.

Vun đắp tình yêu Tổ quốc cho đội viên

Cập nhật: 18:18, 26/04/2024 (GMT+7)

Bằng những công trình là hiện vật cụ thể như: cột mốc chủ quyền biển đảo, bản đồ Việt Nam… học sinh, đội viên không chỉ được vui chơi, giải trí mà còn có được những bài học sâu sắc, sát với thực tế. Từ đó vun đắp niềm tự hào, tình yêu quê hương, đất nước trong thế hệ trẻ.

Hội đồng Đội TX.Phú Mỹ và nhà hảo tâm tặng công trình cột mốc Hoàng Sa - Trường Sa cho Trường THCS Phú Mỹ.
Hội đồng Đội TX.Phú Mỹ và nhà hảo tâm tặng công trình cột mốc Hoàng Sa - Trường Sa cho Trường THCS Phú Mỹ.

Biển, đảo xích lại gần hơn với tuổi trẻ

Để chủ quyền biển đảo không chỉ nằm trên các thước phim tư liệu hoặc trên sách vở, từ năm 2022, Hội đồng Đội TX.Phú Mỹ xây dựng công trình măng non “Cột mốc chủ quyền biển đảo” và trao tặng 2 mô hình cột mốc chủ quyền biển đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho liên đội trường học tại địa phương.

Mô hình được làm bằng bê tông, thiết kế dạng hình trụ 4 mặt, chiều cao hơn 4m, đáy rộng hơn 1,2m2. Trên 2 mô hình có in hình quốc kỳ Việt Nam, tên và tọa độ vị trí địa lý của 2 quần đảo. Tổng khí phí hơn 20 triệu đồng, do Hội đồng Đội thị xã vận động nhà hảo tâm tài trợ.

Thầy Võ Trọng Danh, Hiệu trưởng Trường THCS Phú Mỹ (phường Phú Mỹ, TX.Phú Mỹ) chia sẻ: “Khi HS nhìn vào mô hình, kết hợp với những kiến thức được giáo viên truyền đạt sẽ khắc sâu được hình ảnh biển đảo và ghi nhớ, từ đó xây dựng giá trị lịch sử, lòng tự hào dân tộc ở HS. Đặc biệt, với các thông tin được ghi trên cột mốc, học sinh có thêm kiến thức và hiểu tầm quan trọng của chủ quyền biên giới, biển, đảo quốc gia”.

Từ sự phù hợp trong triển khai thực hiện, đến nay, Hội đồng Đội TX.Phú Mỹ đã trao tặng công trình ý nghĩa này cho 5 trường TH và THCS trên địa bàn.

Tham gia cuộc vận động “Tự hào một dải non sông” do Trung ương Đoàn phát động, từ năm 2023, liên đội các trường TH, THCS trên địa bàn tỉnh đã sử dụng bản đồ Việt Nam có tích hợp công nghệ thực tế ảo tăng cường AR để hiển thị bản đồ số 3D trên điện thoại. Qua đó, giúp học sinh được tương tác trực tiếp trong học tập, có cảm giác chân thật và sinh động trong bài học về lãnh thổ của Việt Nam.

Em Đỗ Lê Yến Sang, Trường TH Cao Văn Ngọc (huyện Long Điền) cho hay: “Từ công nghệ thực tế ảo được tích hợp trên bản đồ, em có thêm kiến thức để áp dụng vào việc học. Bên cạnh đó, em cùng các bạn có thể sử dụng điện thoại thông minh quét mã QR để check in với bản đồ, đăng tải trên mạng xã hội để cùng lan tỏa tình yêu, niềm tự hào với quê hương”. 

Hơn 200 mô hình giáo dục về truyền thống

Toàn tỉnh có 278 trường học có tổ chức Đoàn, Đội, với hơn 150.700 đoàn viên, đội viên. 100% liên đội các trường học đều tổ chức phong trào, cuộc vận động: “Vì đàn em thân yêu”, “Em yêu Hoàng Sa-Trường Sa”, “Tự hào một dải non sông”, “Đền ơn-Đáp nghĩa”…

Với tiêu chí phù hợp với điều kiện thực tế và bám sát nhu cầu, sở thích của đội viên, đoàn viên, học sinh; từ đầu năm học 2023-2024 đến nay, liên đội, đoàn thanh niên các trường học đã thực hiện hơn 200 mô hình, hoạt động có nội dung giáo dục truyền thống dân tộc, khơi gợi tình yêu quê hương đất nước, chủ quyền biển đảo… cho học sinh.

Các hoạt động còn được tích hợp, lồng ghép vào những tiết học trải nghiệm, sân khấu hoá những giai đoạn lịch sử, nhân vật anh hùng dân tộc, chuyến tham quan thực tế vào các sự kiện, ngày lễ quan trọng… nên không chỉ khiến các em thích thú tham gia mà còn mang lại nhiều bài học sâu sắc, thực tế hơn.

Anh Thôi Đại Việt, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh cho hay Tỉnh Đoàn-Hội đồng Đội tỉnh cùng tổ chức đoàn, đội các trường học sẽ tiếp tục đổi mới công tác Đoàn và phong trào thanh niên trường học sáng tạo, tạo hiệu ứng tích cực, có chiều sâu hơn. Trong đó, tập trung đẩy mạnh các hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử, tình yêu quê hương, đất nước;  phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, đặc biệt là Sở GD-ĐT để triển khai các nội dung thiết thực, sát nhu cầu thực tiễn trong giáo dục và rèn luyện... góp phần tạo môi trường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, trang bị kỹ năng cho học sinh, thanh thiếu niên, nhi đồng.

Bài, ảnh: MAI NGỌC

.
.
.