.

Giúp trẻ ứng phó tình huống đuối nước

Cập nhật: 16:35, 18/04/2025 (GMT+7)

Biết bơi thôi chưa đủ, trẻ em còn cần có những kỹ năng thoát hiểm để tự bảo vệ bản thân hoặc xử lý tình huống cứu đuối nước gián tiếp. Đó là nội dung do Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội (Sở Y tế) phối hợp tập huấn cho HS thời gian gần đây.

Các em học sinh được hướng dẫn sử dụng vật nổi để cứu đuối gián tiếp.
Các em học sinh được hướng dẫn sử dụng vật nổi để cứu đuối gián tiếp.

Bình tĩnh xử lý tình huống

Buổi học ngoại khóa mới đây của Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (TP.Vũng Tàu) diễn ra sôi động với chương trình tập huấn kỹ năng cứu đuối, phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em năm 2025. Chương trình do Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội phối hợp Tổ chức Hue Help thực hiện. Những kỹ năng cơ bản về cứu đuối được hướng dẫn sinh động, với sự tham gia nhiệt tình của hơn 100 HS khối 7, 8.

Thầy Trần Hữu Phước Tường, cán bộ kỹ thuật, giảng viên cao cấp của tổ chức Hue Help đặt ra những câu hỏi liên quan đến đuối nước để HS cùng thảo luận sôi nổi. Bên cạnh những câu hỏi lý thuyết, các em được thị phạm, xem clip và thực hành các kỹ thuật của bài học ngay.

“Em biết bơi nhiều năm rồi, nhưng các kỹ năng về cứu đuối thì hôm nay em đã hiểu kỹ hơn. Như việc không vội nhảy xuống cứu bạn bị đuối nước mà có thể ném cho bạn một vật nổi hoặc sợi dây, phải đứng xa mép nước và tìm cách kéo bạn vào bờ. Tốt nhất là không nên đi chơi ở khu vực ao hồ nếu không có sự giám sát của người lớn”, em Nguyễn Văn Nhật Linh, HS lớp 7.1, Trường THCS Nguyễn Gia Thiều nói.

Cũng thu được nhiều kiến thức hay, em Lê Doãn Huyền Diệu, HS lớp 8.5 cho biết, em và các bạn được hướng dẫn mặc áo phao đúng cách; cách nín thở để nổi và bình tĩnh nếu xảy ra tình huống rơi xuống nước. “Thầy dạy tụi em những phương pháp rất hay, như sử dụng can nhựa rỗng kín nắp, 1 khúc cây, hay chiếc áo gió quấn chặt, thổi hơi vào, cũng có thể dùng làm vật nổi để giúp người rơi xuống nước”, Diệu chia sẻ những kiến thức bổ ích của chương trình.

Chủ động trang bị kỹ năng cứu đuối

Trường THCS Nguyễn Gia Thiều có hơn 2.100 HS. Nhà trường khuyến khích các em học bơi, biết bơi, tham gia cuộc thi bơi tại các kỳ hội khỏe phù đổng các cấp; đồng thời hàng năm phối hợp tổ chức 4-5 lần chương trình tuyên truyền PCCC, phòng, chống đuối nước.

Từ ngày 16-23/4, Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội (Sở Y tế) phối hợp tổ chức Hue Help tập huấn kỹ năng cứu đuối cho 800 HS của 8 trường THCS tại TP.Vũng Tàu và huyện Xuyên Mộc. Đây là các địa phương có biển, ao, hồ, có nguy cơ cao khi các em vui chơi gần đó, hoặc rủ nhau bơi lội trong những ngày hè nóng bức, dẫn đến các vụ đuối nước thương tâm.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, nhưng chủ yếu là do trẻ không biết bơi hoặc thiếu kỹ năng, kiến thức để phòng tránh. Bên cạnh đó là do thiếu sự quan tâm, giám sát của gia đình, nhà trường và xã hội. Các em cũng chưa thực sự ý thức về sự nguy hiểm của việc tắm biển, sông, suối, ao, hồ... khi không có người lớn giám sát, trong khi phần lớn các em thiếu kỹ năng và xử lý tình huống khi bơi lội. Ngoài ra, hệ thống biển báo, cảnh báo nguy hiểm ở một số khu vực có nguy cơ cao xảy ra đuối nước chưa được các địa phương quan tâm đúng mức.

Do đó, việc dạy bơi, học bơi để phòng, chống đuối nước, bảo vệ tính mạng cho trẻ em là việc làm rất cần quan trọng và cần thiết. Trong chương trình, giáo viên của tổ chức Hue Help hướng dẫn các em cách xử lý khi đi chơi ở gần khu vực ao, hồ, sông, suối, như: cần nhanh chóng gọi trợ giúp của những người xung quanh bằng cách gọi to; tìm cách đưa người đuối nước lên bờ bằng sử dụng các dụng cụ cứu đuối sẵn có (phao, dây, gậy, quần áo, các vật có thể nổi trên nước…); gọi hỗ trợ hoặc các số điện thoại cấp cứu như: 112, 114 và 115… Đồng thời, cha mẹ, giáo viên cần căn dặn các em tuyệt đối không nhảy xuống nước cứu nạn nhân, bởi các em chưa đủ sức khỏe và năng lực thực hiện kỹ năng bơi, cứu đuối.

Năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 6 vụ đuối nước, 7 trẻ tử vong (trong đó nhiều nhất là tại huyện Châu Đức, với 3 vụ/4 trẻ đuối nước). 3 tháng đầu năm 2025, trên địa bàn tỉnh có 1 trường hợp bị đuối nước khi đi tắm tại một hồ bơi của xã Suối Nghệ, huyện Châu Đức.

Bà Lê Thị Hồng Chín, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội cho biết, hàng năm, trước khi vào mùa hè, trung tâm phối hợp với các trường học, chính quyền địa phương tổ chức các lớp truyền thông về phòng tránh tai nạn thương tích và đuối nước trẻ em. Các lớp đổi mới theo hướng tăng cường thực hành, sử dụng nhiều công cụ trực quan và sinh động. Trung tâm cũng vận động nhà hảo tâm tài trợ cho các lớp học bơi miễn phí dành cho trẻ em, đặc biệt là các em gia đình khó khăn chưa biết bơi; đồng thời phối hợp địa phương, rà soát các khu vực nguy hiểm như ao, hồ, sông, suối để khắc phục, đặt biển báo, rào che kịp thời. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của HS về phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước, hình thành thói quen, kỹ năng, tính chủ động trong phòng, chống tai nạn đuối nước, nâng cao sức khỏe, bảo vệ an toàn tính mạng bản thân.

Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH

.
.
.