.

Bệnh bạch biến

Cập nhật: 18:21, 26/04/2024 (GMT+7)

Hỏi: Tôi 57 tuổi, gần đây trên da mặt xuất hiện những mảng trắng có mảng lớn bằng bàn tay nhưng không ngứa, không đau, không sần sùi. Xin bác sĩ cho biết đó là bệnh gì và cách chữa trị.

(mison@gmail...)

Bạch biến không nguy hiểm nhưng nó khiến người bệnh mặc cảm về hình dạng của mình.
Bạch biến không nguy hiểm nhưng nó khiến người bệnh mặc cảm về hình dạng của mình.

Trả lời: Chào anh, theo những gì anh mô tả thì có thể anh đã bị bệnh bạch biến, gây ra bởi các sắc tố tế bào da bị phá hủy khiến da mất màu. Đây là bệnh lành tính, không lây nhưng ảnh hưởng nhiều về phương diện thẩm mỹ.

Biểu hiện chính của bạch biến là những mảng màu trắng, giới hạn rõ, xuất hiện ở những vùng da hở, thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng mặt trời như tay, chân, mặt…, nhưng da trên mảng bạch biến vẫn bình thường, không bị teo, không đóng vảy, không đau, ngứa.

Bạch biến được chia thành 2 dạng là bạch biến toàn thân và bạch biến khu trú. Ở dạng bạch biến toàn thân, các mảng bạch biến xuất hiện tại nhiều vùng trên cơ thể và có tính chất đối xứng. Đây là dạng phổ biến nhất, hầu hết gặp ở người lớn tuổi. Ở dạng bạch biến phân đoạn, nó thường chỉ xuất hiện một bên hoặc một vùng trên cơ thể, gặp nhiều ở những người trẻ tuổi nhưng cả 2 dạng đều có khunh hướng lan rộng, phát triển mạnh vào mùa hè, giảm đi vào mùa đông.

Rất khó để dự đoán tiến triển của bệnh. Đôi khi các mảng bạch biến sẽ tự khu trú mà không cần điều trị nhưng phần lớn các trường hợp, nó sẽ lan rộng ra và đây chính là nguyên nhân dẫn đến những mặc cảm của người bệnh vì hình dạng bất thường trên mặt, tay, ngực, bụng...

Bạch biến là bệnh không lây ngay cả khi tiếp xúc gần với người mắc bệnh. Chẩn đoán bệnh bạch biến chủ yếu dựa vào việc khai thác tiền sử và các triệu chứng lâm sàng đồng thời bác sĩ sẽ cho người bệnh làm sinh thiết da ở vùng bạch biến, chiếu tia UV lên da để phân biệt bệnh viêm da hoặc vảy nến, xét nghiệm máu để tìm kiếm những nguyên nhân gây ra bạch biến như thiếu máu, tiểu đường.

Cho đến nay, y học vẫn chưa xác định chắc chắn về nguyên nhân gây ra bạch biến ngoại trừ hiện tượng giảm số lượng và chất lượng của các tế bào sắc tố da ở vùng da bị bệnh. Bên cạnh đó, bệnh nhân càng trẻ thì thời gian bị bệnh càng ngắn và có nhiều hy vọng khỏi bệnh.

Ngược lại bệnh nhân càng lớn tuổi, thời gian mắc bệnh càng kéo dài thì kết quả đáp ứng điều trị cũng kém đi. Việc điều trị chủ yếu vẫn chỉ sử dụng một số thuốc có tác dụng cảm ứng với ánh sáng kết hợp với chiếu tia cực tím vào vùng da bị bệnh. Ngoài ra còn có liệu pháp cấy tế bào sắc tố da nhưng chi phí khá cao nên chưa được áp dụng rộng rãi.

Về mặt tâm lý, bạch biến thường gây ra tự ti, mặc cảm về hình dạng bất thường nên bệnh nhân ngại giao tiếp, nhất là ở những nơi đông người. Do đó, việc tư vấn đóng vai trò rất quan trọng để người bệnh yên tâm, tránh được những bi quan, lo lắng…

Ths, Bs CKII Da liễu NGUYỄN VĂN ÚT

.
.
.