.

An cư và sinh kế - Chìa khóa để thoát nghèo bền vững

Cập nhật: 18:29, 15/04/2024 (GMT+7)

Gần 1 tháng qua, UBMTTQ Việt Nam các cấp phối hợp ngành LĐTBXH tổ chức khảo sát tình hình đời sống của các hộ nghèo để có hỗ trợ phù hợp, giúp hộ nghèo có thêm động lực, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đoàn khảo sát gia đình bà Phạm Thị Hồng Danh (phường Phú Mỹ, TX.Phú Mỹ).
Đoàn khảo sát gia đình bà Phạm Thị Hồng Danh (phường Phú Mỹ, TX.Phú Mỹ).

Ghi nhận tâm tư của hộ nghèo

Không có việc làm ổn định, lại phải nuôi 3 con ăn học nên cuộc sống của vợ chồng ông Lê Văn Khang (ấp Thạnh Sơn 4, xã Phước Tân, huyện Xuyên Mộc) rất khó khăn. Hai vợ chồng ông đang ở nhờ trên mảnh đất của gia đình vợ. Sẵn nghề thợ hồ, gần 20 năm trước, vợ chồng ông Khang tự tay xây căn nhà cấp 4, hiện đã xuống cấp. 3 người con của ông bà đi học được hỗ trợ thẻ BHYT và miễn học phí.

“Điều mong muốn nhất của vợ chồng tôi lúc này là được sửa chữa căn nhà cũ, được hỗ trợ sinh kế để vợ chồng tôi làm ăn, giảm nghèo bền vững. Chúng tôi hy vọng được hỗ trợ con bò hoặc mấy con heo để chăn nuôi, vì đất cha mẹ vợ cho ở lâu dài, rộng rãi, phù hợp với chăn nuôi”, ông Khang nói về nguyện vọng của mình khi đoàn khảo sát tới ghi nhận.

Cũng mong muốn có một nơi ở ổn định là gia đình bà Trần Thị Hồng (tổ 1, KP.Tân Ngọc, P.Phú Mỹ, TX.Phú Mỹ). Bà Hồng gần 70 tuổi, sức khỏe yếu do mang nhiều bệnh trong người. Chồng bà mắc bệnh hiểm nghèo và qua đời năm 2023. Bà đang sống cùng gia đình hai người con, với số thành viên là 11 người. Đại gia đình ở nhờ trong căn nhà thuộc diện quy hoạch, có thể phải di dời bất cứ lúc nào để thực hiện dự án. “Tôi mong muốn được hỗ trợ thuê căn phòng trọ rộng rãi để cả gia đình sinh sống. Hiện tại, thu nhập của gia đình tôi rất khó khăn. Tôi cũng hy vọng các con, cháu trong nhà được đào tạo nghề hoặc giới thiệu để có công việc ổn định”, bà Hồng bày tỏ.

Bên cạnh nguyện vọng có nơi an cư, những lo lắng về việc không có sinh kế ổn định, không có sức khỏe làm việc, không đủ điều kiện cho con học hành… đã được các hộ nghèo chia sẻ với những đoàn khảo sát. Tất cả đều được cán bộ khảo sát ghi lại vào phiếu khảo sát để tập hợp, chuyển về UBMTTQ cấp trên.

Cán bộ UBMTTQ Việt Nam huyện Xuyên Mộc và xã Phước Tân khảo sát gia đình ông Lê Văn Khang (xã Phước Tân).
Cán bộ UBMTTQ Việt Nam huyện Xuyên Mộc và xã Phước Tân khảo sát gia đình ông Lê Văn Khang (xã Phước Tân).

Tìm hướng đi phù hợp

Theo số liệu của Sở LĐTBXH tỉnh, toàn tỉnh hiện có 1.139 hộ nghèo, chiếm 0,35% so với tổng số hộ dân toàn tỉnh.

Sau khi UBMTTQ Việt Nam tỉnh ban hành Kế hoạch số 770 về việc tổ chức khảo sát thực tế tình hình đời sống và nhu cầu cần hỗ trợ của các hộ nghèo (giai đoạn 2024-2025), từ cuối tháng 3 đến nay, cán bộ MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội, cán bộ phụ trách giảm nghèo các xã, phường phối hợp khu phố, tổ dân cư khảo sát 100% hộ nghèo và một số hộ khó khăn trên địa bàn.

Các hộ được khảo sát theo 2 bảng phân tích: hộ có khả năng thoát nghèo và hộ không có khả năng thoát nghèo. Với những hộ khó khăn các địa phương cũng tổng hợp ghi nhận hoàn cảnh, kiến nghị của từng hộ.

Theo ông Lê Hồng Ngọc, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh, qua khảo sát, phân tích từ các địa phương, hầu hết các hộ nghèo đang gặp khó khăn như: thiếu đất sản xuất, thiếu vốn, không có nhà ở, nhà ở xuống cấp... Với đối tượng khảo sát trong độ tuổi lao động, không có việc làm ổn định, mong muốn được tạo điều kiện về đào tạo nghề, giới thiệu việc làm hoặc tặng con giống, sinh kế để có thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, đối với các hộ nghèo, hộ khó khăn do tuổi cao, mất sức lao động, bị bệnh tật hoặc thuộc đối tượng bảo trợ xã hội... cần sự trợ cấp hàng tháng từ chính quyền và người thân, hàng xóm và các nhà hảo tâm, mạnh thường quân.

"Sau ngày 15/4, các địa phương gửi kết quả khảo sát và đánh giá về UBMTTQ Việt Nam tỉnh, chúng tôi sẽ tiếp tục tổng hợp báo cáo. Từ đó xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2024-2025. Đồng thời, báo cáo xin chủ trương Thường trực Tỉnh ủy để triển khai thực hiện", ông Lê Hồng Ngọc cho biết.

Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH

 
.
.
.