Phụ nữ Bà Rịa khởi nghiệp xanh
Với ý tưởng sáng tạo cùng đôi bàn tay khéo léo, chị em phụ nữ ở TP.Bà Rịa đã có những sáng kiến nổi bật áp dụng vào khởi nghiệp thực tế tại địa phương. Đặc biệt, các dự án này đều hướng đến không gây ô nhiễm môi trường, không dùng hóa chất độc hại… Từ đó, giúp họ có nguồn thu nhập ổn định, kinh tế vững vàng và tự tin hơn trong cuộc sống.
Chị Nguyễn Thị Hồng Lan giới thiệu các sản phẩm vẽ tranh trên đá. |
Đến phòng trưng bày tranh trên đá ở 19 Bạch Đằng (TP.Bà Rịa), chúng tôi vô cùng ấn tượng khi được chiêm ngưỡng hàng ngàn bức tranh được vẽ tranh trên đá, với nhiều kiểu dáng, màu sắc phong phú và độc đáo. Phòng tranh này là dự án khởi nghiệm của chị Hồng Lan được thực hiện bắt đầu từ năm 2021.
Chị Hồng Lan cho hay, trước đây chị mở Trung tâm tiếng Anh, nhưng do dịch COVID-19 phải đóng cửa. Có thời gian nhàn rỗi nên chị thường xuyên truy cập Internet và tình cờ biết đến nghệ thuật vẽ tranh trên đá từ các họa sĩ nước ngoài. Ban đầu, chị học vẽ với mục đích giảm stress trong mùa dịch. Có bàn tay khéo léo, đôi mắt nghệ thuật, chị đã vẽ nên nhiều sản phẩm đẹp mắt. Càng vẽ chị càng say mê. Mỗi khi chị đăng các tác phẩm lên mạng xã hội đều được nhiều người khen ngợi và đặt hàng. Từ đó, chị quyết tâm khởi nghiệp với sản phẩm nghệ thuật vẽ tranh trên đá.
Thời gian đầu, những công việc như tìm đá, mài, gọt, rửa đá đến lên ý tưởng vẽ và phủ sơn lên tác phẩm… đều do một mình chị thực hiện. Có không ít lần thất bại, song chị vẫn không bỏ cuộc, tiếp tục kiên trì nghiên cứu, học hỏi cho ra đời các sản phẩm ưng ý nhất. Đến nay, phòng trưng bày của chị đã có khoảng 4.000 sản phẩm độc bảng vẽ tay trên đá và sò, ốc. Mỗi sản phẩm có kích thước, hình ảnh, ý nghĩa khác nhau. Điểm nổi bật, nhiều sản phẩm có hình vẽ quê hương, đất nước, con người Việt Nam nói chung và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng.
“Phòng trưng bày sản phẩm vẽ tranh trên đá của tôi đã được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch. Có nhiều đoàn khách Việt Nam và quốc tế đến tham quan và mua sản phẩm. Thông qua các sản phẩm, tôi muốn quảng bá các địa danh du lịch, di tích lịch sử, sản phẩm đặc trưng của địa phương… đến du khách”, chị Lan chia sẻ.
Chị Hoàng Thị Mến (bên phải) giao phân hữu cơ cho khách. |
Từ chỗ vẽ tranh để thư giãn, đến nay ý tưởng khởi nghiệp của chị đã mang lại hiệu quả kinh tế. Các sản phẩm đang bày bán có giá trị khoảng 1 tỷ đồng. Chị còn tạo công ăn việc làm ổn định cho 4 lao động là hội viên phụ nữ. Thời gian tới, chị tiếp tục vay vốn mở rộng kinh doanh. Chị Lan nói: “Tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để cho ra đời các sản phẩm mới lạ, có giá trị lan tỏa đến nhiều người”.
Cũng khởi nghiệp cách đây 3 năm, dự án phân bón hữu cơ từ phế phẩm nông sản của chị Hoàng Thị Mến (tổ 1, KP.5, phường Phước Trung, TP.Bà Rịa) đến nay đã có lợi nhuận.
Chị Mến cho biết, ý tưởng của chị xuất phát từ việc tận dụng vỏ trái cây, rau củ quả bị hỏng làm phân hữu cơ mà mẹ chị ở quê thường hay làm. Ban đầu, chị dùng loại phân này để tưới cho các loại rau do gia đình trồng, cho hàng xóm và người quen cùng dùng thử. Qua vài tháng thử nghiệm, phân hữu cơ từ phế phẩm nông sản của chị Mến tưới lên các loại rau: cải, dưa leo, cà pháo, hành, ngò, xà lách… đều cho sinh trưởng tốt.
Sau đó, chị mạnh dạn vay 50 triệu đồng của Ngân hàng CSXH tỉnh để thuê mặt bằng, mua dụng cụ và vật tư… làm phân hữu cơ nhằm phát triển kinh tế. Ngoài tự làm, chị còn thuê thêm nhân công thu mua và gom nguyên liệu từ các vựa trái cây, rau củ ở Trung tâm thương mại Bà Rịa. Đến nay, sản phẩm phân hữu cơ của chị được nhiều hội viên phụ nữ trên địa bàn TP.Bà Rịa sử dụng tưới cho các loại rau. Việc làm này đã mang về thu nhập cho chị 150 triệu đồng/năm.
Theo Hội LHPN TP.Bà Rịa, thực hiện Đề án 939 về hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025, Hội đã xây dựng kế hoạch triển khai đến các cơ sở Hội và phát động đến toàn thể hội viên, phụ nữ trên địa bàn. Hội còn tổ chức cuộc thi khởi nghiệp để tìm kiếm, lựa chọn, trao giải, tôn vinh các hội viên, phụ nữ có những ý tưởng sáng kiến nổi bật được áp dụng vào khởi nghiệp thực tế tại địa phương.
Các dự án, ý tưởng khởi nghiệp của hội viên phụ nữ đều hướng đến không gây ô nhiễm môi trường, không dùng hóa chất độc hại tác động xấu tới môi trường và sức khỏe con người trong trồng trọt, chăn nuôi… Từ những ý tưởng khởi nghiệp này đã góp phần phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho hội viên.
Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG