Giải tỏa xung đột giữa cha mẹ và con cái
Làm thế nào để giải tỏa những xung đột giữa cha mẹ và con cái? Nói sao để trẻ nghe lời?… Những câu hỏi rất đời thường đó đã được đặt ra với chuyên gia tâm lý trong chương trình nói chuyện chuyên đề kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) được Sở VH-TT tổ chức tại huyện Xuyên Mộc, Đất Đỏ và TP.Bà Rịa trong 2 ngày (17 và 18/6) vừa qua.
Các bạn trẻ ở huyện Xuyên Mộc trong chương trình nói chuyện chuyên đề Ngày Gia đình Việt Nam đặt câu hỏi với TS.Nguyễn Thanh Tùng. |
Tại chương trình, một số bạn trẻ đã trao đổi với chuyên gia xung quanh vấn đề “cái tôi” của mỗi người quá cao, nên rất khó để dung hòa những mâu thuẫn, xung đột xảy ra trong gia đình. Nhất là giữa cha mẹ và con cái, khi một bên luôn muốn con phải nghe lời cha mẹ, còn bên kia lại muốn khẳng định “cái tôi” của mình.
Theo TS. Nguyễn Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quốc tế Tuệ Đức-Vabis, Viện trưởng Viện Quản trị Tri thức của Sở KH-CN TP.Hồ Chí Minh, trong một cuộc cãi vã giữa cha mẹ và con cái nếu mỗi người đều mang “cái tôi” và sự cố chấp của họ đặt lên vai người khác, không ai chịu nhận lỗi thì nó sẽ trở thành xung đột lớn, âm ỉ và khó hàn gắn. Hạ thấp “cái tôi” của mình xuống đi theo sự đúng đắn và chấp nhận sai sót của mình rồi sửa chữa nó thì chắc chắn sẽ dung hòa được những mâu thuẫn, xung đột trong gia đình.
Hầu hết người lớn sẽ không dễ dàng nhận sai để nói lời xin lỗi một đứa trẻ, có thể do lòng kiêu hãnh dù biết mình sai. Tuy nhiên, đừng quên xin lỗi không phải là dấu hiệu cha mẹ mất uy trước mặt con, mà thể hiện sự việc đó rất quan trọng. Khi trẻ nhận được lời xin lỗi, trẻ hiểu rõ giá trị lời xin lỗi, biết cách để thừa nhận sai lầm của mình với người khác.
Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Thanh Tùng cũng chia sẻ về vai trò làm gương của cha mẹ, ông bà trong gia đình. Không thể giáo dục trẻ ngoan ngoãn, lễ phép trong khi bản thân người lớn mắc những thói hư, tật xấu. Vì thế, người lớn phải tự hoàn thiện bản thân, tuân thủ các giá trị đạo đức, nhân văn, từ đó xây dựng nề nếp, quy tắc về lối sống đẹp trong gia đình để trẻ tuân thủ, noi theo.
Điều quan trọng nữa là ông, bà, cha, mẹ cần có sự quan tâm, dành thời gian cho con cháu để không chỉ khuyên răn, dạy bảo con cháu mà còn chia sẻ với con cháu những tâm tư, tình cảm, khó khăn của tuổi mới lớn, đưa ra những lời khuyên bổ ích. Đồng thời cha mẹ tạo sự kết nối thường xuyên với thầy cô giáo của con ở trường về tình hình của con để kịp thời nắm bắt, điều chỉnh những hành vi chưa đúng, hay chia sẻ những khó khăn, khúc mắc với con khi ở trường.
“Gia đình được ví như là những sợi dây của cây đàn. Nếu bố là sợi dây trầm, mẹ là sợi dây bổng, các thành viên là những sợi dây khác trên cây đàn. Các sợi dây đàn không bao giờ chồng vào nhau và cũng không bao giờ quá căng, nếu quá “căng” sẽ dẫn đến đứt dây đàn. Với ý nghĩa như vậy, để tạo nên những âm thanh trầm bổng tuyệt vời thì cần tôn trọng lẫn nhau để tạo nên thanh âm hạnh phúc”, TS. Nguyễn Thanh Tùng phân tích.
AN NHIÊN