.

Chín mé là bệnh gì?

Cập nhật: 15:35, 26/07/2024 (GMT+7)

Hỏi: Tôi có đứa cháu 4 tuổi, đầu ngón tay trỏ bỗng nhiên sưng to, có mủ. Nghe hàng xóm nói cháu bị chín mé. Xin bác sĩ cho biết chín mé là gì, nguyên nhân và cách chữa trị…

(ductu...@gmail...)

Trả lời: Chín mé đầu ngón tay, ngón chân là tình trạng nhiễm trùng, sưng và mưng mủ do tụ cầu khuẩn vàng và virus Herpes gây ra. Nguyên nhân dẫn đến chín mé có thể vì các bậc phụ huynh cắt móng tay cho trẻ quá sát vào da, đặc biệt là vùng da ở hai bên khoé móng khiến da bị đứt, hoặc trẻ bị thương tích ở đầu ngón tay, ngón chân nhưng lại nghịch ngợm đất cát, các đồ vật bẩn, nước bẩn…, dẫn đến nhiễm trùng. Chín mé nếu không được điều trị, xử trí đúng cách có thể để lại biến chứng nguy hiểm như viêm khớp, viêm xương, viêm bao hoạt dịch, nhiễm trùng máu.

Nhiễm trùng chín mé gây mủ ở khoé móng.
Nhiễm trùng chín mé gây mủ ở khoé móng.

Thoạt đầu, sau từ 1 đến 3 ngày bị tổn thương, ở đầu ngón tay hoặc ngón chân sẽ tấy đỏ, sưng, ngứa và đau nhức khiến bệnh nhi khó cử động. Trong 4 đến 7 ngày tiếp theo, tổn thương viêm nhiễm bắt đầu lan rộng ra xung quanh ngón tay hoặc ngón chân, cơn đau nhức cũng tăng lên, căng và giật theo từng nhịp mạch đập, bệnh nhi có thể sốt nhẹ, chán ăn, tay khó cầm nắm nếu chín mé ngón tay, đi lại khập khiễng nếu chín mé ngón chân.

Những ngày tiếp theo, vị trí đầu ngón tay, ngón chân bị viêm nhiễm sẽ mưng mủ, biểu hiện bằng nốt phồng màu vàng ngà ở bên khoé móng, cơ giữ móng bị tổn thương khiến móng lung lay, thậm chí khi chín mé vỡ mủ, móng còn có thể bị rơi ra nếu không điều trị. Bệnh nhi đau nhiều hơn, sốt cao hơn.

Khi bị chín mé giai đoạn đầu, nghĩa là mới chỉ sưng đỏ nhưng chưa có mủ, bệnh nhi cần được giữ vệ sinh vùng viêm nhiễm bằng cách rửa với thuốc tím pha loãng. Sau đó đưa bệnh nhi đến bác sĩ để được điều trị bằng các thuốc kháng sinh dạng mỡ. Tuyệt đối không tự mua thuốc theo lời truyền khẩu hoặc chữa mẹo như đắp cây lá giòi, lá mù u lên chỗ chín mé. Nếu chín mé đã làm mủ, bác sĩ sẽ rạch để mủ thoát ra đồng thời kết hợp với thuốc kháng sinh. Nếu sau khi điều trị nhưng chỗ bị chín mé vẫn sưng và đau, bác sĩ sẽ chỉ định chụp X quang nhằm đánh giá biến chứng.

Để phòng ngừa chín mé, các bậc phụ huynh nên thường xuyên rửa chân tay cho trẻ hàng ngày sau mỗi bữa ăn, buổi tốt trước khi ngủ, không cho trẻ chơi đùa, nghịch ngơm đất cát, nước bẩn, không đi chân trần trên đất. Không cắt móng tay, móng chân sát vào da hai bên khoé móng. Khi cắt móng, không để hình thành những cạnh nhọn ở góc móng nhằm đề phòng nó đâm vào da khi trẻ vận động.

Bs TRẦN VĂN PHƯƠNG

.
.
.