.

Nhà báo với trách nhiệm bảo vệ người yếu thế

Cập nhật: 16:00, 21/06/2024 (GMT+7)

Bằng cái nhìn đa chiều, trách nhiệm, tôn trọng công tác bảo vệ quyền con người của nhà báo có thể góp phần giảm định kiến của xã hội về những người yếu thế.

Nhà báo Thanh Trúc (phải) và nhà báo Kiều Lan (Đài PT-TH tỉnh) phỏng vấn một người già có hoàn cảnh khó khăn tại hoạt động thiện nguyện do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh tổ chức.
Nhà báo Thanh Trúc (phải) và nhà báo Kiều Lan (Đài PT-TH tỉnh) phỏng vấn một người già có hoàn cảnh khó khăn tại hoạt động thiện nguyện do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh tổ chức.

Tôn trọng sự khác biệt

Nhóm người yếu thế hay còn gọi là nhóm dễ bị tổn thương ở Việt Nam gồm: Phụ nữ (phụ nữ di cư, phụ nữ khuyết tật, phụ nữ dân tộc thiểu số, góa phụ, phụ nữ cao tuổi...), người khuyết tật, trẻ em, cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính, liên giới tính, chuyển giới...), người sống chung với HIV/AIDS... Nhóm dễ bị tổn thương vốn chịu nhiều thiệt thòi do những khiếm khuyết trên cơ thể hoặc định kiến xã hội, khiến họ khó có khả năng tiếp cận các cơ hội và tham gia bình đẳng của họ trong xã hội.

Thời gian qua, báo chí đã phản ánh sinh động đời sống, những nỗ lực vươn lên của nhóm người yếu thế, trong đó có người khuyết tật, người đồng tính. Đồng thời, đóng góp vào phản ánh về những chính sách, việc bảo vệ quyền, lợi ích cho nhóm người yếu thế. Nhưng, đâu đó trên các trang báo, chúng ta thấy nhiều bài báo đặt tít kiểu: “Phụ nữ không có năng khiếu, đừng cố cầm vô lăng”, “Nông sản Việt như cô gái đẹp, nhưng chỉ ngồi nhà chờ người đến tán tỉnh”... có ý phân biệt giới tính, chê bai phụ nữ. Hay tít “Cô gái còn một chân sau tai nạn giao thông”, “Nơi làm việc bình thường của những người “không bình thường”... vô tình đã xoáy sâu thêm nỗi đau khiếm khuyết cơ thể của những người khuyết tật.

Chúng tôi có dịp được tham gia lớp bồi dưỡng “Kỹ năng đưa tin về nhóm dễ bị tổn thương” cho 35 nhà báo tại các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương các tỉnh phía Nam. Lớp  học do Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) phối hợp với Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức cuối tháng 5/2024.

Chia sẻ tại đây, PGS.TS. Lê Lan Chi, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, đưa tin về nhóm dễ bị tổn thương cần dựa trên nguyên tắc: Tiếp cận nhân vật dựa trên quyền con người, tôn trọng sự khác biệt, loại bỏ định kiến, kỳ thị, đa chiều và khách quan. Đồng thời, phải tuân thủ nguyên tắc đạo đức. Bên cạnh đó, nhà báo, các cơ quan báo chí cần tăng cường thông tin về các dịch vụ và cơ hội dành cho nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt là những thay đổi về luật và chính sách của nhà nước, nhằm tạo điều kiện cho nhóm người yếu thế tham gia tích cực hơn vào xã hội.

Đưa tin khách quan, chính xác

Nhà báo, PGS.TS Đinh Thị Thúy Hằng, nguyên Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho rằng, trong vai trò cung cấp thông tin phù hợp, chính xác và khách quan cho người dân, nhà báo có trách nhiệm bảo vệ mọi thành viên trong xã hội khỏi sự phân biệt đối xử. Nhà báo không nên có những bài báo quá thiên lệch về cảm thương, bi kịch hóa nhân vật. Đặc biệt là phải có sự tôn trọng quyền con người, tôn trọng sự khác biệt của nhóm người dễ bị tổn thương. 

Nhà báo Đinh Thị Thúy Hằng dẫn ví dụ, vài năm trước, trong buổi thực hành đưa đoàn phóng viên cùng chuyên gia báo chí Thụy Điển đến gặp gỡ những người nhiễm HIV. Bước xuống xe, các phóng viên quay phim, chụp ảnh lia lịa, say sưa tác nghiệp cho được việc. Chứng kiến, nhà báo Thụy Điển mặt đỏ phừng phừng, bà đã khóc, nói với nhà báo Đinh Thị Thúy Hằng: “Tại sao các nhà báo không hề xin phép nhân vật trước khi quay phim, chụp ảnh?”. Bà Đinh Thị Thúy Hằng cho rằng, đôi khi, các nhà báo cũng không biết mình làm tổn thương người yếu thế thêm lần nữa.

Với chức năng thông tin, định hướng dư luận, các cơ quan báo chí có trách nhiệm cung cấp cho công chúng những thông tin chính xác về quyền lợi của các nhóm dễ bị tổn thương và thiệt thòi tiềm ẩn mà họ phải đối mặt. Bằng cách chống lại các định kiến và thúc đẩy đưa tin toàn diện, nhà báo có thể góp phần xóa bỏ sự kỳ thị và những hình ảnh đại diện có hại cho các nhóm dễ bị tổn thương.
Việc đưa tin khách quan, chính xác sẽ giúp nâng cao nhận thức của công chúng về quyền lợi của các nhóm dễ bị phân biệt đối xử; góp phần chống phân biệt đối xử và làm giảm thành kiến của xã hội đối với họ. Qua đó, thúc đẩy một xã hội Việt Nam hòa nhập và bình đẳng hơn.
Bà Nguyễn Thị Hải Vân, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam

Nhà báo Đinh Thị Thúy Hằng gợi mở về định hướng thông tin, tuyên truyền về nhóm người dễ bị tổn thương. Đối với phụ nữ, báo chí cần phát triển những chủ đề, câu chuyện cho thấy phụ nữ tự tin thể hiện cá tính trong mọi lĩnh vực đời sống và công việc nhằm xóa bỏ rào cản, định kiến với phụ nữ. Với người khuyết tật, cần chú ý trong việc sử dụng các thuật ngữ, từ ngữ tránh gây nhầm lẫn và tổn thương. Đồng thời, nên viết về những nỗ lực vươn lên trong cuộc sống để truyền động lực, tự tin hơn cho họ.

Bài, ảnh: THI PHONG

.
.
.