Xây dựng văn hóa, con người Bà Rịa-Vũng Tàu thời đại mới
Chiều 18/4, Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy tổ chức hội thảo khoa học “Phát huy giá trị Đề cương Văn hóa Việt Nam trong xây dựng văn hóa, còn người Bà Rịa-Vũng Tàu thời đại mới”. Nhiều đề xuất, giải pháp được đưa ra nhằm xây dựng nền văn hóa, con người Bà Rịa-Vũng Tàu mang đậm bản sắc vùng miền, năng động, sáng tạo, trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn mới”.
![]() |
Lãnh đạo Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy, Sở VH-TT-DL chủ trì hội thảo. |
Xây dựng văn hóa, con người Bà Rịa-Vũng Tàu toàn diện
Phát biểu đề dẫn hội thảo, ông Nguyễn Thái Bình, Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy cho biết, Đề cương về Văn hóa Việt Nam ra đời năm 1943 do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo. Đề cương thể hiện tầm nhìn, tư duy, chiến lược của Đảng ta về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Đề cương còn được ví như tuyên ngôn, cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta về văn hóa và cách mạng, có ý nghĩa khai sáng, mở đường cho cách mạng Việt Nam, nhất là lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. Đến nay, Đề cương vẫn tiếp tục tỏa sáng, vẹn nguyên giá trị, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.
![]() |
Các đại biểu tham dự hội thảo. |
Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền tỉnh xác định tập trung xây dựng văn hóa, con người Bà Rịa-Vũng Tàu văn minh, toàn diện, phù hợp với xu thế thời đại. Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và đạo đức, lối sống của con người Bà Rịa-Vũng Tàu trong tổng hòa những giá trị chung của văn hóa và con người Việt Nam.
Đó là lòng yêu nước, tự hào dân tộc, đạo đức cách mạng, tinh thần trách nhiệm cao đối với bản thân, gia đình, cộng đồng, quê hương và đất nước; nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn; chú trọng phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số; bảo tồn và phát huy các giá trị về di sản văn hóa.
Các cấp ủy, chính quyền tỉnh còn tập trung huy động mọi nguồn lực để phát triển văn hóa, con người Bà Rịa-Vũng Tàu đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, địa phương trong giai đoạn mới. Đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò to lớn của Nhân dân, nhất là đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, cán bộ, đảng viên trong xây dựng văn hóa, con người BR-VT.
“Kế thừa và phát huy các giá trị của Đề cương Văn hóa Việt Nam, Bà Rịa-Vũng Tàu đã xây dựng nền văn hóa, con người mang đậm bản sắc vùng miền, năng động, sáng tạo, trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn mới”, ông Nguyễn Thái Bình nhấn mạnh.
Nền văn hóa phong phú, độc đáo
Trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đề xuất nhiều giải pháp xây dựng con người Bà Rịa-Vũng Tàu phát triển toàn diện; xây dựng môi trường và đời sống văn hóa phong phú, lành mạnh cho người dân; xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế; bảo tồn và phát huy di sản văn hóa truyền thống trên địa bàn tỉnh.
![]() |
Hội thảo có đề cập đến khai thác di sản văn hóa của dân tộc Chơ Ro trên địa bàn tỉnh. |
Ông Tạ Minh Phong, Phó Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo cho hay, Bà Rịa-Vũng Tàu có 10 tôn giáo đang hoạt động. Tỉnh còn là địa phương có nhiều chùa, thiền viện, tu viện, tịnh xá, nhà thờ, tu viện, đình, đền, miếu… của nhiều loại hình tín ngưỡng. Những điều này tạo nên giá trị văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể vô cùng đa dạng, phong phú, độc đáo. Trong số này có các công trình tiêu biểu và nổi tiếng như Chùa Đại Tòng Lâm, Nhà Thờ Chánh toà Bà Rịa, Nhà thờ Đức mẹ Bãi Dâu, Đình thần Thắng Tam, Nhà lớn Long Sơn, Dinh Cô Long Hải…
Theo ông Phong, với những điểm nổi bật vừa nêu, cần thiết phải phát huy các giá trị trong văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh. Trong đó, cần đấu tranh khắc phục những tiêu cực nảy sinh trong sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng và chống lại sự lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng vào mục đích xấu. Có sự đầu tư thỏa đáng, phù hợp để giữ gìn, bảo vệ, tôn tạo, phục dựng, khai thác, phát huy giá trị văn hóa của các di sản tôn giáo, tín ngưỡng. “Qua đó, góp phần bổ sung giá trị đạo đức lối sống cho người dân; giữ gìn, làm phong phú nghệ thuật truyền thống; quảng bá hình ảnh Bà Rịa-Vũng Tàu đến với cả nước và quốc tế”, ông Phong nói thêm.
![]() |
Xây dựng nền văn hóa, con người Bà Rịa-Vũng Tàu mang đậm bản sắc vùng miền, năng động, sáng tạo, trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn mới. Trong ảnh: Du khách tắm biển ở Vũng Tàu. |
Về vấn đề xây dựng và phát triển các hoạt động văn hóa, gia đình, ông Trần Công Sơn, Giám đốc Bảo tàng-Thư viện tỉnh (Sở VH-TT-DL) cho biết, hiện nay các thiết chế văn hóa và thể thao đã được hoàn tỉnh từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, luyện tập thể dục cho Nhân dân.
Tỉnh xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đến cuối năm 2024 có hơn 93% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; hơn 98% khu phố, thôn, ấp văn hóa. Toàn tỉnh còn có 48 di tích xếp hạng và đều được bảo tồn, tôn tạo nên phát huy được các giá trị vốn có. Công tác xây dựng văn hóa gia đình trên địa bàn tỉnh được quan tâm thực hiện, hướng đến mục tiêu xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc và văn minh.
Ông Trần Công Sơn đề xuất, thời gian tới, tỉnh cần xây dựng chính sách đãi ngộ thích hợp cho cán bộ làm công tác văn hóa các cấp. Chú trọng xây dựng con người Bà Rịa-Vũng Tàu văn minh, thân thiện, nghĩa tình, có sức khỏe, tri thức, kỷ luật, có ý thức trách nhiệm của công dân và cộng đồng. Có cơ chế để Nhân dân tự đầu tư, khôi phục ngành nghề, phục hồi văn hóa truyền thống dưới sự kiểm soát của cơ quan quản lý Nhà nước.
Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG
Ban Tổ chức hội thảo nhận được 25 bài tham luận. Các tác giả, nhà nghiên cứu đề xuất hơn 105 giải pháp, khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của việc xây dựng nền văn hóa trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục nghiên cứu, có giải pháp cụ thể về xây dựng văn hóa, con người Bà Rịa-Vũng Tàu thời đại mới. Muốn làm được việc này cần nâng cao ý thức cộng đồng, lòng tự hào dân tộc và tinh thần trách nhiệm xã hội. Chú trọng phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và khuyến khích sáng tạo trong các lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống phải song hành với tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa của nhân loại. (Ông Bùi Chí Thành, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy) |