.

Giáo dục con - cần sự đồng lòng của vợ chồng

Cập nhật: 15:55, 21/06/2024 (GMT+7)

Ở nhiều gia đình trẻ, chuyện giáo dục con cái thường rơi vào tình trạng bất đồng quan điểm vì vợ “một đường”, chồng “một nẻo”. Điều quan trọng là các cặp vợ chồng cần tìm phương pháp giải quyết vấn đề ấy một cách nhẹ nhàng nhằm tránh mâu thuẫn gia đình.

Cha mẹ cần khéo léo lựa chọn phương pháp dạy con phù hợp, không nên bảo thủ hoặc thực hiện theo một cách rập khuôn. Ảnh minh họa
Cha mẹ cần khéo léo lựa chọn phương pháp dạy con phù hợp, không nên bảo thủ hoặc thực hiện theo một cách rập khuôn. Ảnh minh họa

“Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”

Lúc con còn bé, vợ chồng anh Tùng, chị Hà (phường Thắng Nhất, TP. Vũng Tàu) không mâu thuẫn vì việc chăm sóc con anh “nhường” cho vợ. Thế nhưng, khi con gái lớn lên một chút, cần phải dạy dỗ, hai vợ chồng suốt ngày lục đục, cãi vã vì bất đồng quan điểm trong việc giáo dục con.

Anh Tùng chiều con hết mức, con đòi gì anh cũng sẵn sàng đáp ứng. Thậm chí làm hộ con mọi việc từ cầm cặp sách cho con đến việc tắm rửa, đút cho con ăn, dù con đã 8 tuổi. Chị Hà lại muốn rèn con bằng “kỷ luật thép” theo kiểu giờ nào việc ấy, đến giờ thì phải học, ngủ cũng phải đúng giờ, con tự lo vệ sinh, ăn uống…

Tuy nhiên cứ thấy vợ rèn con theo kiểu nghiêm khắc là anh Tùng lại “gầm ghè” với vợ. Cô con gái thấy ba “bênh” nên ngày càng bướng bỉnh, chống đối mẹ, không coi mẹ ra gì… “Không có ngày nào hai vợ chồng không hậm hực, cãi vã vì con. Ai cũng bảo thủ, muốn dạy con theo cách của riêng mình. Có những lúc mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm, tôi còn nghĩ đến chuyện… ra tòa”, chị Hà kể.

Tương tự, vợ chồng anh Quang, chị Oanh (phường 2, TP. Vũng Tàu) cũng thường xảy ra bất đồng quan điểm vì chuyện dạy con. Nếu như anh Quang thường để con xem các video về thế giới động vật, học tiếng Anh trên YouTube để có thêm kiến thức và giải trí, thì chị Oanh lại chẳng đồng tình. Chị Oanh cho rằng cứ xem YouTube sẽ tạo thói quen không tốt cho con. Và rồi hai vợ chồng thỉnh thoảng giận nhau. Thậm chí con xin tiền, anh cũng chỉ hỏi qua loa và đưa cho, anh tin tưởng tuyệt đối vào con mình. Hay khi con đến tuổi đi học, kêu mệt không chịu làm bài tập về nhà, anh không những không khuyên nhủ con lại phàn nàn “lỗi do cô giáo cho nhiều bài quá!”.

Không chấp nhận việc anh chiều con thái quá như vậy, chị Oanh sử dụng các biện pháp mạnh tay như đánh đòn nếu con mắc lỗi. Tuy nhiên, anh Quang lại phản đối và thế là vợ chồng họ cãi nhau ngay trước mặt con. “Sau mỗi lần lời qua tiếng lại như vậy, vợ chồng tôi lại giận nhau cả tuần. Vì con, mối quan hệ giữa hai người luôn căng thẳng”, chị Oanh bức xúc kể.

Trên thực tế, nhiều cha mẹ có quan điểm khác biệt trong việc nuôi dạy con và tình trạng bất đồng cũng muôn màu muôn vẻ. Nhiều vợ chồng thừa nhận họ đang là “những người trong cuộc”, tức gặp mâu thuẫn ở việc dạy con, thắc mắc liệu khi bất đồng quan điểm, hay nói cách khác là “giáo dục chia rẽ” nguy hiểm như thế nào đến tình cảm gia đình và chính bản thân của con?

Điển hình phải kể đến một số trường hợp như: người cha muốn con “phát triển tự nhiên”, trong khi người mẹ lại muốn rèn con vào khuôn phép. Người chồng thích chiều chuộng, làm giúp con mọi thứ, người vợ lại muốn con tự lập, biết lo cho bản thân... Mỗi người một phách khiến cho đứa trẻ chẳng biết quay bên nào…

Thuận vợ thuận chồng khi dạy con

Theo các chuyên gia tâm lý, mâu thuẫn trong cách dạy con là điều rất bình thường và dễ hiểu. Bởi mỗi người đều có hoàn cảnh sống và được giáo dục theo cách khác nhau nên tất nhiên sẽ có quan điểm riêng về cách dạy dỗ con cháu. Nhưng khi những phương pháp nuôi dạy trẻ không giống nhau ấy cùng được áp dụng một lúc sẽ dễ dẫn đến những mâu thuẫn trong giáo dục trẻ. Thậm chí nếu không giải quyết được cũng là nguyên nhân làm tan vỡ hạnh phúc gia đình.

Phương pháp hiệu quả để rút ngắn khoảng cách khác biệt là hai vợ chồng nên đối thoại trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, chân thành, tôn trọng lẫn nhau. Và đôi khi, nếu có sự tham gia thêm của người thân, bạn bè hay nhà chuyên môn cũng rất hiệu quả giúp cho hai vợ chồng tìm được tiếng nói chung. Cụ thể, trong giáo dục con cái, vợ chồng cần biết cách “liên minh”, bởi sự nhất quán trong quan điểm dạy con là điều quan trọng và có tác động tích cực không chỉ đối với đứa trẻ mà đối với cả gia đình. Khi có được tiếng nói chung thì có thể hình thành được nề nếp gia đình để mỗi thành viên đều có thể hiểu rõ, đồng thuận và làm theo.

Ngoài ra, vợ chồng sau khi kết hôn, sinh con cũng nên học kỹ năng để làm cha mẹ vì kỹ năng ấy không thể tự nhiên có được, mà cần trải qua sự học hỏi, trải nghiệm, rèn luyện từng ngày. Các cặp vợ chồng có thể tự học hoặc tham gia các khóa học có chọn lọc, hay cậy nhờ các cộng đồng làm bố mẹ uy tín, tích cực để học hỏi lẫn nhau. Và cũng đừng quên mỗi đứa trẻ có cá tính, bản thể riêng, nên cần khéo léo lựa chọn phương pháp phù hợp, không thực hiện theo một cách rập khuôn.

Tóm lại, dạy con theo quan điểm “cho roi cho vọt” hay “cho ngọt cho bùi”, dù theo phương pháp nào thì vẫn nhằm mục đích chung là cho con cái trở thành người tài giỏi, giúp ích cho xã hội. Chính vì vậy, cha mẹ không nên quá quyết liệt ngăn cản, phản bác quan điểm dạy trẻ của đối phương. Thay vào đó là nên tìm cách dung hòa giữa hai quan điểm một cách khéo léo để tạo ra cách thức nuôi dạy con chung nhất và hoàn hảo. Khi đó, đứa trẻ sẽ tiếp thu được những kỹ năng sống, đức tính tốt của cả cha lẫn mẹ, học được cách thể hiện cảm xúc phù hợp cũng như cảm thấy vững tâm hơn trong quá trình trưởng thành.

THẢO NGUYÊN

.
.
.