Hãy cho con một mùa hè đúng nghĩa
Mùa hè là thời điểm trẻ được vui chơi, giải trí sau một năm học tập vất vả. Tuy nhiên, không phải bậc phụ huynh nào cũng nghĩ như vậy. Nhiều người dù chưa kết thúc năm học đã “rục rịch” lên kế hoạch học thêm hè cho con, qua đó biến mùa hè trở thành “học kỳ thứ 3”, thậm chí có phần căng thẳng hơn 2 học kỳ chính.
Các em thiếu nhi tham gia trò chơi đố vui tại "Trại hè thiếu nhi" năm 2023 do Huyện Đoàn Xuyên Mộc tổ chức. |
Đừng biến mùa hè thành “học kỳ thứ 3”
Ngay khi con vừa được nghỉ hè, chị H.Ng. (phường Thắng Nhì, TP.Vũng Tàu) đã lên lịch trình học tập khá dày đặc cho cậu con trai năm nay lên lớp 9. Theo chị Ng., thi tuyển sinh vào lớp 10 ngày càng khắc nghiệt, con chị cũng chỉ còn 1 năm để bước vào kỳ thi khốc liệt này. Vì thế, mùa hè năm nay là dịp để chị “tăng tốc” cho con, giúp con trang bị thêm kiến thức cho năm học cuối cấp. Ngoài học thêm các môn văn hóa như: Toán, Tiếng Anh, chị Nga còn đăng ký cho con học thêm 1 lớp thuyết trình cơ bản để cải thiện khả năng giao tiếp, giúp con tự tin hơn. “Thấy lịch học dày, con trai tôi cũng áp lực. Nhưng tôi động viên con cố gắng hết năm nay, sang năm đỗ vào lớp 10, sau đó con muốn nghỉ hè thế nào cũng được...”, chị Ng. nói.
Tương tự, chị Hoa Lý (phường 11, TP.Vũng Tàu) cũng có con gái năm nay lên lớp 5. Cũng xuất phát từ mong muốn con không thua kém bạn bè, sợ vào năm học con không theo kịp các bạn… nên chị đã đăng ký cho con học hết các môn học trong dịp hè từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 7. “Biết rằng mùa hè là thời điểm để con nghỉ ngơi, nhưng suốt 3 tháng hè mà không học hành gì tôi sợ con sẽ quên kiến thức, vào năm học mới sẽ không theo kịp được các bạn”, chị Lý nói.
Những năm gần đây, do ảnh hưởng cuộc sống và từ những quan niệm khác nhau của phụ huynh mà kỳ nghỉ hè của học sinh mất đi ý nghĩa vốn có của nó. Nguyên nhân chủ yếu là do tâm lý của các bậc phụ huynh sợ con không học sẽ thua kém bạn bè, hổng kiến thức hoặc sợ con không học sẽ mải chơi, khó quản lý. Với suy nghĩ đó, nhiều bậc phụ huynh đã tìm thầy cô giỏi để dạy thêm cho con… Chính điều này đã tạo ra áp lực không nhỏ cho các em.
Cho con một mùa hè đúng nghĩa
Với suy nghĩ, hè là dịp để con nghỉ ngơi, vui chơi sau một năm học tập căng thẳng, vất vả, vợ chồng anh Tùng, chị Phương (phường Long Tâm, TP.Bà Rịa) đã lên kế hoạch cho kỳ nghỉ hè cho cậu con trai 10 tuổi từ rất sớm.
Theo chị Phương, trẻ em nghỉ hè 3 tháng mà không đi học ở một lớp nào đó rất dễ ở nhà chơi game. Do đó, tôi chỉ đăng ký cho con 1 lớp học bơi và 1 lớp tiếng Anh. Đó là cách để hạn chế thời gian chơi game, xem tivi của con. Bù lại, ngày nghỉ cuối tuần, vợ chồng chị sẽ dành thời gian để chở con đi chơi, cho con tham gia các hoạt động hè tại địa phương.
Học văn hóa là hết sức quan trọng, nhưng ngoài học văn hóa, trẻ em cũng cần được vui chơi, khám phá cuộc sống theo đúng nhu cầu, sở thích của bản thân, đồng thời phát triển nhiều kỹ năng khác có ích cho cuộc sống. Chính vì thế, để trẻ em có một mùa hè đúng nghĩa, việc thay đổi suy nghĩ, nhận thức của mỗi phụ huynh là rất quan trọng.
Trước hết, cha mẹ không nên sắp xếp thời khóa biểu mùa hè của con theo ý mình, vì sẽ khiến con cảm thấy bị áp đặt. Hãy hỏi xem con mong muốn gì trong mùa hè, mục tiêu của con vào mùa hè này là như thế nào. Điều này giúp con cảm thấy được tôn trọng, được quyền đưa ý kiến và lựa chọn. Đơn cử như việc học không nên chỉ là học các môn như: Văn, Toán, Tiếng Anh… mà thay vào đó là học vẽ, múa, nhảy, đàn, hát… Như thế vừa giúp trẻ có điều kiện vui chơi, giải trí dịp hè, rồi biết đâu được qua các lớp học trên, trẻ ngày càng phát huy được năng khiếu tiềm ẩn bên trong mà bấy lâu nay chưa ai phát hiện ra.
Theo các chuyên gia tâm lý, ở lứa tuổi thiếu nhi và thanh thiếu niên, trẻ thường hiếu kỳ, thích khám phá thế giới xung quanh. Việc thay đổi không gian sống dù trong thời gian ngắn của những ngày hè vẫn có thể giúp trẻ học hỏi được rất nhiều điều bổ ích. Do đó, cha mẹ cần tư vấn, giúp con lập “kế hoạch mùa hè” với một lịch trình hợp lý nhất, bảo đảm con vẫn có thời gian nghỉ ngơi, trải nghiệm các hoạt động vui chơi, vẫn có thời gian học nhẹ nhàng không áp lực để duy trì thói quen học tập. Ðôi khi chỉ cần khuyến khích trẻ tham gia hoạt động xã hội tại địa phương hoặc đưa trẻ về quê thăm ông bà, họ hàng vài ngày cũng là cách giúp trẻ có những trải nghiệm lý thú.
Ngoài ra, dịp nghỉ hè, cha mẹ cũng nên dành thời gian để kết nối, thấu hiểu con hơn. Cả gia đình có thể cùng nhau đi bộ, du lịch, cắm trại… vừa là cơ hội để con trải nghiệm, khám phá thế giới xung quanh, vừa gắn kết tình cảm gia đình giữa cha mẹ và con cái.
Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN