.

Cô giáo chỉ mang vào lớp kiến thức và niềm vui

Cập nhật: 18:05, 27/11/2024 (GMT+7)

29 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, mỗi giờ lên lớp, cô Đặng Thị Kim Nam, GV Trường TH Lê Thành Duy (TP.Bà Rịa) lại “mở cánh cửa” trái tim học trò bằng sự chân thành, yêu thương và tôn trọng. Cô Kim Nam được vinh danh là GV tiêu biểu toàn quốc năm 2024.

Cô Đặng Thị Kim Nam được vinh danh là Nhà giáo tiêu biểu năm 2024.
Cô Đặng Thị Kim Nam được vinh danh là Nhà giáo tiêu biểu năm 2024.

Bỏ mọi muộn phiền ngoài lớp học

Bước vào lớp là nở nụ cười, mọi buồn phiền, lo lắng bỏ lại bên ngoài cánh cửa lớp học, đó là bí quyết giúp cô Nam tạo không khí hạnh phúc cho mỗi giờ lên lớp. Trong mỗi giờ học, cô Nam luôn khích lệ, động viên, khen thưởng HS trước lớp, luôn lắng nghe và tôn trọng ý kiến của các em.

“Trong mỗi tiết học, cô Kim Nam không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn là người dẫn dắt, định hướng và khơi dậy trong mỗi chúng em sự hào hứng, niềm đam mê học tập. Đối với chúng em, cô không chỉ là người mẹ thứ hai mà còn là một người bạn, giúp chúng em cảm nhận được sự quan tâm, tình yêu thương bằng sự chăm sóc, dạy dỗ ân cần”, em Nguyễn Ngọc Gia Linh (HS lớp 5A4, Trường TH Lê Thành Duy) hào hứng kể.

Cô Nam quan niệm, HS đến trường không chỉ để học kiến thức, mà các em còn cần nhận được sự yêu thương, quan tâm, chia sẻ. Năm học nào cũng vậy, ngay khi nhận danh sách lớp, việc đầu tiên cô Nam làm là liên hệ với GV chủ nhiệm cũ, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của từng em nhằm kịp thời động viên, hỗ trợ. Mỗi buổi lên lớp, cô chú ý quan sát, nắm bắt tâm lý, tình cảm của HS, quan tâm một cách chân thành để các em tin tưởng, chia sẻ. Trong lớp, cô tạo điều kiện để HS hỗ trợ lẫn nhau, đồng thời liên hệ chặt chẽ với GV bộ môn để nắm bắt tình hình lớp học.

Là một trong 251 nhà giáo tiêu biểu toàn quốc năm 2024, tôi may mắn được gặp Tổng Bí thư Tô Lâm. Sự quan tâm của Tổng Bí thư Tô Lâm đối với ngành giáo dục đã để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc. Ông nhấn mạnh vai trò quan trọng của giáo dục đối với sự phát triển của đất nước. Chia sẻ của Tổng Bí thư khiến tôi hiểu rằng, công việc của mình không chỉ là truyền đạt kiến thức mà còn là góp phần vào việc hình thành và phát triển nhân cách của thế hệ trẻ, những người sẽ xây dựng tương lai của đất nước sau này. Điều đó càng khiến tôi cảm thấy tự hào và có trách nhiệm hơn với công việc của mình.
 Cô Đặng Thị Kim Nam

Ngay từ đầu năm học, cô Nam đã chú ý rèn luyện cho HS nề nếp, kỹ năng, phương pháp học tập. Cô luôn khích lệ HS mạnh dạn nêu ý kiến của mình, động viên các em phát huy tư duy sáng tạo để tìm ra hướng đi riêng khi giải quyết các nhiệm vụ học tập. Trong quá trình phụ đạo, bồi dưỡng HS, cô Nam soạn những bài tập phù hợp với nhóm HS tiếp thu tốt và cả nhóm HS còn khó khăn trong học tập để tạo cho các em sự hào hứng với việc học.

Cô Kim Nam cho biết thêm: “Trong giảng dạy, tôi thường xuyên vận dụng linh hoạt, sáng tạo các phương pháp dạy học lấy HS làm trung tâm, các kỹ thuật dạy học tích cực như: sơ đồ tư duy, nhóm cộng tác... phù hợp với đặc trưng bộ môn và từng bài dạy. Đồng thời, tôi lập đôi bạn cùng tiến, đôi bạn vượt khó giúp HS khơi dậy tinh thần, thái độ học tập đúng đắn”.

Bên cạnh đó, cô Nam còn đưa công nghệ thông tin vào soạn giảng. Những giáo án điện tử với hình ảnh đẹp, ngộ nghĩnh, cùng với các trò chơi lồng ghép trong các hoạt động khiến cho mỗi giờ lên lớp đầy ắp niềm vui.

Cô Đặng Thị Kim Nam (áo dài màu vàng, đứng cạnh Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính) là một trong 251 nhà giáo tiêu biểu đại diện cho hơn 1,6 triệu giáo viên cả nước được vinh danh.
Cô Đặng Thị Kim Nam (áo dài màu vàng, đứng cạnh Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính) là một trong 251 nhà giáo tiêu biểu đại diện cho hơn 1,6 triệu giáo viên cả nước được vinh danh.

Buồn vui nghề giáo

Gần 30 năm đứng lớp, cô Kim Nam luôn khắc ghi những lời dạy của Bác và coi đó như ánh sáng dẫn đường trên hành trình gắn bó với nghề cao quý: “Người giáo viên phải chú ý cả đức, cả tài, đức là chính trị, tài là văn hóa, chuyên môn, muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức. Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là với trẻ con”. Với cô, lời Bác dạy chính là “bài học vỡ lòng” cho bản thân cô cũng như những người theo đuổi sự nghiệp trồng người.

Theo cô Nam, các em HS tiểu học đang ở lứa tuổi ngây thơ, hồn nhiên. Để hình thành nên những thói quen và nhân cách tốt cho HS của mình, bản thân GV phải là một tấm gương đạo đức. Nhà giáo phải có lối sống lành mạnh, trung thực, vị tha, thái độ ứng xử chuẩn mực với với đồng nghiệp, phụ huynh, đặc biệt là với HS. Để giữ được hình ảnh trọn vẹn trong mắt các em, cô Nam luôn nhắc nhở mình không chỉ nỗ lực, tận tụy trong giảng dạy mà còn phải trau dồi phẩm chất đạo đức, mở lòng thấu hiểu HS để vừa là người thầy, vừa là người bạn của các em.

Gắn bó với sự nghiệp trồng người, niềm vui của cô là được nhìn thấy các em HS của mình trưởng thành hơn. Và với cô, cảm xúc đặc biệt hơn cả là mỗi lần thuyết phục được HS không bỏ học giữa chừng: “Một vài HS tâm sự với tôi là hết lớp 5 sẽ nghỉ học. Mỗi lần như vậy, tôi lại tìm hiểu hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng của từng em và gặp gỡ, tâm sự để các em hiểu và tiếp tục đến trường”.

Cô Nam không thể quên câu chuyện gặp lại cậu học trò cũ sau 19 năm. Cậu học trò từng đòi nghỉ học năm ấy, nhờ được cô khuyên bảo đã tiếp tục con đường học tập, thi đậu ĐH chuyên ngành Thủy sản và hiện là ông chủ của một xưởng cá đông lạnh với hơn 100 công nhân. “Nghe lời tâm sự của em, tôi thấy hạnh phúc vô cùng. Hạnh phúc của người GV rất khó diễn tả bằng lời nói. Hàng ngàn học trò đã đi qua cuộc đời dạy học cũng chính là hàng ngàn mảnh ghép khác nhau, tạo nên cuộc sống muôn màu muôn vẻ, lấp đầy bức tranh của nghề gieo con chữ”, cô Nam tâm sự.

Bên cạnh niềm vui, nghề giáo với cô Nam cũng có những nỗi buồn. Đó là khi đã vận động, hỗ trợ hết sức mình mà phụ huynh vẫn cho các em nghỉ học. Hay khi đứng trước việc phụ huynh phó thác hoàn toàn trách nhiệm cho GV, cho nhà trường, từ chối phối hợp giáo dục con trẻ. Cô Nam tâm sự: “Nghề nào cũng có niềm vui, nỗi buồn, nhưng tôi luôn tự an ủi, động viên mình: Đã theo nghề giáo thì phải có lòng yêu nghề, có cái tâm trong sáng và tràn đầy nhiệt huyết, có niềm khát khao cháy bỏng với nghề mình đã chọn. Luôn cố gắng hết mình để đến lớp với niềm vui và nụ cười chân thành”.

HẢI BÌNH

 
.
.
.