Lắng nghe tiếng nói của trẻ em
Tại Kỳ họp Hội đồng Trẻ em tỉnh lần thứ V và diễn đàn Lắng nghe trẻ em nói năm 2024, với sự tham gia của 250 thiếu nhi tiêu biểu, nhiều vấn đề nóng đã được đề cập. Đó là tình trạng bạo lực học đường, thuốc lá điện tử trong trường học…
Hội đồng Trẻ em tỉnh điều hành kỳ họp, tham gia trả lời những ý kiến được trẻ em đưa ra tại chương trình. |
Hãy lên tiếng để bảo vệ bản thân
Dưới sự điều hành của các thành viên Hội đồng Trẻ em tỉnh, là những trẻ em tiêu biểu, thiếu nhi đã không ngần ngại bày tỏ những vấn đề các em đã và đang gặp phải.
Từng là nạn nhân của bạo lực học đường, em Nguyễn Bảo Ngọc (xã Hòa Long, TP.Bà Rịa) chia sẻ: "Tại trường học khi bạn có ngoại hình không ưa nhìn hoặc chỉ cần “thấy ngứa con mắt” là ngay lập tức bạn rơi vào tầm ngắm của các bạn xấu. Họ sẵn sàng dành nhiều lời nói không hay về cơ thể bạn (body shaming) hoặc kêu gọi bạn bè cô lập bạn". Những việc này diễn ra thường xuyên, đôi khi chỉ đơn giản là có tính ganh tỵ mà không ý thức được lời nói đó sẽ làm ảnh hưởng lớn đến bạn bè. Vì thế, khi gặp những trường hợp như vậy, theo Bảo Ngọc: “Chỉ cần có tâm lý thật vững chắc, tập trung vào việc học, không quan tâm tới những lời nói dù vô tình hay cố ý của các bạn. Nên tránh xa những bạn có tính hay ganh tỵ, bạn xấu và đặc biệt hơn là hãy chia sẻ với thầy cô, cha mẹ về việc bạn đang gặp phải ở trường học để kịp thời được tư vấn, hướng dẫn phương pháp giải quyết”.
Đặt vấn đề về việc bị bạo lực học đường và bị bạn bè xấu quay video clip, dọa đăng lên mạng, em Tạ Thị Yến Linh (huyện Xuyên Mộc) nhấn mạnh, hãy làm thật căng để ngăn chặn không cho sự việc đi xa hơn. “Em sẵn sàng báo với ban giám hiệu nhà trường, thầy cô khi biết có sự việc xảy ra. Vì im lặng đồng nghĩa với việc bản thân đang đồng tình với việc làm xấu của các bạn. Khi đó, nạn nhân bị bạo lực sẽ chịu ảnh hưởng tâm lý rất lớn, có thể xảy ra nhiều hệ lụy lớn hơn. Do vậy, phải cố gắng ngăn chặn khi có thể”, Yến Linh chia sẻ.
Về chủ đề tác hại của thuốc lá trong trường học, em Dương Lâm Tâm Như (TP.Vũng Tàu) cho biết, giới trẻ hiện nay đang có xu hướng học đòi theo các anh chị lớn sử dụng thuốc lá và các chất kích thích. Hầu hết các bạn đều biết về tác hại của thuốc lá, tuy nhiên các bạn thường không ngăn cản và không dám báo cho giáo viên. Vì đa phần các bạn thường sử dụng theo nhóm. Nếu nói với thầy cô thì sẽ bị: "hẹn ra cổng trường", bạo lực, kỳ thị và nhiều vấn đề khác.
Trẻ em tham gia đóng góp ý kiến về chủ đề bạo lực học đường tại kỳ họp Hội đồng trẻ em lần thứ V và Diễn đàn lắng nghe trẻ em nói. |
Luôn đồng hành bảo vệ trẻ em
Ông Nguyễn Văn Ba, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT nhận định, Ban tham vấn đồng tình với các tình huống được các em đưa ra và hoan nghênh các phương án xử lý của các em. Bên cạnh đó, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cũng gợi ý một số “bờ vai” để thiếu nhi có thể tựa vào khi gặp các tình huống éo le tại trường học. Đó là các em có thể tìm tới Ban đại diện cha mẹ HS, Đoàn trường, Hội đồng trường, Tổ tư vấn học đường… để làm chỗ dựa tinh thần. Bên cạnh đó, các em có thể gọi điện thoại đường dây nóng của nhà trường hoặc gọi điện thoại cho thầy cô nếu nhận thấy có nguy cơ bị đánh hội đồng, cô lập.
Các nhà trường đều đã thiết lập mô hình hộp thư bày tỏ cảm xúc, hộp thư điều em muốn nói… với hình thức gửi những lá thư không ghi tên. Các em có thể thông qua mô hình này để trình bày cho giáo viên, nhà trường về các vấn đề đang gặp phải. Đồng thời, các em cũng có thể chia sẻ với ba mẹ mình để cùng với giáo viên chủ nhiệm có biện pháp phù hợp giải quyết.
Kỳ họp Hội đồng trẻ em lần thứ V và diễn đàn lắng nghe trẻ em nói năm 2024, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 1.500 ý kiến đóng góp của trẻ em gửi về. Trong đó có các nội dung được đặc biệt quan tâm như: phòng, chống bạo lực học đường, tạo môi trường an toàn cho trẻ em trong trường học; bảo đảm an toàn và phát triển toàn diện cho trẻ em trong gia đình; phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích trong môi trường học đường; bảo đảm quyền vui chơi, giải trí của trẻ em.... |
Để hạn chế bạo lực học đường, tránh việc thanh thiếu nhi tò mò dẫn đến sa đà vào những ảo tưởng của việc sử dụng chất kích thích, thuốc lá điện tử, ông Trương Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở TT-TT nhận định: “Tổ chức các CLB, các hoạt động sinh hoạt lành mạnh, trò chơi dân gian để giúp các bạn xa lánh việc đánh nhau, bạo lực là việc làm thiết thực nhất. Sở TT-TT cũng phối hợp với Sở Y tế và hệ thống truyền thông cở sở tăng cường tuyên truyền rộng rãi để không chỉ thiếu nhi mà phụ huynh nắm bắt, nhằm hạn chế những tác nhân ảnh hưởng tới sự phát triển toàn diện của trẻ”.
Chị Hồ Thị Ánh Tuyết, Bí thư Tỉnh Đoàn cho rằng, những năm qua, kỳ họp Hội đồng Trẻ em tỉnh luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo các sở, ngành liên quan. Trên tinh thần tình bạn, chúng ta hãy dùng yêu thương, sự thấu hiểu để chia sẻ, hóa giải các vấn đề đang diễn ra ở học đường, trong đó có những vấn đề như bạo lực.
Bài, ảnh: MAI NGỌC