.

Sử dụng công nghệ hiện đại vào tìm kiếm, xác định danh tính liệt sĩ

Cập nhật: 16:35, 18/04/2025 (GMT+7)

Việc triển khai thu nhận mẫu ADN thân nhân của liệt sĩ chưa xác định được thông tin là bước quan trọng chuẩn bị cho hành trình tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt để đưa liệt sĩ về với đất mẹ.

Các đơn vị chức năng tiến hành lấy mẫu ADN thân nhân liệt sĩ.
Các đơn vị chức năng tiến hành lấy mẫu ADN thân nhân liệt sĩ.

Mong mỏi đưa liệt sĩ về với đất mẹ

Vừa qua, tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Công an tỉnh phối hợp với Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội (Bộ Công an) và Công ty CP GeneStory tổ chức thu thập mẫu ADN thân nhân của liệt sĩ chưa xác định được danh tính trên địa bàn tỉnh.

Ngay từ sáng sớm, thân nhân các liệt sĩ đã được công an các xã, phường, thị trấn, đồn công an toàn tỉnh tổ chức đưa đón đến địa điểm thu nhận mẫu tại Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội (Công an tỉnh). Đối với các trường hợp thân nhân liệt sĩ tuổi cao, hoặc không có điều kiện đi lại lực lượng chức năng đã trực tiếp đến nhà để thu nhận mẫu ADN.

Với các thân nhân liệt sĩ chưa xác định danh tính, việc thu thập mẫu ADN là niềm hi vọng được thắp lên sau nhiều thập kỷ tìm kiếm phần mộ liệt sĩ chưa thành.

Gia đình ông Phạm Chí Thanh (trú TT.Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc) có 4 người thân hy sinh trong kháng chiến. Hiện nay, còn hai anh trai là Liệt sĩ Phạm Văn Hết và Liệt sĩ Phạm Văn Lấy vẫn chưa xác định được phần mộ. Do đó, ông Thanh và anh trai là Phạm Văn Sinh đã đến Công an tỉnh để lấy mẫu ADN hi vọng sẽ tìm được các anh.

“Khi nhận được thông tin đến lấy mẫu ADN tôi và anh trai rất hồi hộp, cả đêm không ngủ được. Mong sao, sớm tìm được phần mộ của các anh để đưa về thờ phụng”, ông Thanh nói.

Bà Trần Thị Thanh (trú xã Long Phước, TP.Bà Rịa) có cha và anh trai hy sinh trong kháng chiến. Trong đó, anh của bà là Liệt sĩ Trần Văn Dĩa vẫn chưa tìm được hài cốt. Nhiều năm qua, gia đình vẫn luôn tìm kiếm nhiều nơi, nhưng đến nay vẫn chưa thành công.

“Mong ước của mẹ và chúng tôi là sớm tìm được phần mộ của anh để về an táng bên cạnh cha”, bà Thanh nghẹn ngào nói.

Phát huy truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”

Theo thống kê, toàn quốc hiện vẫn còn khoảng 500 ngàn liệt sĩ chưa xác định được thông tin. Trong đó, tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu còn khoảng 1.000 mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin và 1.700 mộ có thông tin nhưng chưa đầy đủ. Nhiều gia đình đã theo dõi, tìm kiếm thông tin của các liệt sĩ bằng nhiều cách khác nhau, nhưng đến nay vẫn mang theo những nỗi niềm khắc khoải, mong có một ngày sẽ tìm được người thân.

Thấu hiểu niềm mong mỏi của các mẹ, gia đình, thân nhân các anh hùng liệt sĩ, thời gian qua, cùng với lực lượng công an và chính quyền địa phương trong cả nước, lực lượng Công an tỉnh đã nhanh chóng triển khai việc thu nhận mẫu ADN thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính trên địa bàn. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại như giám định gen là một giải pháp quan trọng để tăng hiệu quả công tác tìm kiếm, xác định danh tính liệt sĩ. Do đặc thù điều kiện thời tiết ở Việt Nam nóng ẩm, các liệt sĩ hy sinh không có điều kiện chôn cất cẩn thận, dẫn đến thời gian phân hủy nhanh. Chính vì thế, việc định danh ADN để đưa liệt sĩ về lại với gia đình là rất cấp thiết.

Trong đợt 1 (17/4), tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, các đơn vị đã phối hợp thu nhận mẫu ADN của 23 mẹ đẻ liệt sĩ (trong đó có 12 Mẹ Việt Nam Anh hùng) và 23 thân nhân theo họ ngoại của các liệt sĩ.

Trung tá Đào Thế Anh, Đội trưởng đội Hướng dẫn đăng ký cư trú, cấp và quản lý thẻ căn cước, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội (Công an tỉnh) cho biết: “Đây là một việc làm rất có ý nghĩa, phát huy truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Đồng thời, thể hiện trách nhiệm và tấm lòng tri ân của cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an Nhân dân đối với các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Bài, ảnh: PHƯỚC AN - THÀNH TRUNG

.
.
.