.

Bệnh tay chân miệng: Phòng bệnh là giải pháp hữu hiệu nhất

Cập nhật: 16:56, 14/06/2024 (GMT+7)

Từ đầu năm đến nay, số ca bệnh tay chân miệng (TCM) tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái. Phần lớn các ca bệnh có thể tự khỏi, song không ít trường hợp diễn tiến nặng. Bệnh chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu nên phòng bệnh vẫn là giải pháp hiệu quả nhất.

Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Dung kiểm tra các dấu hiệu tay chân miệng cho bệnh nhi.
Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Dung kiểm tra các dấu hiệu tay chân miệng cho bệnh nhi.

Bệnh nhẹ nhưng không chủ quan

Mấy tháng nay, Khoa Nhi (Bệnh viện Vũng Tàu) tiếp nhận, theo dõi và điều trị khoảng 7 ca TCM/tuần. Hầu hết bệnh nhi dưới 3 tuổi. Khi bị TCM, trẻ có những triệu chứng như: sốt, loét miệng, phát ban ở tay, chân, mông, gối, kèm theo giật mình, mất ngủ… Các trường hợp này ở cấp độ 2A, có vài ca ở mức độ nặng hơn, chuyển sang cấp độ 2B nhóm 1, phải truyền thuốc. Các bệnh nhi mắc bệnh TCM được theo dõi, điều trị khoảng một tuần thì được xuất viện.

Ở nhà chăm sóc con hàng ngày, đồ chơi, đồ dùng của con hay nhà cửa được chị Trương Thị Yến (phường Rạch Dừa, TP.Vũng Tàu) thường xuyên vệ sinh, sát khuẩn nên luôn gọn gàng, sạch sẽ. Cách đây 3 ngày, con gái chị Yến mới 7 tháng tuổi sốt 39,50C, giật mình và tiêu chảy. Chị đưa con đi khám ở một cơ sở y tế tư nhân thì được chẩn đoán sốt siêu vi. Sau đó, bé còn bị loét ở miệng nên được đưa vào khám tại Bệnh viện Vũng Tàu. Bác sĩ cho biết con chị bị TCM cấp độ 2A. Do bé có dấu hiệu giật mình khi ngủ nên được chỉ định nhập viện theo dõi nhằm tránh các biến chứng có thể xảy ra.

Điều quan trọng nhất là phụ huynh phải nhận diện được các dấu hiệu của bệnh TCM, đưa con vào viện sớm để được bác sĩ theo dõi, điều trị kịp thời, ngăn chặn bệnh trở nặng. Nếu để chậm trễ, bệnh có khả năng nặng hơn, thậm chí có những trường hợp sẽ tử vong sau vài giờ nhập viện.
Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Dung, Khoa Nhi, Bệnh viện Vũng Tàu

Trái ngược với chị Yến, chị Trần Thị Ngọc Tuyết (phường 11, TP.Vũng Tàu) lại không hay biết về bệnh TCM. Chị chưa có biện pháp phòng, chống bệnh cho con trai 2 tuổi. Trước khi vào Bệnh viện Vũng Tàu, con chị có các dấu hiệu điển hình của bệnh TCM như: sốt, loét miệng, bỏ bú, quấy khóc, khó chịu và giật mình. Sau 3 ngày điều trị, được uống kháng sinh 2 lần/ngày, đến nay các triệu chứng TCM của con chị đã bớt đáng kể như hạ sốt, hết giật mình. Chị Yến cho biết: “Con đang đi học mẫu giáo ở trường tư. Ở trường và khu vực gia đình sinh sống chưa có ai mắc TCM nên tôi không biết con lây bệnh từ đâu”.

Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Dung (Khoa Nhi, Bệnh viện Vũng Tàu) cho biết, từ đầu năm đến nay, số bệnh nhân nhi mắc TCM nhập viện tại bệnh viện có dấu hiệu tăng so với năm ngoái. Dự kiến, tình trạng này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Bởi thời điểm mùa mưa là môi trường thuận lợi cho các loại vi rút sinh sôi, xâm nhập và lây lan khiến cho trẻ dễ bị nhiễm các loại bệnh, trong đó có TCM.

Theo bác sĩ Phương Dung, phần lớn các ca bệnh ở mức nhẹ sẽ được điều trị ngoại trú và tự khỏi. Nhưng cũng có không ít trường hợp diễn biến bệnh trở nặng nhanh, đe dọa đến tính mạng. Bệnh TCM không được nhận định chính xác, điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong. Đặc biệt, bệnh có thể gây các biến chứng lên não bộ, gây viêm màng não, viêm não tủy; ảnh hưởng tới hệ hô hấp, tuần hoàn, gây ra suy tim, trụy mạch, có thể phù phổi, xuất huyết phổi…

Từ đầu năm đến ngày 2/6, toàn tỉnh có 681 ca TCM, tăng 340% so với cùng kỳ năm ngoái; tăng 55,8% so với trung bình 5 năm. Trong đó, tập trung chủ yếu ở TP.Vũng Tàu, TX.Phú Mỹ và huyện Châu Đức. Tỉnh chưa ghi nhận trường hợp tử vong do TCM.

Chủ động phòng bệnh

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, TCM là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền chủ yếu qua đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, nhất là trẻ dưới 3 tuổi và có khả năng gây thành dịch lớn. Vi rút gây bệnh có thể lây nhiễm từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết mũi, họng, nước bọt, chất dịch từ mụn nước, hoặc phân của người bị nhiễm bệnh. Bệnh TCM chưa có vắc xin phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu nên triển khai các biện pháp phòng, chống là giải pháp hiệu quả và dễ thực hiện để ngăn chặn bệnh này.

CDC tỉnh khuyến cáo, phụ huynh và trẻ nhỏ cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, nhất là trước khi chế biến thức ăn, khi ăn, cho trẻ ăn, khi bế ẵm trẻ và sau khi đi vệ sinh, thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống như: ăn chín, uống chín, sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày, không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi…

Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Bài, ảnh: TUỆ LÂM

 
.
.
.