.

Dạy con sử dụng điện thoại

Cập nhật: 15:39, 26/07/2024 (GMT+7)

Trong bữa tiệc gia đình, những đứa trẻ không quen biết nhau, lần đầu tiên ngồi gần nhau ắt chúng sẽ tíu tít trò chuyện làm quen? Lâu nay chúng ta vẫn nghĩ, thông thường người lớn sẽ “cảnh giác” khi với người lạ bắt chuyện, còn trẻ con thì không, chúng dễ dàng ngỏ lời cùng nhau. Tôi đã nhầm. Trước mắt tôi, chúng lặng lẽ vừa ăn và vừa… cắm mặt vào chiếc điện thoại cầm tay, không thèm chú ý đến những gì đang diễn ra xung quanh. 

Cha mẹ cần kiểm soát việc sử dụng điện thoại của con. Ảnh minh họa
Cha mẹ cần kiểm soát việc sử dụng điện thoại của con. Ảnh minh họa

Hình ảnh này, không chỉ ngay trong nhà mình, ta có thể quan sát tại các quán ăn, quán cà phê, thậm chí ngay cả ngoài công viên… Khi người lớn túm tụm “tám” chuyện, còn những đứa trẻ đi theo đã được “khóa tay khóa chân”, không chạy nhảy lung tung mà mình phải mất công liếc mắt trông coi, canh chừng thì cách nhanh, gọn, lẹ vẫn là bảo chúng ngồi yên và đưa cho chiếc điện thoại!

Ngày nay, nhiều bậc phụ huynh than phiền con cái mình đã có những biểu hiện mà trong nhà lẫn nhà trường không hề bày vẽ, hướng dẫn. Vậy, khi chúng hát những ca khúc không phù hợp với lứa tuổi, “nhạc chế” thô tục, tâm tính thay đổi nọ kia theo chiều hướng xấu… là từ đâu? Từ chiếc điện thoại chăng? Có tâm lý do tập trung vào công việc, không muốn con quấy rầy, cách dễ dàng nhất vẫn là đưa chiếc điện thoại cho con. Chúng tự tung, tự tác xem, nghe, đọc những gì ở đó, tùy theo sở thích, chứ chưa biết phải chọn lọc. Tất cả “thượng vàng, hạ cám” ấy, được dung nạp trong tâm trí đứa trẻ, thế thì ta đừng lấy làm ngạc nhiên khi một ngày nào đó kinh ngạc với các biểu hiện thay đổi của chúng.

Hiện nay, chỉ cần từ khóa “tội phạm ngày càng trẻ hóa” chúng ta thấy “12.400.000 kết quả (0,28 giây)”. Tất nhiên không một ai đổ vấy cho… chiếc điện thoại, bởi bên cạnh đó còn là tác động do môi trường, vai trò của gia đình, nhà trường, đoản thể, kể cả cách tuyên truyền về pháp luật… Tuy nhiên, vẫn không loại từ khả năng đó, TS Đặng Văn Cường thuộc Viện kiểm sát cho rằng: “Ngày nay, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, công nghệ khiến việc tiếp cận với phim ảnh, trò chơi trên internet rất dễ dàng. Nếu cha mẹ thiếu kiểm soát hoặc bỏ mặc, khuyến khích cho con chơi những trò chơi bạo lực thì dễ biến những đứa trẻ thành những đứa trẻ ưa bạo lực, sẵn sàng sử dụng bạo lực để giải quyết các vấn đề. Các chương trình trên internet không được chọn lọc dẫn đến việc tiếp thu nhiều thông tin độc hại khiến tâm lý, nhân cách trẻ bị ảnh hưởng”.

Sự ảnh hưởng này, theo tôi, trực tiếp nhất vẫn còn là lúc con trẻ “học” từ ba mẹ. Chúng học được những gì khi mà cha mẹ không dành thời gian trò chuyện, tâm tình, bảo ban con?… Tôi quan niệm rằng, hình thành nếp văn hóa cho các thành viên trong nhà, phải bắt đầu từ vai trò chủ động của các bậc phụ huynh. Trước đây có một cuốn tự truyện gây chấn đông dư luận là hồi ký “Tâm Si đa” - với những gì đã chứng kiến, đã trải qua, tác giả đúc kết vài nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ em phạm tội chính là do bắt đầu từ gia đình. 

Tuy nhiên cách sử dụng như thế nào, hướng dẫn lẫn quản lý con em mình đạt hiệu quả tích cực vẫn là một “thách thức”. Trong lúc toàn xã hội đang kêu gọi chấn chỉnh văn hóa, đứng từ góc độ của người dân bình thường, thiết nghĩ công việc vĩ mô này cần bắt đầu ngay từ trong nhà của minh, có như thế mới hy vọng xây dựng được “thành trì” vững chắc.

LÊ MINH QUỐC

.
.
.