.

Bất cập thu nhập của nhân viên y tế - Kỳ 1: Thường xuyên phải "vượt giới hạn bản thân"

Cập nhật: 18:02, 27/11/2024 (GMT+7)

Cường độ làm việc cao, thường xuyên trực thâu đêm suốt sáng, nhiều ca làm việc căng thẳng, áp lực, mệt mỏi... nhưng giữa sự an nguy của bệnh nhân, đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế phải vượt giới hạn bản thân, nỗ lực ở mức cao nhất.

Làm việc trong khoa có hầu hết là bệnh nhân nặng, nguy kịch nên bác sĩ Văn Viết Thắng (Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Vũng Tàu) cảm thấy áp lực hơn.
Làm việc trong khoa có hầu hết là bệnh nhân nặng, nguy kịch nên bác sĩ Văn Viết Thắng (Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Vũng Tàu) cảm thấy áp lực hơn.

Chịu vô vàn áp lực

Vừa kết thúc khóa đào tạo chuyên khoa I, bác sĩ trẻ Văn Viết Thắng liền trở về Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc (ICU, Bệnh viện Vũng Tàu) làm việc và đã xử trí ngay ca bệnh nguy kịch.

Đó là bệnh nhân N.V.T. (43 tuổi, TP.Vũng Tàu) lên cơn đau bụng dữ dội, sau đó đột ngột ngừng tim do uống thuốc gia truyền trị bệnh tiểu đường. Cùng với việc nhanh chóng hồi sức tim, bác sĩ Thắng cho đặt nội khí quản, lọc máu, sử dụng thuốc hỗ trợ tim mạch để giành giật sự sống cho bệnh nhân.

Bác sĩ Thắng chia sẻ, khi xử trí ca bệnh, anh gặp rất nhiều áp lực. Người bệnh uống thuốc có thành phần phenformin, là chất cấm, gây ra các biến chứng nặng, tỷ lệ tử vong lên tới hơn 90%. Hơn nữa, ông T. còn ngừng tim 2 lần. Diễn biến bệnh nặng, thay đổi liên tục, bác sĩ buộc phải áp dụng và lựa chọn các phương pháp điều trị chuẩn xác nhất, mới đưa được bệnh nhân từ cõi chết trở về.

Bác sĩ Thắng nói: “Có những lúc, chúng tôi nghĩ không còn hy vọng, rất đuối sức. Nhưng sau 2 tuần điều trị tích cực, sức khỏe người bệnh ổn định trở lại. Lúc đó chúng tôi mới cảm thấy khỏe ra”.

Theo bác sĩ Thắng, hầu hết bệnh nhân nằm ở Khoa ICU đều mắc bệnh nặng và nguy kịch. Vì thế, nhân viên luôn chuẩn bị tâm lý vững vàng, sẵn sàng tiếp nhận điều trị, chăm sóc bệnh nhân thay người nhà. “Bệnh nhân vào Khoa ICU là lành ít, dữ nhiều. Điều này làm cho trọng trách, áp lực của tôi càng lớn hơn”, bác sĩ Thắng chia sẻ.

Bác sĩ Trần Thị Thảo Uyên gắn bó với Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bà Rịa) được 10 năm. Chị Uyên có 2 con nhỏ dưới 6 tuổi nhưng cũng như đồng nghiệp nam, cứ 4 ngày, chị phải trực tại khoa 24/24 giờ. Những ngày còn lại chị trực theo giờ hành chính.

Toàn tỉnh có khoảng hơn 4.000 nhân viên y tế. Trong đó có 707 bác sĩ, 325 dược sĩ và 1.077 điều dưỡng, cùng nhiều chức danh khác.

Bác sĩ Uyên tâm sự, nỗi vất vả nhất tại Khoa Cấp cứu là phải tiếp nhận liên tục và nhanh chóng xử lý cho nhiều người bệnh. Mỗi ca trực chỉ có 3-4 bác sĩ nội nhưng trung bình phải tiếp nhận từ 200-250 ca/ngày nên cường độ làm việc rất cao. Áp lực càng nặng nề khi cấp cứu cho các trường hợp bệnh nặng bị nhồi máu cơ tim cấp, đột quỵ não, suy hô hấp cấp hoặc các ngày lễ, số lượng người bệnh tăng đột biến. Trong suốt ca trực, hiếm khi chị được ngơi tay. Chưa kể, khi vào cấp cứu, người nhà và bệnh nhân đều mong muốn được bác sĩ thăm khám và điều trị nhanh nhất mà không biết bệnh nặng được ưu tiên trước. Do vậy, đôi khi chị Uyên còn phải chịu những lời nói khó nghe từ người nhà bệnh nhân.

Chị Uyên trải lòng, chọn làm tại Khoa Cấp cứu thì phải chấp nhận cả những áp lực của công việc lẫn thái độ người bệnh. Chuyện ăn không đúng bữa, thiếu ngủ, mỗi ngày trực đêm chỉ tranh thủ chợp mắt 2-3 giờ lúc sáng sớm khi có ít người bệnh trở thành chuyện bình thương của nhân viên y tế.

Đặc thù công việc bận rộn nên chị Uyên có rất ít thời gian dành cho con cái. Hai con chị phải gửi nhờ ông bà nội hoặc ngoại chăm sóc. “Con cái thiếu sự quan tâm của mẹ nên thiệt thòi nhiều thứ. Song khi quyết tâm theo đuổi nghề y và chọn làm việc tại Khoa Cấp cứu, tôi vẫn phải dành sự ưu tiên cho bệnh nhân hơn”, bác sĩ Uyên nói.

Bác sĩ Trần Thị Thảo Uyên (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bà Rịa) luôn phải nỗ lực,  vượt qua khó khăn của bản thân và công việc để làm tốt nhiệm vụ.
Bác sĩ Trần Thị Thảo Uyên (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bà Rịa) luôn phải nỗ lực, vượt qua khó khăn của bản thân và công việc để làm tốt nhiệm vụ.

Một phần của cuộc sống

Bệnh viện Tâm thần tỉnh được giao 36 chỉ tiêu bác sĩ, nhưng đến nay, đơn vị mới có 12 người. Tình trạng thiếu bác sĩ ở Bệnh viện Tâm thần tỉnh diễn ra nhiều năm nay. Dẫu thiếu bác sĩ, cường độ và áp lực công việc cao nhưng 3 năm trở lại đây, Bệnh viện Tâm thần tỉnh không có bác sĩ nghỉ việc hay chuyển công tác. Nhân viên y tế luôn nhiệt huyết, tận tâm với nghề.

Chứng kiến bác sĩ Nguyễn Văn Bình, Trưởng Khoa Điều trị nội trú nữ thuyết phục bệnh nhân 32 tuổi (ở TP.Vũng Tàu) tuân thủ điều trị mới hiểu được sự tận tụy, trách nhiệm của anh đối với người bệnh. Trường hợp này bị mất ngủ kéo dài, dẫn tới rối loạn cảm xúc, dễ kích động. Chị từng được Bệnh viện Tâm thần tỉnh điều trị ổn định và cho xuất viện về nhà uống thuốc. Thế nhưng, cho rằng mình khỏe mạnh nên thời gian điều trị ngoại trú, chị không uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Vì vậy, bệnh của chị tái phát và phải nhập viện. Khi bác sĩ Bình đến khám, người bệnh không bình tĩnh, chống đối và không hợp tác.

Vốn là người có nhiều kinh nghiệm, anh kiên trì lắng nghe, tư vấn, giải thích cặn kẽ cho người nhà và bệnh nhân để họ nhận biết được tình trạng sức khỏe, tác hại của việc bỏ uống thuốc. “Ngày nào tôi cũng làm những công việc trên cho bệnh nhân. Dù mất thời gian nhưng sẽ mang lại hiệu quả cho người bệnh”, bác sĩ Bình cho hay.

Bác sĩ Bình về Bệnh viện Tâm thần tỉnh công tác đến nay gần 20 năm nay. Chừng ấy năm, công việc của anh thường xuyên quá tải do thiếu bác sĩ. Mỗi ca trực kéo dài 24 tiếng, nhưng chỉ có anh có chứng chỉ hành nghề chuyên khoa tâm thần và một bác sĩ nội khoa đảm nhận khám, chữa bệnh cho 200 bệnh nhân ở Khu điều trị nội trú nữ và nam. Anh Bình trải lòng: “Công việc vất vả, chưa kể nguy cơ bị người bệnh "tác động vật lý", nhưng tôi chưa bao giờ có ý định nghỉ việc. Tôi muốn gắn bó lâu dài ở đây để cùng chăm sóc những bệnh nhân đáng thương của mình”.

Không riêng gì bác sĩ Bình, trong khi một số đồng nghiệp đã xin nghỉ việc, chuyển công tác do môi trường làm việc và thu nhập chưa tương xứng, chị Nguyễn Thị Thảo, điều dưỡng Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Vũng Tàu) vẫn hết mình với bệnh nhân. 21 năm công tác, công việc nhiều căng thẳng nhưng thu nhập của chị chỉ được 13 triệu đồng/tháng. Chị còn hiếm khi được nghỉ lễ. Thời gian ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. “Công việc trở thành một phần trong cuộc sống nên tôi sẽ không bỏ việc”, chị Thảo bộc bạch.

(Còn nữa)

Bài, ảnh: TUỆ LÂM

 
.
.
.