.

Thủng dạ dày ở trẻ nhỏ: Nguy cơ từ thói quen thường ngày

Cập nhật: 16:30, 26/11/2024 (GMT+7)

Trước đây, thủng dạ dày chủ yếu xảy ra ở người lớn và hiếm gặp ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, gần đây, nhiều bệnh viện ghi nhận các ca trẻ bị thủng dạ dày, nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Bác sĩ Bệnh viện Vũng Tàu phẫu thuật nội soi cho bệnh nhân L.M.H.
Bác sĩ Bệnh viện Vũng Tàu phẫu thuật nội soi cho bệnh nhân L.M.H.

Không còn là trường hợp hiếm gặp

Mới đây, Bệnh viện Vũng Tàu tiếp nhận bệnh nhi L.M.H., (6 tuổi, phường 12 TP.Vũng Tàu) trong tình trạng đau quặn vùng thượng vị, sau lan khắp bụng, bụng gồng cứng. Qua thăm khám, bác sĩ cho biết, bụng bệnh nhi gồng cứng, ấn đau khắp ổ bụng. Kết quả siêu âm ghi nhận có khí tự do, dịch tự do trong ổ bụng. Bệnh nhi được chuyển phẫu thuật cấp cứu bằng phương pháp nội soi với hội chẩn nghi ngờ thủng dạ dày.

Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ còn thấy ổ bụng của bệnh nhi L.M.H., có nhiều dịch đục, mặt dưới gan có dịch mủ đục, kiểm tra mặt trước dạ dày có một lỗ thủng kích thước 1cm bờ mềm mại. Ê kip phẫu thuật lấy sạch giả mạc, khâu lỗ thủng. Sau  một tuần điều trị tại Bệnh viện Vũng Tàu, bệnh nhân được xuất viện. Theo người nhà bệnh nhân L.M.H., em sinh ra khỏe mạnh, cơ thể phát triển bình thường, không có thói quen ăn uống gì đặc biệt. Trẻ cũng chưa từng có tiền căn đau bụng. Vì thế, khi bác sĩ thông báo trẻ bị thủng dạ dày khiến người nhà bất ngờ.

Không chỉ trường hợp này, cuối tháng 6/2024, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.Hồ Chí Minh) tiếp nhận một bé gái 8 tuổi, bị đau bụng dữ dội, bụng căng cứng và ấn đau. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi này bị thủng môn vị tự phát. Người bệnh được điều trị bằng phẫu thuật nội soi, khâu lỗ thủng 3 mối rời. Tương tự, tháng 8/2024, bệnh viện này cũng điều trị cho bệnh nhi nữ 8 tuổi, bị thủng ở bờ cong dạ dày do có thói quen ăn tóc và rơm rạ. Thậm chí, còn có những ca thủng dạ dày diễn ra ở trẻ sơ sinh, mới vài ngày tuổi.

Bệnh dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác

Theo bác sĩ, thủng dạ dày là một bệnh lý cấp cứu ngoại khoa. Trẻ bị thủng dạ dày thường có các triệu chứng như: đau bụng dữ dội, chướng bụng, nôn, lừ đừ, mệt mỏi, có thể vật vã kích thích, tím tái. Nếu không được can thiệp kịp thời, nhiễm trùng xâm nhập vào máu gây sốc, làm tổn thương toàn bộ các cơ quan khác của cơ thể và có thể gây tử vong do nhiễm trùng, nhiễm độc, suy đa phủ tạng... Thủng dạ dày ở trẻ em hiếm gặp nên rất dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh lý cấp tính khác như: viêm ruột thừa, lồng ruột, tắc ruột, viêm túi mật, viêm tụy...Mặt khác, phụ huynh cũng chủ quan, nghĩ là bệnh lý viêm ruột đơn thuần, nên đưa con đi khám chậm trễ. Khi đưa trẻ vào bệnh viện thì bệnh lý đã gây viêm phúc mạc toàn thể.

Nếu như trước đây, thủng dạ dày thường xảy ra với người từ 20-50 tuổi, tuy nhiên thời gian gần đây bệnh lý này xuất hiện ở một số trẻ em. Bên cạnh nguyên nhân chính, trẻ bị viêm loét dạ dày, tá tràng do vi khuẩn  H.pylori gây ra làm thủng dạ dày. Trẻ bị thủng dạ dày còn xuất phát từ việc ăn uống và nghỉ ngơi không khoa học như: học tập căng thẳng, thức khuya, ăn nhiều thức ăn nhanh, đồ chua và cay nóng, ăn uống không đúng giờ giấc…

Bác sĩ Lê Mạnh Tới (Khoa Ngoại, Bệnh viện Vũng Tàu) khuyến cáo, cha mẹ hãy lưu ý trước những cơn đau bụng của trẻ, đặc biệt những cơn đau bụng kéo dài hơn 6 tiếng. Phụ huynh hãy loại bỏ suy nghĩ thủng dạ dày chỉ xảy ra ở người lớn, bởi tình trạng này cũng có thể xuất hiện ở trẻ em, ngay cả khi bệnh nhân chưa được chẩn đoán và điều trị bệnh lý dạ dày trước đó. Khi trẻ có biểu hiện như đau bụng thường xuyên và kéo dài nhiều giờ, khó chịu đường tiêu hóa, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán và điều bệnh trong thời gian sớm nhất.

Bác sĩ cho rằng, để phòng bệnh cho trẻ không bị mắc các bệnh lý gây thủng dạ dày, phụ huynh nên tạo cho con môi trường học tập thoải mái, không gây áp lực cho con; tránh thức khuya. Duy trì cho trẻ chế độ ăn uống khoa học, hợp lý, không cho trẻ ăn nhiều thực phẩm cay, nóng, chua và hạn chế các thực phẩm xào, nướng hoặc mặn. Không cho trẻ sử dụng các chất kích thích như cà phê, thức uống có cồn.

Bài, ảnh: TUỆ LÂM

.
.
.