.

Học nghề: Tại sao không?

Cập nhật: 17:17, 17/05/2024 (GMT+7)

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và tốt nghiệp THPT năm 2024 đang đến gần, làm gì, học nghề gì luôn là câu hỏi lớn của HS và phụ huynh, đặc biệt là với các em mới học xong THCS không vào được lớp 10 hoặc tốt nghiệp THPT nhưng không đậu ĐH, CĐ?

Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh

Thông thường, ai cũng muốn vào ĐH, hoặc ít ra cũng phải học hết THPT. Tuy nhiên, điều kiện thực tế mỗi người mỗi khác. Có nhiều HS đã học hết THCS nhưng không đủ điều kiện vào lớp 10 hoặc tốt nghiệp THPT nhưng không đậu ĐH. Cũng có nhiều HS không thích, hoặc không đủ điều kiện kinh tế để theo học các bậc học cao hơn thì lựa chọn học nghề là giải pháp hợp lý.

Khi học nghề, các em có thể chọn cho mình một ngành nghề thích hợp, rút ngắn thời gian học tập để sớm có việc làm và thu nhập. Nếu có chí, các em có thể tiếp tục học văn hóa, học liên thông lên CĐ, ĐH. Đặc biệt, trường nghề có học phí không cao, cơ hội tìm được việc làm lớn. Khi ra trường, các em có thể tự mình làm chủ như mở cơ sở sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp, làm công hưởng lương…

Thêm vào đó là hiện nay, có hàng chục ngàn thạc sĩ, cử nhân ra trường nhưng chưa có việc làm, phải làm không đúng ngành nghề được đào tạo, có người phải quay ngược lại đi học nghề để tìm được việc làm… đã và đang gây lãng phí thời gian, tiền bạc, cơ hội của tuổi trẻ.

Vì thế, thay vì chán nản, mất niềm tin vào cuộc sống do không vào được THPT hay ĐH, các em có thể mạnh dạn học nghề. “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, có được tay nghề giỏi, yêu nghề cũng mang đến thành công, cuộc sống ấm no.

Đại học không phải là con đường duy nhất

Theo kết quả của Trung tâm dự báo Nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh, giai đoạn 2017-2020 đến năm 2025, cơ hội nghề nghiệp sẽ được trải đều cho tất cả các bậc học. Theo đó, nhu cầu nguồn nhân lực qua đào tạo chiếm 85%, bao gồm: Trên ĐH 2%, ĐH 17%, CĐ 15%, Trung cấp 33%, Sơ cấp nghề và công nhân kỹ thuật 18%.

Bà Rịa-Vũng Tàu nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có nhiều DN, xí nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp nên nhu cầu sử dụng lao động lớn, nhất là lao động được đào tạo nghề. Trong các DN, bên cạnh việc phân phối thu nhập theo trình độ, người sử dụng lao động quan tâm trả lương theo tay nghề, năng suất lao động nên những người có tay nghề tốt sẽ được trọng dụng.

Nếu cánh cổng ĐH, THPT khó vào, các em có thể mở cánh cửa cuộc đời bằng việc học nghề. Nghề nào cũng tốt, cũng cao quý, miễn là dám dấn thân và yêu nghề.

HẢI YẾN

 
.
.
.