Côn Đảo - Ngày trở về
Côn Đảo những ngày tháng Năm…
![]() |
Ngày trở về đầy cảm xúc của các cựu tù. Ảnh: MẠNH THẮNG |
Nắng vàng như rót mật. Biển vẫn biếc, trời vẫn xanh như chưa từng đi qua ngày giông bão. Trong khoảnh khắc thiêng liêng của 50 năm ngày giải phóng Côn Đảo, hàng trăm cựu tù chính trị, những người từng bị giam cầm nơi “địa ngục trần gian” lại một lần nữa trở về.
Năm mươi năm trước, họ - những người từng ca bài ca giải phóng trong nước mắt hạnh phúc, từng bước ra khỏi cánh cổng nhà tù trong tiếng reo vui độc lập, giờ tóc đã bạc, lưng đã còng theo năm tháng. Nhưng ánh mắt sáng quắc, khí chất hiên ngang của những cựu tù nơi “địa ngục trần gian” thì thời gian dường như không thể nào chạm tới.
Trong phút giây hội ngộ, những giọt nước mắt đã rơi. Nước mắt của hoài niệm về nỗi đau trong quá khứ, của niềm xúc động khôn nguôi khi được trở về, được gặp gỡ những đồng đội năm xưa. Có những người hơn 40 năm mới được tái ngộ với những người đồng chí đã cùng mình vượt qua lằn ranh sinh tử.
Dưới những gốc dương cổ thụ ở Nghĩa trang Hàng Dương, đôi tay run run của những cựu tù trong ngày trở lại lần lượt thắp nhang lên từng ngôi mộ của đồng đội. Những cái tên, những khuôn mặt của người đã nằm xuống hiện lên trong tâm tưởng người trở lại như một thước phim tư liệu, khiến ai nấy rưng rưng. Họ rì rầm trò chuyện với người nằm lại - những lời thì thầm về hòa bình, về cuộc sống mà đồng đội đã không kịp chứng kiến.
Rồi họ cùng nhau quay về chính nơi mình bị giam cầm khi xưa để ôn lại kỷ niệm một thời oanh liệt: Trại 1, Trại 4, Trại 6, Chuồng cọp, Chuồng bò, Hầm xay lúa, Trại Phú Hải, Phú Tường... Bóng dáng của những ngày tháng đấu tranh vẫn hiện hữu trong từng phiến đá, từng vết rêu phong, từng cánh cửa nhà giam lạnh lẽo và trong ký ức của những người trở lại. Họ lặng người như thấy lại mình và đồng đội ở tuổi đôi mươi, chân bị cùm, thân thể kiệt quệ, tiều tụy vì bị tra tấn, nhục hình, nhưng ánh mắt vẫn ngời sáng lạ kỳ.
Đứng trước những bức tượng sáp tái hiện khung cảnh nhà tù Côn Đảo, cựu tù Võ Ái Dân nghẹn lời: “Những gì được tái hiện ở đây thật khủng khiếp. Nhưng thực tế còn kinh hoàng hơn gấp 10 lần”. GS Sử học Trần Văn Giàu, Cựu tù Côn Đảo từng nhận định: “Nhà tù Côn Đảo thời Pháp thuộc đã là địa ngục trần gian rồi, đến thời Mỹ - ngụy là địa ngục của địa ngục. Và nói vậy vẫn chưa vừa. So với cái tàn ác ở nhà tù Côn Đảo dưới chế độ Mỹ - ngụy thì nhà tù của chế độ Hitle chỉ là cái ao cạn so với vực thẳm”.
Cựu tù Nguyễn Thanh Danh nhớ lại, vào những ngày nắng nóng, cai ngục dội nước lạnh từ trên xuống, sau đó rắc vôi bột để gây bỏng cho tù nhân. Không chỉ vậy, cai tù thường dùng gậy bịt đồng lao thẳng từ trên xuống để gây thương vong cho người tù. Và ở nơi địa ngục trần gian ấy, những đòn tra tấn vô nhân tính của kẻ thù đã khiến cho nhiều nữ tù mãi mãi không được thực hiện thiên chức làm vợ, làm mẹ.
Chống lại áp bức, tra tấn dã man tại nhà tù, các tù nhân liên tục đấu tranh đòi nhân quyền. Hình thức đấu tranh cao nhất được ghi nhận là mổ bụng đòi giải quyết yêu sách. Việc "xếp hàng", bốc thăm để được mổ bụng trở thành thiên anh hùng ca về tinh thần bất khuất, kiên trung của người chiến sĩ cộng sản.
Nhưng cũng chính tại đây - nơi đọa đày, tra tấn con người một cách dã man đã trở thành trường học lớn cho những người tù cách mạng.
"Nếu có ai hỏi tôi về những năm tháng ở nhà lao Côn Đảo gian nan đến nhường nào thì dường như những đớn đau về thân xác, những màn nhục hình tra tấn dã man năm nào đã được thời gian che mờ bớt phần nào. Còn chăng trọn vẹn là niềm tự hào về những năm tháng kề vai sát cánh bên đồng đội, giành nhau đòn roi tra tấn, sự khổ đau và nhường nhau từng viên thuốc, chỗ nằm, ngụm nước uống và cả những tia nắng mặt trời rọi qua khe cửa nhỏ trong xà lim tăm tối...", nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, cựu tù Côn Đảo chia sẻ.
Ông Võ Ái Dân, người tự nhận mình là “một người thanh niên bình thường, nhờ được sự giáo dục của Đảng và tấm gương của những người cộng sản đã trở thành một người trong đoàn quân chiến thắng” tâm sự: “Mỗi lần gặp khó khăn, tôi lại nhớ đến anh em, nhớ đến những đồng đội đã nằm lại, để lại tiếp tục phấn đấu vươn lên”…
Nửa thế kỷ trôi qua, Côn Đảo không còn chỉ là nước mắt và hoài niệm. Mỗi lần trở lại, những cựu tù đều xúc động khi chứng kiến sự đổi thay, hồi sinh của đảo thiêng. Trên mảnh đất này, mỗi cơn gió thổi qua, mỗi ngọn sóng đều mang theo lời thì thầm của lịch sử, và cả một niềm tin mãnh liệt: Côn Đảo sẽ mãi là biểu tượng của lòng yêu nước, của sự hồi sinh từ những mất mát không thể nào quên.
THÙY DƯƠNG