.

Éo le… "ngậm bồ hòn làm ngọt"

Cập nhật: 18:37, 26/04/2024 (GMT+7)

Dù giàu dù nghèo thì đôi uyên ương nào cũng nghĩ đến sự tiết kiệm, không dám “vung tay quá trán” cũng chỉ vì lo toan cho nhà mình. Thế nhưng lại có trường hợp cực kỳ éo le, theo quan sát của tôi không phải là cá biệt mà lại có tính cách phổ biến. Đó là lúc người trong cuộc đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”, khó có thể tâm sự với ai kể cả anh chị em ruột, bạn bè nối khố.

Nếu “một nửa” đem số tiền ấy cung cấp cho tình nhân, hoặc mua sắm hoang phí... thì mình rất dễ xử lý. Còn đây lại là viện trợ cho gia đình chồng/vợ. Ngẫm ra không có gì sai dù vậy “nửa này” cũng ấm ức.  Đành rằng, lo cho ba mẹ là được, không ai tị nạnh làm gì, nhưng rồi có lúc cũng… tủi thân lắm. Anh bạn tôi cũng không xúng xính tiền bạc, do đó, khi nghe cô vợ thông báo một tin vui khiến anh mừng ra mặt. Đó là cơ quan của vợ quy định, hễ ai làm lâu năm, có thành tích tốt thì người thân trong gia đình được ưu tiên một suất đóng bảo hiểm sức khoẻ theo giá “hữu nghị”. Anh chắc mẩm, phen này mình sẽ được vợ đề xuất với cơ quan, được vậy là quá tốt, đỡ phải lo khoản tiền viện phí. Nào ngờ cô vợ bảo: “Em đề xuất cho ba em, vì ông cụ đã già rồi, lại đang có bệnh?”. Thử hỏi, nếu bạn rơi vào trường hợp này thì nghĩ gì? Chà, nếu chẳng may anh chồng bị bệnh thì tiền đâu, rồi lấy đâu sức khỏe lo cho con?

Khổ nỗi, nhiều gia đình ở quê không thấu hiểu cho hoàn cảnh của con gái/ con trai mình. Thì đó, do là con trai trưởng lập nghiệp tại thành phố lớn nên thu nhập cũng ổn định, cũng mua sắm được căn hộ chung cư, cũng có xe máy đi làm và nhà cửa cũng gắn máy lạnh… Nhiều lần vào chơi với con, nhìn thấy cơ ngôi này, bà mẹ cứ nghĩ con mình giàu có nên mới xẩy ra tình huống “trăm dâu đổ đầu tằm”. Hễ cái con trong nhà cần gì thì bà đều gọi điện thông báo cho con trai, cứ như thể con đã ổn định thì phải có trách nhiệm lo cho em. Bà quên rằng, con trai bà đâu có toàn quyền vì bên cạnh đó, còn có cả vợ của con nữa. Ấy là chưa kể con mình còn phải lo gia đình nhỏ của nó nữa.

Nhiều đôi uyên ương “cơm không lành, canh không ngọt” cũng vì lý do này. Đến nay, tôi vẫn chưa quên trường hợp dở khóc, dở cười của anh bạn thân. Sau bao năm làm lụng, làm được đồng nào đều đưa vợ cất giữ. Đến một ngày, khi đã tích cóp số tiền không nhỏ, anh lẳng lặng thuê kiến trúc sự, khảo sát giá cả vật liệu xây dựng để xây lại căn nhà lâu nay ọp ẹp, xuống cấp trầm trọng. Lẳng lặng làm mọi việc đó, vì anh muốn tạo cho vợ sự bất ngờ.

Rất bẽ bàng, là lúc cô vợ cho biết số tiền dành dụm bấy lâu nay, cô đã gửi về quê cho anh em mượn hết rồi. Mà, ở đời, cái sự vay mượn trong anh chị em ruột khó có thể đòi lại như người dưng nước lã. Khó lắm, còn vì huyết thống máu mủ gia đình nữa. Tóm lại, đến nay, kế hoạch của anh xem như “phá sản”. Trách vợ thì trách làm sao? Rồi quan hệ bên nhà vợ nữa, thiệt rối tung cái đầu.

Không ai cực đoan phản bác chuyện giúp người ruột thịt, nhưng đừng quên mình còn đang phải lo cho gia đình riêng của mình nữa.

LÊ MINH QUỐC

 
.
.
.