'Dở khóc, dở cười' khi cho trẻ học tiếng Anh quá sớm
Nhiều gia đình có điều kiện đã cho con học hoàn toàn trong môi trường sử dụng tiếng Anh ngay từ khi còn ở lứa tuổi mầm non. Tuy nhiên, nhiều bé lại bị ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp, học tập bằng Tiếng Việt.
Trẻ bị rối loạn ngôn ngữ do nói tiếng Anh rành hơn tiếng Việt là vấn đề đang được nhiều phụ huynh quan tâm. (Hình minh hoạ) |
Những tác dụng ngược
Từ 5 tuổi, bé Nguyễn Huỳnh Lan đã nói chuyện bằng tiếng Anh lưu loát khiến chị Hoàng Thị Quỳnh rất tự hào. Thế nhưng, giờ đây chị Quỳnh Anh rơi vào trạng thái "dở khóc, dở cười" khi phát hiện ra con rất ngại nói tiếng Việt, thường sử dụng tiếng Anh kể cả khi nói với ông bà, ba mẹ.
Không nói tốt tiếng mẹ đẻ nên khi bước vào lớp 1, bé Huỳnh Lan khiến ba mẹ, cô giáo đau đầu vì không thể học môn tiếng Việt, ngọng nghịu khi đọc chính tả. Ngay cả khi làm toán cũng sai vì do không hiểu nội dung đề bài.
Chị Hoàng Thị Quỳnh kể, từ khi Huỳnh Lan 2 tuổi đã làm quen môi trường hoàn toàn bằng tiếng Anh qua các video, học với giáo viên người bản xứ, ở nhà ba mẹ cũng nói tiếng Anh với con. Vì thế, từ đó bé có thói quen giao tiếp bằng tiếng Anh và chỉ nói được rất ít từ bằng tiếng Việt. Mặc dù vợ chồng chị đã “sửa sai” bằng cách cố gắng nói chuyện, trao đổi tiếng Việt với con hằng ngày nhưng mỗi khi gặp từ khó, hoặc câu nào diễn đạt khó là bé lại chuyển qua tiếng Anh.
Do đó, 1 năm qua hàng ngày chị Quỳnh lại phải tìm lớp cho con học tiếng Việt. Câu chuyện người Việt phải học lại tiếng mẹ đẻ như Huỳnh Lan không phải là cá biệt, thực tế cho thấy nhiều đứa trẻ do ba mẹ coi trọng việc học tiếng Anh từ bé nên rất hạn chế việc giao tiếp bằng tiếng Việt.
Chia sẻ về vấn đề này, anh Trần Vũ Thư (TP.Vũng Tàu) cho biết, vợ chồng anh vừa chuyển con trai học lớp 5 từ trường quốc tế sang một trường tiểu học công lập để con học lại tiếng Việt từ đầu. Nguyên nhân là do chỉ sử dụng tiếng Anh nên con trai của anh Thư không thể chơi với các bạn trong khu phố. Thậm chí, những câu giao tiếp thông thường như “con ăn no rồi” thì bé nói thành “ăn no rồi con”.
Các chuyên gia giáo dục cho rằng, trẻ nên đọc thông viết thạo tiếng Việt trước khi học tiếng Anh. |
Hãy học tiếng Anh khi đã đọc thông, viết thạo
Đó là lời khuyên cho các bậc phụ huynh của các chuyên gia giáo dục. Bởi nhiều nghiên cứu khoa học khẳng định, việc tiếp nhận kiến thức ở tiếng mẹ đẻ sẽ chuyển đổi và ảnh hưởng tích cực đến việc tiếp nhận và học ngôn ngữ thứ hai. Tức là học tiếng Việt và kiến thức bằng tiếng Việt giỏi thì việc học tiếng Anh và kiến thức bằng tiếng Anh cũng dễ dàng thuận lợi hơn rất nhiều.
Không thể phủ nhận, biết thêm ngoại ngữ, trong đó có tiếng Anh là rất quan trọng với một đứa trẻ. Tuy nhiên, với bất kỳ ai thì tiếng mẹ đẻ là giá trị không thể thiếu. Chia sẻ từ các giáo viên cho biết, nhiều em học sinh tiểu học gặp tình trạng rối loạn ngôn ngữ, tiếng Việt cũng không rành, tiếng Anh cũng không trôi và ngay trong gia đình, bố mẹ cũng không thể giao tiếp được với con cái.
Hơn nữa, khi hạn chế giao tiếp bằng tiếng Việt, con trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc hòa nhập với cộng đồng, để tiếp thu các kiến thức, kỹ năng sống. Nhiều học sinh không có kết quả tốt khi học tập trên lớp dẫn đến việc các em tự ti.
Theo Tiến sĩ Dương Minh Thành, Trưởng khoa Giáo dục tiểu học Trường ĐH Sư phạm TP.Hồ Chí Minh, không hẳn do học tiếng Anh nhiều mà khiến trẻ con không nói thành thạo tiếng Việt. Và không thể phủ nhận việc việc cho trẻ tiếp cận tiếng Anh sớm là tốt. Nhưng phụ huynh cần quan tâm đến việc cho các em nói tốt tiếng Việt. Điều này sẽ mang lại lợi thế cho học sinh trong hòa nhập vào môi trường học tập. Khi các trẻ vững vàng trong việc sử dụng tiếng mẹ đẻ, đủ kỹ năng cần thiết, trẻ sẽ sẵn sàng tiếp nhận ngôn ngữ thứ hai.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN