.

Kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy: Tăng cơ hội "tái sinh" bệnh nhân

Cập nhật: 16:01, 09/05/2025 (GMT+7)

Mới triển khai kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy được hơn một tháng, song Khoa Hồi sức tích cực và chống độc (Bệnh viện Bà Rịa) đã cứu sống bệnh nhân ngưng tim nhờ áp dụng biện pháp này kịp thời. Điều này mở ra cơ hội “tái sinh” cho những trường hợp mắc bệnh tim mạch, đuối nước, điện giật… khi lâm vào tình trạng tương tự.

Bệnh nhân N.V.K. đã hoàn toàn tỉnh táo, hiện đã được chuyển đến Khoa Nội tim mạch lão học (Bệnh viện Bà Rịa) tiếp tục theo dõi sức khỏe.
Bệnh nhân N.V.K. đã hoàn toàn tỉnh táo, hiện đã được chuyển đến Khoa Nội tim mạch lão học (Bệnh viện Bà Rịa) tiếp tục theo dõi sức khỏe.

Bình phục gần như hoàn toàn

Sau hơn một tháng ở viện chăm con, khuôn mặt bà Đoàn Thị Nương - mẹ của bệnh nhân N.V.K., (18 tuổi, phường Mỹ Xuân, TP.Phú Mỹ) trông hốc hác. Bù lại, bà đã nở nụ cười tươi khi trò chuyện với con trai. Ít ai biết, con bà vừa trải qua thập tử nhất sinh.

Đầu tháng 4/2025, khi đang làm việc, anh K. không may bị điện giật, dẫn đến ngưng tim. Bệnh nhân được Trung tâm Y tế TP.Phú Mỹ hồi sức tích cực và có nhịp tim trở lại. Người bệnh tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện Bà Rịa trong tình trạng hôn mê sâu, co giật, toan máu rối loạn chuyển hóa, suy thận cấp. Cùng với cho bệnh nhân thở máy, dùng thuốc vận mạch, thuốc chống co giật, bù dịch, điện giải, Khoa Hồi sức tích cực và chống độc (Bệnh viện Bà Rịa) còn quyết định thực hiện kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy để bảo vệ não cho bệnh nhân. 

Bác sĩ dùng máy hạ nhiệt độ cơ thể người bệnh xuống 33 độ C trong vòng 24 giờ, sau đó tăng dần lên nhiệt độ ở mức bình thường. Song song đó, người bệnh vẫn được tiếp tục điều trị hồi sức nội khoa. May mắn bệnh nhân vào viện sớm, được thực hiện kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy kịp thời nên đã cứu sống được bệnh nhân. Sau khoảng một tháng điều trị, bệnh nhân bình phục gần như hoàn toàn, không để lại di chứng.

“Con tỉnh táo, ăn được, nói được sau nhiều ngày nằm bất động trên giường bệnh làm gia đình chúng tôi vui mừng, hạnh phúc. Các nhân viên y tế của Khoa Hồi sức tích cực và chống độc (Bệnh viện Bà Rịa) đã mang lại cho con tôi một cuộc sống mới. Tôi rất cảm kích”, bà Nương chia sẻ.

Tăng cơ hội cứu sống người bệnh

Hạ thân nhiệt chỉ huy là kỹ thuật hồi sức cấp cứu, giúp cải thiện tỷ lệ tử vong và di chứng ở những bệnh nhân hôn mê sau ngưng tim. Phương pháp này còn được gọi kiểm soát thân nhiệt theo mục tiêu, nhằm kiểm soát thân nhiệt người bệnh một cách chủ động.

Theo đó, nhiệt độ cơ thể người bệnh sẽ được điều chỉnh xuống dưới mức bình thường (khoảng 33 độ C) trong một thời gian nhất định. Sau đó, làm ấm bệnh nhân trở lại, bằng cách nâng dần nhiệt độ bệnh nhân cho tới khi đạt mức bình thường. Việc này giúp giảm chuyển hóa cơ thể, giảm nhu cầu tiêu thụ oxy, cải thiện tình trạng thiếu máu, giảm sản sinh các chất oxy hóa tự do để bảo vệ não và các mô cơ quan. Đồng thời còn cải thiện tình trạng độc tế bào não. Từ đó, các tế bào não được hồi phục, tăng khả năng sống sót cho bệnh nhân.

Bác sĩ Trần Thanh Đạt, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và chống độc (Bệnh viện Bà Rịa) cho biết, kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy được áp dụng cho các bệnh nhân ngưng tim do bệnh lý tim mạch, đuối nước, điện giật… Tuy nhiên, sau khi ngừng tim, bệnh nhân cần được hồi sức cấp cứu sớm. Khi có nhịp tim trở lại, người bệnh sẽ được chỉ định áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy. Phương pháp này được khuyến cáo sử dụng cho bệnh nhân vào viện trước 6 giờ tính từ thời điểm ngừng tim, hiệu quả nhất trước 3 giờ.

Theo bác sĩ Trần Thanh Đạt, lâu nay, Khoa Hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện Bà Rịa tiếp nhận, điều trị cho nhiều bệnh nhân ngừng tuần hoàn. Trong đó có nhiều trường hợp không được cứu sống. Những ca cứu sống thì để lại nhiều di chứng, không có khả năng phục hồi các chức năng thần kinh, vận động. Người bệnh bị liệt, mất trí nhớ, hôn mê, sống thực vật. Điều này trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội và bản thân người bệnh.

Hiện nay, kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy được sử dụng phổ biến trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Các nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh, phương pháp hạ thân nhiệt chỉ huy giúp giảm tỉ lệ tử vong cho người bệnh xuống 14% và giảm độ di chứng tàn phế xuống 11%. Kỹ thuật này được triển khai tại Bệnh viện Bà Rịa được kỳ vọng sẽ có nhiều cơ hội cứu sống, giảm tỷ lệ di chứng cho những bệnh nhân ngừng tim. Qua đó, tăng tỷ lệ hồi phục cho người bệnh.

Bài, ảnh: TUỆ LÂM

.
.
.