.

Có nên sống cùng con cái khi về già?

Cập nhật: 18:26, 26/04/2024 (GMT+7)

Chúng ta thường có câu “trẻ cậy cha, già cậy con”, cha mẹ khi về già thường sống chung với con cháu. Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại hối hả, khoảng cách thế hệ, việc ở chung với con cái hay ở riêng là băn khoăn của không ít người khi về già.

Người già có xu hướng thích sống riêng, không phụ thuộc vào con cái bởi họ độc lập về kinh tế, có thể tự lo  và tận hưởng thú vui riêng của mình.  Trong ảnh: Người cao tuổi tham gia Hội thao người cao tuổi tỉnh tại TP. Bà Rịa. Ảnh: PHÚ XUÂN
Người già có xu hướng thích sống riêng, không phụ thuộc vào con cái bởi họ độc lập về kinh tế, có thể tự lo và tận hưởng thú vui riêng của mình. Trong ảnh: Người cao tuổi tham gia Hội thao người cao tuổi tỉnh tại TP. Bà Rịa. Ảnh: PHÚ XUÂN

Không muốn phụ thuộc vào con cái

Nhà có một cậu con trai và hai cô con gái, nhưng khi các con lập gia đình xong, vợ chồng ông Nguyễn Thế Công (68 tuổi) bán căn nhà mặt đất với giá 6 tỷ đồng, chia cho con trai 2 tỷ đồng và 2 cô con gái mỗi người 1 tỷ đồng. Số tiền còn lại vợ chồng ông Công mua căn hộ ở chung cư Bình An (phường 10, TP. Vũng Tàu) để an dưỡng tuổi già.

Cậu con trai thường chỉ nhờ ông bà hỗ trợ trông cháu thời gian cuối tuần, hoặc khi vợ chồng có công việc đột xuất. Thời gian còn lại, ông bà sống nhàn nhã với thú vui riêng tuổi già. Chuyện kinh tế, ông bà đã chủ động tích lũy được một ít vốn khi còn trẻ, cộng thêm với khoản lương hưu hàng tháng, họ sống không phụ thuộc vào con cháu.

“Nhiều người quan niệm già là phải sống chung với con cháu mới đúng, nhưng chúng tôi thì cho rằng khi hai thế hệ không cùng quan niệm sống mà sống chung sẽ bất tiện cho cả hai. Cuộc sống như thế sẽ khiến cho cha mẹ và con cái không hài lòng về nhau, nảy sinh mâu thuẫn, mất tình cảm”, ông Công cho hay.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Lương, quê ở Quảng Bình lại trở thành một bà mẹ "lập dị" trong mắt mọi người khi tuyên bố về già không sống chung với con cháu. Khỏe mạnh, bà sẽ sống một mình, ốm đau thì thuê giúp việc. Cho nên, hai cậu con trai trưởng thành, lấy vợ, xây được nhà lớn ở TP. Vũng Tàu và Đà Nẵng, cuộc sống khá giả, nhiều lần về đón mẹ lên sống cùng nhưng bà nhất quyết không đi. Bà bảo sống ở quê có bạn bè để giao lưu thoải mái hơn cuộc sống sầm uất, ngột ngạt ở phố thị. Mấy lần, bà lên chơi với con cháu, thấy chúng sáng thì đi, tối về thì cắm cúi vào máy tính điện thoại, sự quan tâm duy nhất chúng dành cho bà chỉ là chào hỏi cho có lệ.

“Nếp sống đó tôi không quen. Chi bằng, con cháu cứ sống theo ý của chúng, tôi sống theo nếp làng xã ở quê dễ chịu hơn”, bà Liên nói.

Gia đình hạt nhân thay thế gia đình truyền thống

Bà Rịa-Vũng Tàu đang bước vào thời kỳ già hóa dân số, vì vậy vấn đề chủ động cuộc sống tuổi già rất đáng quan tâm. Cùng với đó, cuộc sống hiện đại cũng đang khiến cho lối sống gia đình đang dần thay đổi. Mô hình gia đình truyền thống đang mai một dần, thay vào đó là gia đình hạt nhân. Theo đó, bố mẹ và con cái sống riêng độc lập với nhau thay vì sống chung dưới một mái nhà với nhiều thế hệ.

Theo số liệu điều tra của Viện Dân số Sức khỏe và Phát triển thực hiện vào năm 2020 với hơn 6.000 người cao tuổi trên cả nước, có 19% sống riêng hai vợ chồng, hơn một nửa sống một mình và có con cái cùng xã, phường. Đây được xem như một mô hình mới: Gia đình sống gần kề nhưng không ở chung. Nhờ đó, các thành viên vẫn có thể chăm sóc nhau mà không ảnh hưởng đến không gian cá nhân.

Tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy, Học viện Hành chính Quốc gia, Phân viện TP. Hồ Chí Minh phân tích, có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự dịch chuyển cấu trúc gia đình của người Việt nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng là khoảng cách thế hệ trong suy nghĩ, lối sống hay quan điểm ứng xử. Mặt khác, người già ở tuổi 50, 60 còn rất khỏe, trẻ, có thu nhập chủ động, thụ động từ lương hưu hay đi làm thêm… Chính sự chủ động về kinh tế đó, cộng với đang còn hội nhập trong xã hội, nên họ muốn có không gian tự do. Trong khi đó, con cháu họ có thể ở nước ngoài hay tỉnh khác, thường xuyên đi công tác nên chuyện ở chung để chăm sóc cha mẹ già như ngày xưa là không thể.

Ngoài ra, những mâu thuẫn trong mối quan hệ với con cái khi sống chung có thể ảnh hưởng tới thể chất và tinh thần của người cao tuổi. Với những người ở riêng, họ tạo ra không gian riêng cho mình và tôn trọng không gian riêng của con. Suy nghĩ phải trông nhà, trông cháu cho con cũng không còn phù hợp với người già hiện nay. Vì vậy, những năm gần đây xã hội ghi nhận sự dịch chuyển xu hướng sống mới của người già. Tuổi xế chiều khi đã lo lắng xong xuôi việc học hành, dựng vợ, gả chồng cho con cái thì họ đã chọn cách sống cho riêng mình, không ở cùng con cái.

Tại một cuộc điều tra trên 9.300 hộ gia đình trải đều các khu vực của cả nước cho thấy tỷ lệ ý kiến của người cao tuổi về việc sống riêng hoặc sống chung với con cháu là khá tương đương. Cụ thể, có 51,5% ý kiến cho rằng người cao tuổi nên sống chung với con cháu. 46,5% ý kiến lựa chọn sống riêng và 2% cho rằng khó trả lời.

Người già có thể sống chung, sống riêng với con cái tùy theo điều kiện, hoàn cảnh, không nhất thiết cứ phải áp đặt lối sống "già cậy con" để rồi khiến bản thân và con cháu rơi vào tình thế khó xử, thậm chí là bằng mặt không bằng lòng.

YÊN THỦY

.
.
.