.

Thấu hiểu 'bệnh già' của cha mẹ

Cập nhật: 15:05, 14/06/2024 (GMT+7)

Tuổi già đi kèm với những thay đổi từ sức khỏe thể chất, tinh thần cho tới những đặc điểm tâm sinh lý. Đây là vấn đề mà hầu như người lớn tuổi nào cũng gặp phải và cũng là điều không dễ dàng gì đối với con cháu.

Căng thẳng vì cha mẹ “trái tính”

Tháng 2/2024, gia đình anh Hoàng, chị Mai (TP.Vũng Tàu) đón bà nội của các con ở quê vào sống chung. Từ đó đến nay, sinh hoạt trong gia đình đảo lộn do bà quen nếp sống ở quê, không ngăn nắp như sống ở thành phố.

Anh Hoàng kể, mỗi khi ăn trầu, bà thường nhả bã ngay cửa khiến nền gạch bông loang lổ. Anh chị nhắc khéo bà nhả bã trầu đúng chỗ để giữ gìn vệ sinh thì bà tự ái, cho là con cái khinh mình. Chưa kể, bà cụ lại hay “gây sự” với con cháu, nhất là con dâu. Mười bữa như chục, cứ ngồi vào mâm cơm là bà lại chê sao hôm nay nấu canh nhạt thế, hôm thì chê kho thịt mặn… Vợ anh dù nhẫn nhịn nhưng cũng có lúc không kiềm chế được, khiến không khí gia đình nặng nề.

Thêm vào đõ, mỗi khi khách của vợ chồng anh đến nhà, bà lại ra ngồi tiếp và giành nói hết. Bà hết chỉ trích hàng xóm đến chê con dâu. “Có hôm tôi ngại quá phải nhắc khéo bà đi vào nghỉ, để tụi con nói chuyện. Vậy là bà la ầm lên, rằng tụi bay khinh tao già không biết chuyện chứ gì!”. Rồi bà năm lần bảy lượt đòi về quê.

Một trong những nguyên nhân khiến người già trở nên khó tính hơn là do tâm lý của họ không cảm thấy vui vẻ, thoải mái. Do vậy, con cái nên cố gắng tạo ra môi trường sống tích cực cho cha mẹ.
Một trong những nguyên nhân khiến người già trở nên khó tính hơn là do tâm lý của họ không cảm thấy vui vẻ, thoải mái. Do vậy, con cái nên cố gắng tạo ra môi trường sống tích cực cho cha mẹ.

Tương tự, chị Ngọc Minh (phường 3, TP.Vũng Tàu) cũng thường kêu ca với mọi người rằng “mình bất lực trước bố chồng 80 tuổi trái tính trái nết”. Theo chị Minh, bố chồng chị là người gia trưởng khó tính, chẳng chịu nghe lời ai bao giờ. Trách nhiệm con trai cả nên vợ chồng chị đón ông về để tiện chăm sóc. Thế nhưng, trong những ngày giỗ tết, tiệc tùng, có chút rượu vào là ông kể tội con cái trước mặt khách.

“Con cái có cha mẹ già hiền lành, dễ tính thì coi như được nhờ. Còn gặp cha mẹ già trái tính trái nết, thì phải cố mà chịu và chiều theo ý các cụ, chứ cũng chẳng biết làm sao!”, chị Minh nói.

Kiên nhẫn giải thích, trò chuyện nhẹ nhàng

Trước nay, chuyện người già “càng già càng khó tính” vốn được xem là chuyện hiển nhiên mà hầu như ai cũng sẽ như vậy. Nguyên nhân đầu tiên là do sự thay đổi của cơ thể ảnh hưởng đến tâm lý khiến họ luôn bực dọc, chán nản và có phần tiêu cực. Thêm vào đó, họ đã trải qua hơn nửa cuộc đời nên nhận thức và kinh nghiệm sâu rộng. Do vậy, người già sẽ có phần khắt khe, khó tính, dễ cảm thấy không hài lòng với những gì người khác làm.

Bên cạnh các nguyên nhân từ tâm sinh lý, không thể không kể đến những tác động từ bên ngoài. Điển hình là chuyện con cái bất hiếu, vô tâm, không dành đủ thời gian và sự chăm sóc cha mẹ già. Nhiều người con vì mải làm ăn bận rộn mà bỏ quên cha mẹ. Người già khi ấy rất dễ rơi vào cảnh cô đơn lẻ bóng, dễ tủi thân, buồn phiền, hay khó chịu và cáu gắt.

Khi đã thấu hiểu được những nguyên nhân tại sao cha mẹ già khó tính, câu hỏi đặt ra là con cháu phải cư xử thế nào cho đúng? Và để trả lời câu hỏi này, trước hết bạn cần nghĩ xem: “Liệu mình đã dành đủ tình yêu thương và thời gian chăm sóc cha mẹ hay chưa? Liệu cha mẹ có cảm thấy buồn tủi, cô đơn hay không?”.

Có câu nói rằng “Chăm sóc một người già giống như chăm sóc một đứa trẻ lớn”. Tức là khi chăm sóc cha mẹ già cũng cần đảm bảo cả sức khỏe thể chất và tinh thần. Giúp cha mẹ được sống khỏe mạnh, sống vui vẻ cùng con cháu. Mà thậm chí việc chăm sóc người già còn vất vả và khó hơn rất nhiều bởi nó đòi hỏi sự kiên nhẫn.

Cụ thể, kiên nhẫn trong mọi tình huống là điều đầu tiên chắc chắn phải có khi chăm sóc người cao tuổi. Đối với một đứa trẻ, nếu nó không nghe lời thì mình có thể lớn tiếng quát mắng hay đánh đòn vài cái để dạy dỗ. Nhưng với cha mẹ già thì không thể, mà cần kiên nhẫn giải thích, trò chuyện nhẹ nhàng để cha mẹ hiểu và thông cảm.

Một nguyên nhân nữa khiến người già trở nên khó tính hơn là do tâm lý của họ không cảm thấy vui vẻ, thoải mái. Do vậy, con cái nên cố gắng tạo môi trường sống tích cực cho cha mẹ. Một số cách có thể làm như: dành thời gian trò chuyện với cha mẹ, khuyến khích cha mẹ có những sở thích riêng như trồng cây, nuôi cá, tham gia câu lạc bộ cùng bạn bè, cho cháu về thăm ông bà nhiều hơn. Khi sống trong một môi trường thoải mái thì tâm trạng của họ cũng cảm thấy vui vẻ. Từ đó tính cách của người già mới bớt khó chịu, bớt cáu gắt.

Ngoài ra, người cao tuổi về hưu có cảm giác cô độc, thấy mình vô dụng, không còn giá trị. Trong sự chán chường và tụt sâu về tâm lý, thái độ tiêu cực và những xúc cảm căng thẳng có thể làm nảy sinh những hành vi, thái độ thiếu sự cân bằng. Người trẻ nên nhận ra diễn biến này để có sự thích ứng, tinh tế. Nên có thái độ tôn trọng người cao tuổi, tránh nhắc về thực tế buồn bã, tránh những cử chỉ thân tình quá đáng giữa vợ chồng trước mặt người cao tuổi, tránh những dự án tự quyết mà thiếu sự trao đổi với cha mẹ...

THẢO NGUYÊN

.
.
.