Lo trẻ nghiện game khi nghỉ hè
Nghỉ hè là dịp để học sinh tranh thủ nghỉ “xả hơi” sau thời gian học hành. Tuy nhiên, nhiều em dễ sa vào game online nếu thiếu sự giám sát của phụ huynh.
Cha mẹ nên cho con tham gia các chuyến du lịch trải nghiệm trong hè để rời xa các thiết bị điện tử. |
Trò giải trí nguy hại
Tự nhận mình từng là một "con nghiện" game online, Nguyễn Hoàng Đạt (học sinh lớp 9, TP.Vũng Tàu) chia sẻ, em biết đến chơi game khi mới học lớp 4. Ban đầu là do vào dịp nghỉ hè, ba mẹ đi làm ở nhà có một mình nên Đạt hay sử dụng máy tính của ba để xem các chương trình giải trí và bị cuốn vào các trò chơi game online lúc nào không hay. “Lúc đầu, em chơi game 2 tiếng mỗi ngày, sau đó em hay lấy lý do đi học thêm “trốn” đến tiệm internet để thỏa mãn cơn ghiền, có ngày xuyên đêm. Nói chung trò này có sức lôi cuốn ghê gớm nên tốt nhất là không nên dính vào từ đầu”, Đạt nói.
Chị Hoàng Như Ái, mẹ của Đạt cho biết, chị bị sốc khi phát hiện con mình từ một đứa trẻ hiền lành, chăm chỉ đã trở nên sa sút, chểnh mảng trong học tập. Nhiều lần khuyên bảo con nhưng đành bất lực. “Đến lớp 8, mắt con bị yếu, lúc nào cũng mệt mỏi và nhiều lần phải cấp cứu do chơi game quá nhiều, phải nhờ các bác sĩ điều trị thậm chí là phải cho con bảo lưu kết quả học tập để gửi vào trường nội trú dành cho trẻ đặc biệt và cai nghiện game ở TP.Hồ Chí Minh. Nhờ đó, sau 8 tháng Đạt mới có thể cắt cơn nghiện, không thèm chơi game nữa”, chị Ái kể.
Thời đại công nghệ, việc "sống chung" với điện thoại, máy tính là điều không thể tránh khỏi và nguy cơ trẻ nghiện game online cũng từ đó tăng lên. Thậm chí nhiều phụ huynh khi con từ nhỏ đã cho con dùng điện thoại thông minh mỗi khi tới giờ ăn, giờ chơi để con không quấy khóc. Đây là hành động nguy hại dẫn tới việc trẻ ghiền game khi còn nhỏ.
Cô Lê Huế Hảo, giáo viên Trường THCS Lương Thế Vinh (TP.Vũng Tau) cho biết, thực tế vẫn còn nhiều học sinh trong thời gian nghỉ hè lạm dụng các trò chơi điện tử. Các em sử dụng các thiết bị công nghệ chơi game mà không có sự giám sát của phụ huynh dẫn đến sa đà vào game online, dẫn đến việc học tập, tinh thần sa sút.
Hướng các em đến các hoạt động trải nghiệm hè
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã bổ sung chứng nghiện trò chơi điện tử là một bệnh lý trong danh sách cập nhật phân loại bệnh quốc tế. Theo WHO, nghiện game là một bệnh về tâm thần. Đây là cảnh báo cho các bậc phụ huynh trong việc chăm sóc, giáo dục con của mình. Vậy nên, vào dịp nghỉ hè, phụ huynh cần chủ động hướng con mình rèn luyện sức khỏe, tham gia học tập và làm những việc có ích.
Chị Vũ Bích Trâm (TP.Bà Rịa) cho biết, rất khó để quản con không sử dụng các thiết bị điện tử. Nhưng để hạn chế con tiếp xúc quá nhiều với điện thoại, ipad, chị cho con tham gia học các môn thể thao như đá bóng, học đàn... Mùa hè sắp xếp thời gian cho con đi du lịch, trải nghiệm cuộc sống. Hoặc là khuyến khích con kiếm việc làm thêm như phụ bán cà phê để không còn thời gian rỗi mà lại kiếm được tiền dành bỏ túi nên bọn trẻ rất thích.
Chia sẻ từ nhiều phụ huynh cho biết, khi trẻ ghiền game thì không nên thực hiện biện pháp cấm cản một cách khắc nghiệt. Vì lứa tuổi này càng cấm lại càng muốn chơi, thậm chí có em trở nên ương bướng, bày tỏ thái độ không tôn trọng người lớn. Do đó, phụ huynh cần phối hợp với các thầy cô giáo trò chuyện, tâm sự để các em hiểu về sự nguy hiểm của game. Đồng thời, tạo cho con một nếp sống lành mạnh trong gia đình như phân định rõ ràng giờ nào học, giờ nào chơi, giờ nào tham gia các hoạt động ngoại khóa.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN