tin, hình ảnh làm căn cứ xác minh, phát hiện hành vi vi phạm hành chính phải phản ánh khách quan, rõ về thời gian, địa điểm, đối tượng, hành vi vi phạm quy định tại Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và còn thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính”.

Ngoài ra, theo quy định tại Thông tư nêu trên, tổ chức, cá nhân khi ghi nhận được thông tin, hình ảnh, có thể cung cấp cho CSGT nơi xảy ra vụ việc thông qua thư điện tử, đường bưu điện hoặc trực tiếp đến trụ sở đơn vị để cung cấp. Tổ chức, cá nhân phải có tên, họ tên, địa chỉ rõ ràng, số điện thoại liên hệ (nếu có) và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của thông tin, hình ảnh đã cung cấp. 

Khác với hình ảnh từ thiết bị nghiệp vụ của lực lượng chức năng có thể dùng để xử phạt ngay, hình ảnh người dân gửi hình ảnh đến, lực lượng chức năng không xử phạt ngay mà sẽ tiến hành xác minh, thu thập các thông tin, tài liệu, tình tiết, chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật. Người cung cấp video, hình ảnh cho cảnh sát giao thông chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đó. Khi đến trụ sở cảnh sát giao thông cung cấp thông tin, người dân cần mang theo giấy tờ tùy thân để cán bộ tiếp nhận ghi vào biên bản. Việc này còn nhằm để cơ quan chức năng thông báo kết quả xử lý, hoặc trao đổi khi cần thêm thông tin xác minh, xử lý.

Như vậy, sau khi tiếp nhận thông tin vi phạm từ người dân, CSGT sẽ sàng lọc, xác minh phương tiện vi phạm; mời người vi phạm lên lập biên bản và ban hành quyết định xử phạt. Thời gian xử lý nhanh hay chậm là do sự hợp tác của người vi phạm với cảnh sát giao thông. Quy trình xử lý clip người dân cung cấp cũng sẽ giống như xử lý vi phạm qua hình ảnh áp dụng lâu nay.

•Trình tự giải quyết những thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm TTATGT đường bộ như thế nào, thưa Trung tá?

- Phòng CSGT; Đội CSGT và Trật tự Công an cấp huyện có trách nhiệm: Thông báo địa điểm, hộp thư điện tử tiếp nhận thông tin, hình ảnh để nhân dân biết cung cấp; Tổ chức trực ban 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin, hình ảnh; Bảo đảm bí mật tên, họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ, bút tích và thông tin khác của tổ chức, cá nhân đã cung cấp thông tin, hình ảnh.

Về xử lý thông tin, hình ảnh: Khi tiếp nhận thông tin, hình ảnh, cán bộ CSGT phải xem xét, phân loại, nếu bảo đảm điều kiện quy định thì ghi chép vào sổ và báo cáo thủ trưởng đơn vị có thẩm quyền thực hiện các bước: Trường hợp thông tin, hình ảnh phản ánh hành vi vi phạm TTATGT đường bộ đang diễn ra trên tuyến, địa bàn phụ trách thì tổ chức lực lượng dừng phương tiện giao thông, kiểm soát, phát hiện vi phạm, xử lý theo quy định. Trường hợp không dừng được phương tiện giao thông để kiểm soát hoặc hành vi vi phạm được phản ánh đã kết thúc thì thực hiện biện pháp xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật, Trường hợp không thuộc tuyến, địa bàn phụ trách của đơn vị thì thông báo cho đơn vị CSGT có thẩm quyền thực hiện biện pháp xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.

Xác minh, thu thập tài liệu, tình tiết xác định vi phạm hành chính và xử lý vi phạm: Căn cứ yêu cầu cụ thể từng vụ việc, người có thẩm quyền xử phạt thực hiện một hoặc các hình thức như sau: Tiến hành xác minh thông tin về phương tiện giao thông, chủ phương tiện; gửi thông báo mời chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện giao thông đến cơ quan Công an để làm rõ vụ việc. Trường hợp quá thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày gửi thông báo mà chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện giao thông chưa đến trụ sở cơ quan công an đã ra thông báo để giải quyết vụ việc thì người có thẩm quyền xử phạt tiếp tục gửi thông báo đến Công an cấp xã theo quy định.

•Vậy trường hợp hình ảnh, video người dân cung cấp chưa chính xác thì xử lý ra sao, thưa Trung tá?

- Qua xác minh, cơ quan chức năng xác định có hành vi vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền hoặc báo cáo người có thẩm quyền xử phạt theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính. Còn trường hợp thông tin, hình ảnh có dấu hiệu làm giả thì chuyển toàn bộ hồ sơ sang cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp thông tin, hình ảnh của tổ chức, cá nhân cung cấp mà qua xác minh, xác định không có hành vi vi phạm hoặc không đủ căn cứ để xác định hành vi vi phạm thì tiến hành kết thúc hồ sơ vụ việc và lưu theo quy định.

•Xin cảm ơn ông!

TRÍ NHÂN
(Thực hiện)

 
;
.