Bí kíp làm bài thi tuyển sinh lớp 10
Đề thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2025-2026 sẽ có nhiều thay đổi theo chương trình giáo dục phổ thông mới (2018). Giáo viên 3 môn thi Toán, Văn, Anh đã có những lưu ý quan trọng về kỹ năng làm bài, giúp sĩ tử vững vàng và tự tin.
![]() |
HS lớp 9 Trường THCS Võ Trường Toản (TP.Vũng Tàu) ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 diễn ra vào đầu tháng 6 tới. |
Môn Toán: Đừng để mất điểm vì những sai sót nhỏ
Cô Vũ Thị Hồng Cơ, Tổ trưởng bộ môn Toán, Trường THCS Võ Trường Toản (TP.Vũng Tàu) cho rằng, sự tự tin và bình tĩnh là yếu tố quan trọng trong quá trình làm bài.
Theo cô Hồng Cơ, trước khi bắt đầu làm bài, thí sinh nên đọc toàn bộ đề thi 2 lần để hiểu rõ yêu cầu và phân loại câu hỏi theo mức độ dễ - khó và làm câu dễ trước. Làm đến đâu, kiểm tra đến đó để tránh sai sót. Đặc biệt cần chú ý về điều kiện của bài toán và soát lại kết quả trước khi chuyển sang câu hỏi tiếp theo.
Ở dạng bài trọng tâm, ôn tập kỹ các dạng bài thường xuất hiện trong đề thi như: Rút gọn căn thức, giải hệ phương trình, phương trình bậc hai, hệ thức Vi-ét và bài hình học tổng hợp. Các câu hỏi liên quan đến hệ thức trong hình phẳng, hình không gian, bất phương trình thường trình bày dưới dạng các bài toán thực tế. HS nên ôn kỹ công thức và biết chuyển từ tình huống thực tế thành dạng Toán quen thuộc để giải.
Cô Hồng Cơ cũng lưu ý thí sinh tránh mất điểm vì những sai sót nhỏ: “Mỗi ý đúng dù nhỏ đều có giá trị. Khi làm trắc nghiệm, HS cần chọn đáp án kỹ lưỡng để tránh rơi vào bẫy gây nhiễu, dẫn đến trả lời sai. Bài tự luận cần trình bày rõ ràng và đầy đủ để không bỏ lỡ bất kỳ điểm số nào”, cô Cơ nhấn mạnh.
![]() |
HS lớp 9 Trường THCS Nguyễn An Ninh (TP.Vũng Tàu) thi thử các môn chuyên. |
Môn Ngữ văn: Xác định đúng trọng tâm
Với môn Ngữ văn, thầy Đào Vĩnh Bộ, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (TP.Vũng Tàu) lưu ý thí sinh xác định đúng trọng tâm đề bài yêu cầu để tránh xa đề, lạc đề. HS nên gạch chân các từ khóa có chứa yêu cầu, mệnh lệnh và vấn đề quan trọng để trả lời đúng trọng tâm và làm rõ nội dung chính.
HS cũng cần chia thời gian làm các phần hợp lý theo biểu điểm và dung lượng viết. Trong đó, phần Đọc hiểu, các em làm bài trong khoảng 20 phút, viết đoạn Nghị luận văn học khoảng 25 phút, viết bài văn nghị luận xã hội khoảng 70 phút. HS nên dành khoảng 5 phút để đọc, đối chiếu bài làm và yêu cầu đề bài, rà soát các lỗi. Khi luyện đề, học sinh nên làm đủ 120 phút để rèn kỹ năng căn thời gian.
Ở phần Đọc hiểu văn bản, với câu hỏi nhận biết, thầy Bộ cho rằng, thí sinh cần chú ý trả lời đúng, đủ, ngắn gọn và trọng tâm. Với câu hỏi thông hiểu nội dung văn bản, khi trả lời cần bảo đảm diễn giải, triển khai, trình bày dung lượng phù hợp. "Nhiều HS trả lời quá ngắn nên khó đạt điểm tối đa", thầy Bộ lưu ý thêm.
Trong câu hỏi tiếng Việt, HS phải trình bày tên đơn vị kiến thức và từ ngữ biểu thị, sau đó mới tiến hành phân tích ý nghĩa, tác dụng. Riêng câu hỏi vận dụng, HS lưu ý đề bài yêu cầu viết đoạn văn 3-5 câu hay 4-6 dòng để trình bày đúng.
Với kỹ năng viết đoạn văn nghị luận văn học, HS cần xác định độ dài đoạn tối đa không quá 250 chữ để tránh bị trừ điểm. "Lấy 250 chia cho số chữ trung bình trong một dòng thì sẽ tính được số dòng viết", thầy Bộ hướng dẫn.
Riêng kỹ năng viết bài văn nghị luận xã hội, phần Mở bài phải thiệu vấn được vấn đề nghị luận, đưa ra những nhận xét, đánh giá, nhận định khái quát nhất. Thân bài triển khai thành hệ thống các đoạn văn. Căn cứ vào thời gian và dung lượng viết, HS trình bày 3 giải pháp là phù hợp. Kết bài khẳng định lại vấn đề bàn luận, các giải pháp đã đưa ra và đưa ra nhận định, đánh giá của bản thân.
Môn tiếng Anh: Cẩn thận các chi tiết gây “nhiễu”
Với môn tiếng Anh, nội dung Trắc nghiệm chiếm 60% và nội dung Tự luận (bao gồm phần Viết và Nghe) chiếm 40%.
Cô Nguyễn Thị Mai, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi (TP.Bà Rịa) cho biết, khi được phát đề, để có thể làm tốt phần Nghe, thí sinh cần đọc đề trước, dự đoán thông tin mình cần phải điền hoặc chọn. Đề có thể có một số thông tin nhiễu khiến thí sinh dễ bị “đánh lừa”, không phải thông tin cần chốt trong yêu cầu của đề.
Riêng phần Viết gồm viết câu và viết đoạn văn: Viết câu chỉ có 2 câu, không nhiều như những năm trước, các dạng viết đã học trong chương trình SKG; Viết đoạn văn (khoảng 70 từ) về các chủ đề đã học.
Cô Mai cho hay, bài viết thể hiện trong một đoạn văn (a paragraph), không phải bài luận (essay) nhưng thí sinh phải thể hiện được 3 phần: Mở đoạn giới thiệu được ý chính hoặc quan điểm chính của đoạn văn, chỉ cần viết ngắn gọn trong một câu; Thân đoạn cung cấp ý chính, giải thích, ví dụ hoặc bằng chứng cho đề tài được yêu cầu; Kết đoạn tóm lại ý chính hoặc mở ra một hướng cho tương lai của đề tài.
Phần thi trắc nghiệm, thí sinh cần cẩn thận một số câu vận dụng nâng cao nằm trong trắc nghiệm (Idiom, phrasal verb) hoặc bài đọc hiểu Reading Comprehension. Có thể có một số chi tiết nhiễu không nhìn thấy ngay trong bài mà phải xem xét trong bối cảnh.
Phần đọc thường không khó, với chủ đề quảng cáo (Advertisement) hoặc thông báo (Announcement) và thường kiểm tra ngữ pháp, giới từ, cấu trúc câu tiếng Anh nên các em đọc đến đâu có thể tìm ngay được đáp án luôn.
Cô Mai lưu ý thêm: “Trong trắc nghiệm có thể có một vài tình huống giao tiếp hoặc các biển báo, thông báo đòi hỏi các em am hiểu về giao tiếp và tình huống xử lý thực tế. Các em cố gắng đoán đáp án trong ngữ cảnh”.
Bài, ảnh: KHÁNH CHI