.

Đừng bênh con mù quáng!

Cập nhật: 16:00, 09/05/2025 (GMT+7)

Không ít bậc cha, mẹ do quá cưng chiều mà bênh con một cách mù quáng để rồi gây họa, thậm chí là vi phạm pháp luật. Họ đã quên rằng cách hành xử của bản thân trong đời sống hàng ngày chính là tấm gương để giáo dục con cái…

Thay vì bênh con quá đà, cha mẹ nên sáng suốt, khách quan, công bằng và giúp con dũng cảm nhận lỗi  và sửa khuyết điểm.
Thay vì bênh con quá đà, cha mẹ nên sáng suốt, khách quan, công bằng và giúp con dũng cảm nhận lỗi và sửa khuyết điểm.

Chiều con sai cách

Bé Bi, con gái chị Nga (TP.Phú Mỹ) sinh ra trong một gia đình khá giả. Ngay từ nhỏ, bé đã được ba mẹ rất cưng chiều. Trước mọi đòi hỏi của con gái rượu, ba mẹ bé Bi đều hết lòng đáp ứng.

Một lần, chị Nga đang đợi đón con thì chị Lâm, một phụ huynh khác ra nói chuyện với chị: “Hình như bé Bi lấy nhầm cục tẩy hình con ếch của con mình…”. Chưa nói dứt câu, chị Nga trợn mắt, sửng cồ: “Chị bảo bé nhà cô xem lại đi, nhìn mặt mẹ con nhà tôi như thế này mà thèm đi ăn cắp cục tẩy của nhà chị à. Có con chị lấy đồ của con tôi thì có”.

Trước lý lẽ bất hợp tác của chị Nga, hai mẹ con chị Lâm vội vã quay xe đi thẳng. Mấy phụ huynh đứng gần đó chứng kiến sự việc đã phân tích nhẹ nhàng nhưng chị Nga nằng nặc khẳng định con chị luôn đúng, luôn ngoan và chẳng bao giờ có thói xấu này.

Thấy mình đúng là “vua chúa trong nhà”, bé Bi càng sa đà vào việc “nhặt nhạnh” đồ của bạn, bởi với đầu óc non nớt của bé, việc này chẳng có gì sai trái. Một tuần sau, cô chủ nhiệm gọi điện mời chị Nga tới làm việc khi phát hiện bé nhiều lần lấy đồ của bạn. Vậy mà chị vẫn giãy nảy phủ nhận bênh con.

Bênh con chằm chặp cũng xảy ra ở nhà chị Liên (TP.Vũng Tàu). Bé My, con chị vừa đi học về, chị xót xa khi nhìn thấy mặt con có vết cào. Chị hét ầm lên: “Làm sao con ra nông nỗi này, đứa nào làm, nói mau”. Bé My lí nhí: “Tại bạn Linh ạ”.

“Linh là con nào”, rồi chị quay sang mắng chồng: “Anh đón con về, nhìn nó như thế này mà anh không vào lớp hỏi đầu cua tai nheo là thế nào? Đồ vô tâm”.

Sáng hôm sau, chị đến trường đòi làm rõ trắng đen với “bạn Linh”. Trước mặt nhà trường, trước mặt ba mẹ cô bé kia, chị còn nói: “Lần sau My mà bị ai cào thì tát luôn vào mặt nó, nghe chưa?”

Thực ra, chị Liên đúng là giận quá mất khôn, chị chẳng cho ai nói câu nào. Nguyên nhân cũng là do “chuyện trẻ con”, hai đứa trẻ ngồi giao ước không ai được lấn sang chỗ của ai, My bị cào nhưng bản thân Linh cũng bị My cấu rất đau khi lỡ lấn chỗ.

Thế là, khi thấy mẹ nhận định “mình là đúng”, My liên tục xô ngã bạn bè, cấu véo ông bà, cha mẹ và tỏ ra khoái chí với "trò chơi mới". Khi chị nhận ra con mình đang hư, mắng con thì My “quạc” lại: “Mẹ chỉ cho con làm vậy còn gì?”

Dung túng con sai là sai lầm

Dạy con nên người là nhiệm vụ mà các bậc cha mẹ bắt buộc phải thực hiện trong vai trò của mình. Bênh vực con khi cần thiết đó là bản năng của tất cả các ông bố bà mẹ. Tuy nhiên, bênh vực con như thế nào để qua đó dạy con trẻ nhận thức được vấn đề để rút kinh nghiệm, trưởng thành nên người thì không phải cha mẹ nào cũng làm được.

Con cái luôn có thói quen nhìn vào các hành vi của cha mẹ và những người thân trong gia đình để tự bắt chước, học theo, từ cách ăn mặc, nói năng, cư xử… Những nét tính cách thật thà, dũng cảm, cần cù, chịu khó, yêu lao động, ngăn nắp, kỷ luật, biết quan tâm đến người khác, không nói tục chửi bậy… được con trẻ học tập ngay từ chính những người thân trong gia đình, mà trước hết là từ ba mẹ mình.

Thế nên, tình yêu thương con của cha mẹ thể hiện ở chỗ hiểu biết cách thức, kỹ năng nuôi dạy. “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, sự gương mẫu thương yêu của ông bà, cha mẹ là tấm gương sáng để con cháu soi vào, noi theo, vượt ra khỏi nỗi ám ảnh của những thói hư tật xấu.

Hay nói cách khác, ranh giới giữa việc bênh con mù quáng và làm hư con là rất mong manh, nếu bản thân cha mẹ không trở thành tấm gương trong cách hành xử của mình. Những người mẹ sẵn sàng bất chấp tất cả để bênh con mình mà chưa biết sự thật, đúng sai thế nào như chị Nga, chị Liên chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới tâm lý của trẻ. Đứa trẻ được bênh mà đánh bạn hay tự ý lấy đồ của bạn như bé Bi, bé My sẽ sớm hình thành tâm lý cậy người thân mà hống hách, ngang ngược, hung hăng ăn hiếp bạn bè, những người yếu thế.

Các chuyên gia tâm lý khuyên, cha mẹ nên nhớ rằng không thể sống với con cả đời để bênh vực, bảo bọc con. Thay vì vậy, cha mẹ nên sáng suốt, khách quan, công bằng và giúp con dũng cảm nhận lỗi và sửa khuyết điểm.

Ngoài ra, muốn con tôn trọng, yêu quý ông bà, cha mẹ phải dạy cho con hiểu lòng biết ơn, biết tôn trọng, bao dung, biết yêu thương những người xung quanh chứ không phải dạy con theo cách hung hãn, côn đồ, coi con mình là nhất, không ai được đụng tới. Dạy con theo cách này chưa chắc đã dạy được con, ngược lại có khi còn làm hại con thêm.

NGUYÊN THẢO

.
.
.