Điều trị và phòng ngừa mụn
Mụn là một loại bệnh về da, thường xuất hiện ở mặt, lưng, ngực, cổ, cằm, mông, vai…, với nhiều dạng khác nhau. Tùy vào biểu hiện, mụn được chia ra nhiều loại như mụn trứng cá thông thường, trứng cá đỏ, mụn ẩn, mụn bọc, mụn cám, mụn đầu đen, mụn viêm, mụn mủ…
Nặn mụn trứng cá không đúng cách, không hợp vệ sinh có thể gây ra mụn bọc. |
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra mụn chủ yếu do tác nhân nội sinh hoặc ngoại cảnh, chẳng hạn như da tiết chất nhờn quá nhiều làm tắc nghẽn nang lông, da bị nhiễm khuẩn, viêm da, chăm sóc da không đúng cách, lạm dụng mỹ phẩm, thay đổi nội tiết tố ở tuổi dậy thì và tuổi trung niên, đặc biệt là phụ nữ trong thời kỳ tiền mãn kinh, sử dụng thuốc corticoid (Dexamethasong, Prednisolone), thuốc nội tiết Testosterone, Progesteron kéo dài, chế độ ăn giàu carbohydrate (đường, tinh bột) như bánh mì, khoai tây chiên, bánh ngọt…
Dựa vào nguyên nhân và các triệu chứng, mụn được chia thành nhiều loại gồm: mụn trứng cá đầu trắng, xuất hiện phổ biến ở mọi độ tuổi, do bã nhờn tiết ra nhiều dẫn đến tình trạng bít tắc lỗ chân lông. Mụn không gây nguy hiểm nếu không nhiễm trùng. Người bệnh chỉ cảm thấy khó chịu, ảnh hưởng đến tâm lý thẩm mỹ vì phần lớn mụn xuất hiện trên mặt.
Mụn đầu đen là hệ quả của mụn trứng cá đầu trắng do lỗ chân lông bị hở, mụn bị oxy hóa nên đầu mụn biến thành màu đen. Và cũng như mụn đầu trắng, mụn đầu đen hình thành nhiều trên mặt, đôi khi có ở lưng, ngực, cổ…
Mụn ẩn là mụn nằm ở sâu dưới nang lông, không gây viêm, không đau nhức, mọc theo từng cụm và lan rộng sang các khu vực xung quanh khiến bề mặt da sần sùi. Mụn ẩn khó phát hiện nếu chỉ nhìn bằng mắt thường, cách đơn giản nhất là sờ lên da, thấy có cảm giác thô ráp và gồ ghề, thường ở vùng trán, hai bên má và dưới cằm.
Mụn bọc hình thành dưới da, phần lớn từ những ổ áp xe nhỏ của vùng nang lông tuyến bã nhờn, tạo nên các nốt to viêm đỏ, sưng tấy và đau. Mụn bọc thường xuất hiện trên mặt, lưng hoặc ngực.
Mụn cám là mụn nhỏ hình thành do lỗ chân lông bị tắc nghẽn kèm với bã nhờn và bụi bẩn, là thể nhẹ của mụn trứng cá, thường mọc thành từng mảng khiến da mặt sần sùi, gồ ghề. Nếu chăm sóc da hoặc nặn mụn không đúng cách, có thể gây sưng đỏ, viêm, đau…
Mụn mủ là dạng viêm da, thể hiện bằng những nốt sưng đỏ, đầu mụn có màu vàng hoặc trắng, bên trong chứa đầy dịch mủ. Mụn mủ nhìn giống mụn nhọt nhưng kích thước nhỏ hơn, thường xuất hiện ở cằm, mũi, má, trán, quai hàm, thái dương, nách, háng… Nếu không được xử lý đúng cách, mụn mủ có thể gây ra những biến chứng xấu.
Các biến chứng do mụn gây ra thường là các vết sẹo lồi hoặc rỗ, các vết thâm, tồn tại lâu dài. Nếu chúng ta tự nặn mụn nhưng tay hoặc các dụng cụ không được rửa sạch thì có thể dẫn đến nhiễm trùng, nhẹ thì sưng phù, đau nhức, nặng thì méo miệng, viêm tắc tĩnh mạch xoang hang trong não dẫn đến hôn mê, tử vong.
Điều trị và phòng ngừa
Khi thấy da nổi mụn và khi các phương pháp chăm sóc da không hiệu quả, người bệnh nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa Da liễu để được thăm khám và hướng dẫn điều trị. Ở mức độ nhẹ, bác sĩ sẽ cho sử dụng các loại kem, sữa rửa mặt và thuốc điều trị tại chỗ giúp làm khô mụn, tiêu diệt vi khuẩn, tẩy tế bào chết trên da nhằm ngăn ngừa lỗ chân lông tắc nghẽn.
Ở mức độ trung bình, bệnh nhân sẽ được phối hợp giữa kem bôi, thuốc kháng sinh. Trong trường hợp mụn nặng, bác sĩ sẽ chỉ định liệu pháp quang động (PDT), sử dụng thuốc và tia laser để cơ thể giảm sản xuất chất nhờn, sử dụng xung ánh sáng có cường độ mạnh (IPL) để tiêu diệt vi khuẩn P.acne, Demodex…
Để ngăn ngừa mụn, rửa mặt hàng ngày bằng sữa rửa mặt không chứa dầu, nếu thường xuyên sử dụng mỹ phẩm thì nên chọn những loại không gây dị ứng da, ít có khả năng gây tắc nghẽn lỗ chân lông, làm sạch da trước khi ngủ, uống đủ nước, trung bình mỗi ngày 2 lít đối với người trưởng thành, giảm các thực phẩm giàu tinh bột, đường, tăng cường rau xanh, trái cây, giảm căng thẳng tâm lý…
Ths. Bs CK 2 Da liễu NGUYỄN VĂN ÚT