.

Có nên kiểm soát con quá mức?

Cập nhật: 17:18, 17/05/2024 (GMT+7)

Hiện nay, không ít phụ huynh chọn giải pháp "xem trộm" điện thoại, máy tính, thậm chí là lắp đặt camera, thiết bị định vị để giám sát con 24/24. Việc xem để biết con đang làm gì, đúng hay sai rồi sau đó trao đổi, tâm sự giúp con hiểu và tránh xa những cái xấu là có thể chấp nhận được! Tuy nhiên, nếu lạm dụng và kiểm soát quá mức là điều không nên.

Ba mẹ cần đồng hành để giúp con từng bước ra khỏi “vùng an toàn”.
Ba mẹ cần đồng hành để giúp con từng bước ra khỏi “vùng an toàn”.

Tác dụng tiêu cực

Khi con trai phải xa nhà lên TP.Hồ Chí Minh học đại học, vì lo lắng con mình  nói dối, bỏ học đi chơi..., chị Hoài Thu (phường 11, TP.Vũng Tàu) đã bí mật gắn định vị trên xe Honda để giám sát. Với cách làm này, chị nắm được lịch trình đi học, đi chơi của con. Mỗi lần thông qua thiết bị giám sát thấy con về nhà khuya là chị gọi điện thoại nhắc nhở, rầy la.

Tuấn Anh (18 tuổi, con trai chị Thu) cho biết, trước đây khi còn ở nhà, dù đã học cấp III nhưng hằng ngày đi học mẹ vẫn đưa đón. Mẹ anh thường mở laptop của anh kiểm tra các tài khoản mạng xã hội, hay vào phòng riêng đột xuất để kiểm tra con học bài… Cuộc sống bị mẹ kiểm soát chặt bằng mọi biện pháp. Việc làm này khiến cho tâm lý Tuấn Anh không được thoải mái, thậm chí cảm thấy rất ức chế.

“Bổn phận của con cái phải nghe lời, phải tuân thủ những lời dạy dỗ của ba mẹ. Tuy nhiên, sự kiểm soát cực đoan làm cho tôi cảm thấy cuộc sống trở nên ngột ngạt, mất niềm tin và mẹ đã không hề quan tâm tới cảm xúc của tôi”, Tuấn Anh chia sẻ.

Đồng quan điểm, Như Bình (19 tuổi, sinh viên Trường ĐH Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng, bước chân vào cuộc sống sinh viên là lúc ai cũng mang tâm trạng háo hức được tự do khám phá cuộc sống. Thế nhưng bản thân luôn bị ba mẹ theo dõi, kiểm soát, nhất là về giờ giấc và các mối quan hệ với bạn bè, xã hội… Do đó, cuộc sống của Như Bình ngày càng ngột ngạt, khép kín, không có bạn bè. Hằng ngày chỉ biết đi học về nhà đúng giờ, không tham gia bất cứ hoạt động nào của lớp, của trường.

“Cuộc sống với tôi thật nhạt nhẽo, vô vị! Tôi hiểu ba mẹ rất thương nhưng việc quá bao bọc và gò bó sẽ gây ra áp lực, có thể làm cản trở lý tưởng sống của mỗi người. Đành rằng, ba mẹ phải quan tâm, giáo dục con, nhưng cũng rất cần hiểu cảm xúc của con. Sự quan tâm quá mức, quá khắt khe vô tình trở thành “liều thuốc độc”, Như Bình thổ lộ.

Hãy để con bước ra khỏi “vùng an toàn”

Theo các chuyên gia tâm lý, do lo sợ con cái gặp bất trắc khi tiếp xúc với cuộc sống ngoài xã hội nên nhiều phụ huynh đã “quản chặt” con cái bằng nhiều biện pháp. Nhưng việc kiểm soát khắt khe quá mức không thực sự đem lại kết quả tốt. Một số trường hợp phản ứng ngược, con cái tìm cách phản kháng vì cảm giác gò bó, khó chịu vì sự không tin tưởng, tôn trọng của ba mẹ.

Ngoài ra, việc kiểm soát con quá mức có thể tạo ra những xung đột trong gia đình. Con cái có thể cảm thấy bị bó buộc vào những điều mình không thích. Đến một lúc nào đó, chúng dễ dàng bày tỏ sự phản kháng, đi ngược lại những điều chỉ dẫn từ ba mẹ.

Chia sẻ về vấn đề này, chị Kiều Anh (TP.Vũng Tàu) cho biết, trước đây vì quá lo lắng cho con cái nên chị cũng dùng các biện pháp để kiểm soát con từ việc xem trộm điện thoại, laptop… Và chị tìm hiểu tất cả những bạn bè của con, để ngăn cản con chơi với bạn này bạn kia mà chị cho là không đủ tin tưởng.

Hậu quả là một thời gian dài không khí trong gia đình trở nên căng thẳng. Các con ngày càng trở nên xa cách và không bao giờ chia sẻ những nỗi niềm riêng tư với mẹ...

Bây giờ thì chị nhận ra rằng: “Tình yêu thương của ba mẹ nếu không có sự tin tưởng, thấu hiểu sẽ khiến các con không thể trưởng thành. Do đó, hãy để con học cách sống tự lập, tự  bước ra khỏi “vùng an toàn” của ba mẹ. Ngoài ra, chúng ta, những người làm ba, mẹ cũng cần phải tôn trọng quyền riêng tư tối thiểu của con".

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

 
.
.
.