.

Tác hại khó lường của thuốc lá điện tử

Cập nhật: 15:48, 07/06/2024 (GMT+7)

Những năm gần đây, thuốc lá điện tử xuất hiện ồ ạt trên thị trường nước ta với nhiều chủng loại, tất cả đều được sản xuất từ nước ngoài và số người sử dụng cũng tăng lên, trong đó không ít những học sinh tuổi mới chỉ 14, 15. Phần lớn đều tin rằng thuốc lá điện tử không có hại, không gây nguy hiểm như thuốc lá thông thường nhưng sự ngộ nhận này đã và đang mang lại những hậu quả vô cùng nguy hiểm.

Thuốc lá điện tử tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường cho người sử dụng.
Thuốc lá điện tử tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường cho người sử dụng.

Lượng nicotin hấp thu vào phổi cao hơn thuốc lá thông thường

Gồm nhiều hình dạng khác nhau, có loại giống như thuốc lá thông thường nhưng kích thước lớn hơn, có loại nhìn như cây bút, như chai nước hoa, thỏi son môi hoặc như cái ống tẩu, USB trong máy tính… Tất cả đều có điểm chung là bên trong gồm một ống chứa muối nicotin (nicotin là thành phần chính của thuốc lá thông thường), thậm chí có cả tinh dầu cần sa cùng các hương liệu như mùi táo, mùi hoa hồng, mùi cam, nho, chanh…, cùng một bộ phận đốt nicotin, hương liệu thành hơi để người sử dụng hít vào như hút thuốc lá. Nó cũng ra khói nhưng lượng khói nhả ra sau mỗi lần hút nhiều gấp 3 lần so với hút một hơi thuốc lá điếu, chỉ khác là do không đốt trực tiếp như thuốc lá điếu nên nó không có khí carbon (CO). Bộ phận đốt hoạt động bằng pin Lithium-Ion sạc lại được và khi ống chứa hợp chất nicotin, tinh dầu hết, người dùng có thể thay thế dễ dàng.

Với loại thuốc lá truyền thống, nếu như chất nicotin có trong khói thuốc khi hút vào sẽ gây cảm giác tỉnh táo, hưng phấn tạm thời thì TLĐT cũng tạo ra hiệu ứng tương tự. Tuy nhiên do được đốt nóng rồi biến thành hơi nên những hạt nicotin siêu nhỏ sẽ dễ dàng đi vào phế nang phổi hơn thuốc lá truyền thống. Các khảo sát của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy một ống tinh dầu chứa 5% muối nicotin trong TLĐT tương đương với lượng nicotin trong 3 gói thuốc lá điếu. Điều đó có nghĩa là nếu 1 ngày người sử dụng TLĐT hút hết 1 ống tinh dầu thì lượng nicotin hấp thu vào phổi sẽ bằng 3 gói thuốc lá, chưa kể hóa chất tạo mùi thơm.

Vẫn theo WHO, 1 điếu thuốc lá thông thường khi cháy sẽ sinh ra hơn 7.000 chất, đa số là chất độc đối với cơ thể người còn TLĐT thì số lượng ít hơn nhưng không vì thế mà nó ít độc hơn. Bảng phân tích của WHO cho thấy trong TLĐT, ngoài nicotin thì còn có 18 chất, gồm  Diethylphtalat (DEP), thuộc nhóm Ester phthalate hay còn gọi là chất tạo hương thơm. Chất này có thể phá hủy ADN của tinh trùng nam giới, sinh quái thai khi lấy vợ, tăng nguy cơ mắc các bệnh về da và ảnh hưởng đến khả năng hô hấp, Benzophenone gây rối loạn nội tiết có liên quan đến các khối u gan, Chloromethane (Methyl Chloride) gây ra các phản ứng cấp tính và mãn tính lên hệ thần kinh, Dichloromethane (Methylene Chloride), liên quan đến u tuyến vú, Resorcinol ảnh hưởng đến chức năng gan, thận, lách, gây hại cho hệ tim mạch và thần kinh, Styrene gây độc cho tế bào hồng cầu và gan, mùi Xạ hương tổng hợp (Tonalide, Galaxolide, Ketone xạ hương, Xylene xạ hương…), tích tụ trong sữa mẹ, mỡ và máu dây rốn trẻ sơ sinh, liên quan đến hiện tượng rối loạn hormone, rất có hại trong quá trình mang thai, sinh sản, Titanium Dioxide gây ung thư phổi…

Cách nhận biết thanh thiếu niên hút TLĐT

Thông thường, thanh thiếu niên nghiện thuốc lá điếu sợ cha mẹ, người quen phát hiện do miệng, da mặt, tóc có mùi thuốc lá nên họ hút ở ngoài đường, trong quán cà phê, quán ăn hoặc những nơi công cộng rồi mới về nhà nhưng với TLĐT, nhiều thanh thiếu niên hút ở nhà, nhất là những người có phòng riêng vì nó không toả ra mùi khói thuốc lá. Nếu trong gia đình có ai đó ngửi thấy mùi thơm, họ dễ dàng nói dối bằng cách cho rằng đó là nước xịt hoa phòng nên rất khó phát hiện ngoại trừ trường hợp bị bắt quả tang đang hút. Và mặc dù hút lén lút nhưng họ vẫn có một số biểu hiện như ho, hụt hơi, khó thở nếu đã hút thường xuyên mà nguyên nhân là do những hoá chất có trong TLĐT.

Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ cũng có thể phát hiện con em mình hút TLĐT nếu nhìn thấy những vật lạ cất trong tủ riêng, ngăn bàn, cặp sách, túi quần, túi áo dưới dạng ống nhựa cứng, thỏi son môi… có từng ngăn riêng biệt, có chỗ sạc, ngửi sẽ thấy những mùi thơm rất đặc trưng, phổ biến là mùi cam, bạc hà, chanh, táo… Ngoài ra nếu đã nghiện TLĐT, giờ giấc sinh hoạt của người nghiện thay đổi, thích ẩn mình trong phòng riêng, tiêu xài cá nhân có khuynh hướng tăng lên, ra khỏi nhà bất thường…

Cũng như hầu hết người nghiện thuốc lá truyền thống, thực tế cho thấy việc cai nghiện TLĐT rất khó bởi lẽ càng hút nhiều thì não bộ và cơ thể sẽ càng quen với việc có nicotin. Nếu ngưng hút, nồng độ nicotin trong máu giảm, gây cho người nghiện cảm giác bồn chồn khó chịu, dẫn đến người nghiện phải hút TLĐT nhiều hơn. Một số phương pháp hỗ trợ như ngậm kẹo cai nghiện, uống những loại thuốc được quảng cáo là sẽ cắt cơn nghiện chỉ có tác dụng tạm thời nếu người nghiện không quyết tâm từ bỏ.

Vì thế, để việc cai nghiện TLĐT mang lại hiệu quả, ngoài sự động viên, giúp đỡ tích cực của gia đình, học đường, xã hội, người nghiện TLĐT trong quá trình cai nên uống nhiều nước (2 đến 2,5 lít/ngày), tập thói quen ngủ đúng giờ và cố gắng mỗi ngày ngủ từ 6 đến 8 tiếng. Người hút có thể nhai kẹo cao su hoặc ăn những loại ngũ cốc như hạt điều, hạt dẻ, hạt mắc ca mỗi khi thèm hút, chọn một môn thể thao và kiên trì tập luyện hàng ngày, điều chỉnh tâm trạng, tránh những cảm xúc tiêu cực như nóng giận, bực tức, bi quan, chán nản, tham vấn ý kiến của các chuyên gia y tế nếu cần…

Thạc sĩ Hoá học Nguyễn Long Thành

.
.
.