Mong mỏi được tiếp cận các chính sách hỗ trợ về nhà ở là chia sẻ chung của hàng ngàn công nhân, người lao động (NLĐ) tại các KCN thông qua khảo sát về nhu cầu nhà ở vừa được Ban Quản lý các KCN tỉnh phối hợp với Công đoàn Các KCN cùng một số địa phương thực hiện.
![]() |
NLĐ mong muốn được tiếp cận với các chính sách về hỗ trợ nhà ở. |
Nhà trọ chật chội
Tranh thủ lúc xuống ca, nữ công nhân Đào Thị Mỹ Tho, làm việc tại Cơ sở may Danh Đồ (TP.Phú Mỹ) dọn dẹp căn phòng trọ chưa tới 12m2 của mình. Trong căn phòng cũ kỹ ấy, chỉ có vài vật dụng sinh hoạt cá nhân cần thiết. Chị Tho không mua sắm gì thêm, một phần để tiết kiệm chi tiêu, một phần cho phòng đỡ chật. Chị Tho cho biết: “Cực chẳng đã chúng tôi mới phải để con cái và cả gia đình sống trong không gian chật hẹp, bí bách như vầy. Mong mỏi về một chỗ ở thoáng rộng, tốt hơn là giấc mơ của hàng ngàn công nhân như tôi”.
Anh Phạm Phương Nam, Công ty TNHH Xay lúa mì Việt Nam, phường Mỹ Xuân cho biết, hơn 10 năm nay, gia đình anh vẫn đang thuê trọ ở gần công ty. “Nhiều đêm nhìn các con nằm co ro trong căn phòng trọ chật chội, vợ chồng tôi chảy nước mắt. Các con không có chỗ chơi, không gian sinh hoạt chật, tạm bợ, thậm chí chỗ ngồi học cũng không có. Tôi vẫn đau đáu về một chỗ ở khang trang cho vợ, con. Tôi nghĩ rằng, khi ổn định chỗ ở, mình sẽ toàn tâm toàn ý cho công việc hơn”, anh Nam chia sẻ.
Khảo sát đối với hơn 6.000 công nhân, NLĐ đang làm việc tại các DN trong KCN trên địa bàn: TP.Vũng Tàu, TP.Phú Mỹ, huyện Châu Đức và huyện Long Đất cho thấy, hơn 3.800 công nhân, NLĐ (chiếm hơn 61% tổng số lao động làm việc trong các KCN) phải thuê nhà trọ, phòng trọ. Hầu hết công nhân đều mong mỏi được hỗ trợ thuê/mua nhà ở xã hội.
Thống kê của Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết, Bà Rịa-Vũng Tàu hiện có 84.075 công nhân, NLĐ làm việc tại các DN trong KCN. Trong đó, lao động ngoài tỉnh chiếm 45%. Qua khảo sát nhu cầu nhà ở xã hội tại hơn 100 DN trong các KCN trên địa bàn tỉnh, hầu hết công nhân, NLĐ ngoại tỉnh có nhu cầu về chỗ ở đều tìm đến các khu nhà trọ tại các địa bàn gần KCN. |
Sớm có chính sách hỗ trợ mua nhà
Công ty TNHH Công nghệ Coretronic Việt Nam (TP.Phú Mỹ) có hơn 1.500 NLĐ đang làm việc. DN này vẫn đang tuyển dụng thêm hàng ngàn lao động. Để thu hút nguồn lao động ngoại tỉnh đến làm việc, chế độ bảo đảm chỗ ăn, ở sinh hoạt cho NLĐ luôn là nỗi trăn trở của lãnh đạo công ty.
Cùng chung nỗi trăn trở, ông Văn Thân Quý, Giám đốc Nhà máy, Công ty TNHH Xay lúa mì Việt Nam cho rằng: “Nhà nước cần triển khai nhanh các dự án nhà ở cho công nhân, NLĐ bởi nhu cầu rất cấp bách. Để công nhân, NLĐ có được ngôi nhà của mình, Nhà nước cần hỗ trợ các gói vay với lãi suất vay thấp, thời gian hợp lý, bởi họ không đủ khả năng chi trả 1 lần”.
Qua khảo sát, Đoàn khảo sát ghi nhận công nhân, NLĐ mong có thông tin cụ thể về các dự án nhà ở trên địa bàn hiện đang triển khai xây dựng hoặc hoàn thành (khi nào hoàn thành); giá mua, thuê mua căn hộ.
Từ đó, Đoàn khảo sát kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành triển khai các công việc liên quan việc xây dựng nhà ở xã hội. Trong đó, Sở Xây dựng kịp thời cung cấp thông tin đến DN, NLĐ các dự án nhà ở xã hội đang đầu tư, chuẩn bị đầu tư, tiến độ hoàn thành, vị trí dự án. Đối với dự án đã hoàn thành và mở bán, cung cấp cho Ban Quản lý các KCN thông tin về chủ đầu tư, số lượng, giá bán… để thông tin đến DN làm đầu mối kết nối ngân hàng và NLĐ. Đồng thời, theo dõi, đôn đốc chủ đầu tư dự án nhà ở cho công nhân, NLĐ triển khai các thủ tục đầu tư nhằm sớm khởi công dự án; kịp thời đề xuất UBND tỉnh giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc (nếu có) đẩy nhanh tiến độ xây dựng hoàn thành nhà, bàn giao cho NLĐ.
Ban Quản lý các KCN tiếp tục tổ chức khảo sát nắm bắt nhu cầu nhà ở xã hội của NLĐ tại các KCN làm cơ sở tổng hợp, tham mưu đề án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh; làm đầu mối kết nối nhà đầu tư, ngân hàng và DN, NLĐ tại các KCN đối với các dự án nhà ở xã hội đã hoặc sắp mở bán.
Bài, ảnh: NHÃ UYÊN