.

Bố trí nhân sự phù hợp tại các địa phương sáp nhập

Cập nhật: 19:14, 06/06/2024 (GMT+7)

Các địa phương thuộc diện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) giai đoạn 2023-2025 của tỉnh đang khẩn trương thực hiện rà soát, chuẩn bị phương án sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức hợp lý sau khi thực hiện sáp nhập.

Ông Lê Ngọc Rạng (bìa phải, trú đường Cách Mạng Tháng Tám, KP.4, phường Phước Hiệp, TP. Bà Rịa) cho biết đồng tình với chủ trương sáp nhập phường Phước Hiệp vào phường Phước Trung.
Ông Lê Ngọc Rạng (bìa phải, trú đường Cách Mạng Tháng Tám, KP.4, phường Phước Hiệp, TP. Bà Rịa) cho biết đồng tình với chủ trương sáp nhập phường Phước Hiệp vào phường Phước Trung.

Người dân đồng thuận cao

Đến năm 2025, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ còn 7 ĐVHC cấp huyện, 77 ĐVHC cấp xã, giảm 1 huyện và 5 xã sau khi thực hiện đề án sắp xếp ĐVHC. Qua kết quả lấy ý kiến cử tri các địa phương thuộc diện sắp xếp ĐVHC đã nhận được sự đồng thuận cao.

Tại TP. Bà Rịa, phường Phước Hiệp sáp nhập vào phường Phước Trung để thành lập phường Phước Trung trên cơ sở giữ nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 2 phường hiện hữu.

Ông Lê Ngọc Rạng, một người dân thuộc phường Phước Hiệp, cho biết, ông hoàn toàn đồng thuận với chủ trương này. “Trước khi tổ chức lấy ý kiến cử tri, người dân đã được thông tin cụ thể về việc sáp nhập phường Phước Hiệp vào phường Phước Trung, lấy tên gọi là phường Phước Trung. Trước chủ trương này, chúng tôi đều đồng tình ủng hộ bởi theo quy định về quy mô, dân số thì việc sáp nhập là điều tất yếu để phát triển”, ông Rạng nói.

Dự kiến, Đề án sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn 2023-2025 sẽ được HĐND tỉnh cho ý kiến tại Kỳ họp diễn ra vào ngày 25/6/2024 và hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ, Bộ Nội vụ trước 30/6/2024.

Tương tự, người dân trên địa bàn xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ cũng bày tỏ sự đồng thuận cao về chủ trương sáp nhập xã Long Mỹ và TT.Phước Hải. Ông Lương Văn Thu (ấp Mỹ An, xã Long Mỹ) nói: “Khi được chính quyền xã phổ biến chủ trương nhập xã Long Mỹ vào TT.Phước Hải, tôi cũng như người dân trong ấp phấn khởi, ủng hộ chủ trương này. Việc sáp nhập sẽ tạo điều kiện cho TT.Phước Hải đủ tiêu chí trở thành đô thị loại V. Từ đó, được đầu tư hạ tầng, phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ, đời sống người dân sẽ được nâng cao hơn”.

Cán bộ, công chức an tâm, mong muốn tiếp tục cống hiến

Đề án sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2023-2025 sẽ có sự tinh gọn bộ máy, nhân sự sau sáp nhập tại các địa phương. Mặc dầu vậy, cán bộ, công chức ở các địa phương thực hiện sáp nhập trong giai đoạn 2023-2025 đều an tâm công tác; giữ vững tinh thần làm việc trước sự thay đổi này.

Bà Tạ Thị Thúy Hồng, công chức Văn phòng - Thống kê TT.Phước Hải, huyện Đất Đỏ bày tỏ: “Với chủ trương sáp nhập với xã Long Mỹ, ban đầu tôi cũng có suy nghĩ sau khi chuyển về trụ sở mới liệu có còn được tiếp tục làm việc. Tuy nhiên, sau khi được lãnh đạo giải thích nên đã an tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ với mong muốn được cống hiến, làm việc”.

Ông Phan Văn Hảo, Chủ tịch UBND TT.Phước Hải, huyện Đất Đỏ cho hay, địa phương đã triển khai trong cán bộ, công chức về lộ trình sắp xếp ĐVHC, tinh giản nhân sự. Hầu hết cán bộ, công chức đều mong muốn cống hiến và nỗ lực trong công việc, hoàn thiện trình độ và khả năng để đáp ứng đủ yêu cầu nhiệm vụ. Bên cạnh đó, TT. Phước Hải cũng đang rà soát tài sản công, trụ sở cơ quan để chuẩn bị sẵn sàng cho việc sáp nhập thời gian tới.

Đại diện lãnh đạo UBND phường Phước Trung, TP.Bà Rịa cho hay, cán bộ, công chức của phường đều giữ vững tinh thần và thực thi công vụ bảo đảm hoàn thành tốt nhất công việc.

Sắp xếp nhân sự hợp lý sau sáp nhập

Bà Mã Thị Thu Thảo, Trưởng phòng Nội vụ, TP.Bà Rịa cho biết, sau sáp nhập phường Phước Hiệp vào phường Phước Trung, dự kiến có 3 trường hợp cán bộ, công chức dôi dư, trong đó có 2 trường hợp đến tuổi nghỉ hưu và 1 trường hợp tự nguyện xin nghỉ việc. “Số lượng cán bộ, công chức dôi dư thành phố sẽ bố trí làm việc tại phường Phước Trung, những trường hợp còn lại sẽ bố trí các xã, phường khác của thành phố. Các phường khác còn thiếu thì sẽ tổ chức thi tuyển”, bà Mã Thị Thu Thảo cho biết.

Tại huyện Đất Đỏ, thống kê sơ bộ sau khi sắp xếp lại ĐVHC, số công chức, người hoạt động không chuyên trách bảo đảm số lượng, còn cán bộ lãnh đạo dôi dư khoảng 20 người.

Ngoài các chế độ, chính sách theo quy định hiện hành; UBND tỉnh sẽ xem xét, trình HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư do sắp xếp tổ chức bộ máy khi sắp xếp ĐVHC theo tinh thần nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để động viên, hỗ trợ thêm cho đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức tinh giản biên chế. Cạnh đó, dự kiến tỉnh sẽ ban hành nghị quyết miễn các loại lệ phí chuyển đổi giấy tờ sau sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã.
(Ông Trương Thanh Phong, Giám đốc Sở Nội vụ)

Theo bà Đỗ Thị Hồng, Chủ tịch UBND huyện Đất Đỏ, đối với cán bộ dôi dư, huyện sẽ căn cứ các quy định, sau đó gặp gỡ những cán bộ này để nắm tâm tư, nguyện vọng. Trên cơ sở vị trí việc làm và các quy định, huyện sẽ điều chuyển những trường hợp dôi dư về những đơn vị khác. Việc lựa chọn đội ngũ cán bộ dựa trên tiêu chí phải bảo đảm năng lực, trình độ, linh hoạt trong giải quyết khó khăn, vướng mắc về kinh tế-xã hội của địa phương sau sáp nhập.

Bài, ảnh: AN NHIÊN

.
.
.