Mạng lưới cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển về số lượng lẫn chất lượng, giúp người dân có nhiều sự lựa chọn về dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Qua đó, góp phần giảm tải và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở y tế công lập-tư nhân trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB).
Bác sĩ của Bệnh viện Mắt miền Đông phẫu thuật cho bệnh nhân bị đục thủy tinh thể. |
Thu hút đông bệnh nhân
Năm 2018, Công ty TNHH Medic Sài Gòn thành lập phòng khám đa khoa đầu tiên ở xã Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc). Sự ra đời của phòng khám này đã tạo điều kiện cho người dân ở vùng nông thôn được tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng, nhất là người có BHYT. Nhận thấy nhu cầu KCB của người dân ngày càng cao, Công ty TNHH Medic Sài Gòn mở thêm 4 phòng khám đa khoa tại huyện Xuyên Mộc, huyện Long Điền, TX.Phú Mỹ và TP.Vũng Tàu. Trung bình mỗi năm, mỗi phòng khám khám, điều trị ngoại trú cho khoảng 50 ngàn lượt bệnh nhân.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt, 64 tuổi, ở tổ 8, ấp Phước Thọ, xã Phước Hưng (huyện Long Điền) bị nhiều bệnh nền như huyết áp cao, xương khớp, bao tử. 2 năm qua, bà thường xuyên đến khám, lấy thuốc tại Phòng khám đa khoa Medic Sài Gòn 3 (thuộc Công ty TNHH Medic Sài Gòn) bởi 2 lý do chính là phòng khám gần nhà và được thanh toán BHYT. “Hàng tháng, tôi đều đến phòng khám này để khám và lấy thuốc. Thuốc uống có hiệu quả, tình trạng bệnh cải thiện nhiều”, bà Nguyễn Thị Nguyệt nói.
Ông Nguyễn Trường Giang, Giám đốc điều hành hệ thống của Công ty TNHH Medic Sài Gòn cho biết, mỗi phòng khám thực hiện khám, điều trị 7-11 chuyên khoa: nội, ngoại, sản, nhi, mắt, tai mũi họng… Các phòng khám có trang thiết bị y tế hiện đại như: máy đo điện não, siêu âm tim, máy nội soi tiêu hóa, máy siêu âm 4 chiều, hệ thống xét nghiệm tự động. Các phòng khám đã đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ở các địa phương.
Ông Nguyễn Trường Giang nói thêm: “Cùng với tuyển dụng đội ngũ bác sĩ trình độ cao, chúng tôi thường xuyên cử nhân viên y tế đi học tập nâng cao chuyên môn, đồng thời phối hợp với các bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh và TP.Hồ Chí Minh để cấp cứu và chữa trị cho người bệnh”.
Mới đưa vào hoạt động được một tháng, song Bệnh viện Mắt miền Đông (TP.Bà Rịa) đã phẫu thuật hơn 30 ca đục thủy tinh thể và mộng quặm mí mắt. Ông Trần Minh Ngọc, Giám đốc Bệnh viện Mắt miền Đông thông tin, đơn vị là cơ sở y tế tương đương với bệnh viện chuyên khoa mắt hạng 3 được Bộ Y tế cấp phép thực hiện 224 kỹ thuật.
Bệnh viện có 4 khoa (khám bệnh, mắt-phẫu thuật gây mê hồi sức, dược, xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh) cùng 4 phòng chức năng khác. Bệnh viện còn có 10 giường điều trị nội trú cùng hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại. Đơn cử, máy đo công suất đục thủy tinh thể nhân tạo; máy laser điều trị cườm nước, đục bao sau, đục dịch kính; máy chụp cắt lớp võng mạc; hệ thống phòng mổ áp lực dương.
Bệnh viện khám, điều trị các bệnh: đục thủy tinh thể, cườm nước; mộng quặm mí mắt; bệnh lý đáy mắt… Đặc biệt, bệnh nhân được phẫu thuật và xuất viện trong ngày. “Chúng tôi luôn tạo điều kiện thuận lợi để người dân được thụ hưởng các dịch vụ y tế chất lượng cao. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ mù lòa trong cộng đồng. Bệnh viện đang khám và điều trị cho bệnh nhân từ 6-17 giờ hàng ngày. Thời gian tới, bệnh viện sẽ tăng thời gian hoạt động đến 21 giờ kể cả thứ Bảy, Chủ nhật; đồng thời phát triển kỹ thuật phẫu thuật tật khúc xạ để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc mắt của Nhân dân”, ông Trần Minh Ngọc cho hay.
Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 623 cơ sở hành nghề y, y học cổ truyền tư nhân, với 1.735 nhân sự, trong đó có 582 bác sĩ. |
Phát triển khối ngành “du lịch-sức khỏe-y tế-nghỉ dưỡng”
Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Y tế, hệ thông y tế tư nhân đã đóng góp quan trọng vào công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân bằng cách cung cấp các dịch vụ y tế đa dạng và tiện lợi, giảm áp lực cho các cơ sở y tế công. Tiêu biểu, trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 bùng phát, các cơ sở y tế tư nhân đã hỗ trợ nhân sự và vật chất, chung tay cùng ngành y tế kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh. Các đơn vị còn chia sẻ khó khăn với các cơ sở y tế công lập trong thời gian máy móc, phương tiện chẩn đoán đang sửa chữa và bảo trì.
Bác sĩ Trần Ngọc Triệu, Phó Giám đốc Sở Y tế cho rằng, các cơ sở y tế tư nhân đã thúc đẩy cạnh tranh và cải tiến chất lượng trong ngành y tế, từ đó giúp nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng. Việc đầu tư, thành lập các đơn vị y tế tư nhân có chất lượng cao tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là điều cần thiết và đúng định hướng của Chính phủ và Bộ Y tế để phục vụ hiệu quả nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.
“Y tế tư nhân có khả năng nâng cao quy mô, tăng cường đầu tư, hiện đại hóa, thu hút nguồn lực chuyên môn sẽ góp phần thu hút bệnh nhân, trong đó có cả người nước ngoài. Điều này cũng góp phần từng bước đưa tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trở thành địa phương thu hút và phát triển khối ngành “du lịch-sức khỏe-y tế-nghỉ dưỡng”, bác sĩ Trần Ngọc Triệu nói.
Bài, ảnh: TUỆ LÂM