.

Linh hoạt phát triển thị trường lao động

Cập nhật: 17:56, 18/01/2024 (GMT+7)

Bà Rịa-Vũng Tàu đã và đang thực hiện nhiều giải pháp, nhất là tăng cường kết nối cung - cầu nhằm phấn đấu năm 2024 tạo việc làm tăng thêm 13.500 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 81,5%...

Người lao động được tư vấn tại phiên giao dịch việc làm trực tiếp năm 2023.
Người lao động được tư vấn tại phiên giao dịch việc làm trực tiếp năm 2023.

Kết nối cung-cầu

Không cần trực tiếp nộp hồ sơ hay đến Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh để xem thông báo tuyển dụng, thông qua việc đăng ký tuyển dụng trực tuyến, Thùy Trang (phường 12, TP.Vũng Tàu) đã được một số công ty gọi điện tuyển dụng. Thùy Trang cho biết: “Trước khi tìm được việc làm, tôi đã đi xin việc ở 4-5 công ty nhưng đều không có kết quả. Có nơi yêu cầu kinh nghiệm, nơi công việc không phù hợp với chuyên môn. Thông qua website Trung tâm DVVL tỉnh, tôi đăng ký thông tin tìm việc làm. Nhờ sự nhiệt tình, trách nhiệm của trung tâm, tôi đã sớm có việc làm theo đúng khả năng với thu nhập ổn định”.

Thùy Trang là một trong hàng ngàn lao động được kết nối việc làm từ sàn giao dịch việc làm (GDVL) trực tuyến. Thống kê của Sở LĐTBXH cho biết, năm 2023, toàn tỉnh có 6.168 lượt lao động được tư vấn giới thiệu việc làm. Trong đó, có 2.264 lượt được giới thiệu việc làm tại các cơ sở và 1.262 lao động kết nối việc làm thông qua hệ thống phiên giao dịch việc làm (đạt 133% so với kế hoạch năm, tăng 26% so với năm 2022). Đáng chú ý có 18.113 lao động được duy trì và mở rộng việc làm từ việc xét duyệt hộ gia đình vay vốn với số tiền 975,1 tỷ đồng.

Bà Rịa-Vũng Tàu phát triển thị trường lao động theo hướng linh hoạt, đa chiều và bền vững,
Bà Rịa-Vũng Tàu phát triển thị trường lao động theo hướng linh hoạt, đa chiều và bền vững,

Ông Mai Văn Thu, Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh cho biết, năm 2023, trung tâm đã đa dạng hóa các hình thức của sàn GDVL. Trong đó, việc đẩy mạnh thông tin tuyển dụng trên website, Fanpage của trung tâm đã giúp người lao động (NLĐ) có thêm thông tin, tìm kiếm việc làm phù hợp. Thông qua 12 phiên GDVL, có từ 5.000-6.000 người tham gia tìm việc. Nhờ đó, hàng ngàn NLĐ được tuyển dụng trực tiếp, 373 người hưởng BHTN được hỗ trợ học nghề, tăng 82% so với năm trước.

Năm 2023, Trung tâm DVVL tỉnh đã tiếp nhận 19.756 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 17.866 người đủ điều kiện được hưởng trợ cấp thất nghiệp (tăng 1.884 người) với tổng số tiền trên 429.015 triệu đồng.

Để có nguồn cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc kết nối cung-cầu lao động, hàng năm thông tin thị trường lao động trên địa bàn toàn tỉnh được trung tâm cập nhật vào phần mềm cơ sở dữ liệu. Tạo nguồn thông tin tin cậy về lao động, việc làm là cơ sở tổng hợp, phân tích, đánh giá kết quả thực hiện chỉ tiêu về lao động, việc làm của tỉnh. Đồng thời, dự báo thông tin thị trường lao động, góp phần vào việc hoạch định hay đưa ra các kế hoạch, chương trình về lao động-việc làm phù hợp với tình hình của tỉnh.

Đồng bộ các giải pháp

Theo kế hoạch hỗ trợ phát triển thị trường lao động năm 2024, tỉnh đặt mục tiêu tạo việc làm tăng thêm 13.500 lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo là 81,5%, trong đó: tỷ lệ lao động đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ là 35%. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị là 2,65%. Tốc độ năng suất lao động tăng 6%/năm… Ông Nguyễn Phi Hùng, Trưởng Phòng Lao động-việc làm-tiền lương (Sở LĐTBXH) cho biết, để thực hiện mục tiêu này, Sở LĐTBXH sẽ tập trung tăng cường hỗ trợ kết nối cung-cầu, phát triển thị trường lao động. Đặc biệt là hỗ trợ DN nâng cao năng lực quản trị của DN, bảo đảm các tiêu chuẩn về lao động.

Năm 2024, dự kiến tỉnh sẽ tổ chức 9 phiên GDVL. Phát triển các hình thức giao dịch việc làm theo hướng hiện đại trên nền tảng công nghệ số, tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến. Tổ chức triển khai xây dựng các sản phẩm dự báo nhu cầu sử dụng lao động, nhu cầu đào tạo về số lượng, cơ cấu ngành nghề, trình độ của NLĐ trong các DN…

Theo kế hoạch định hướng phát triển thị trường lao động năm 2024, Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ tập trung đầu tư, phát triển giao dịch việc làm, hệ thống thông tin thị trường lao động. Rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực để kịp thời kết nối, cung ứng lao động. Đồng thời, nâng cao hiệu quả đào tạo, dạy nghề gắn với giải quyết việc làm: kết nối nhu cầu nguồn nhân lực theo từng ngành nghề của các dự án đầu tư lớn trong và ngoài KCN với nguồn cung nhân lực tại các cơ sở giáo dục…

Ông Mai Văn Thu nhấn mạnh, thời gian tới, cùng với việc tiếp tục đa dạng hóa các hình thức tổ chức sàn GDVL, trung tâm sẽ tăng cường liên kết với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, DN để đào tạo nghề và tạo việc làm-chuyển đổi nghề cho NLĐ; cũng như giúp các đơn vị, DN về địa phương tuyển dụng lao động có trình độ, tay nghề phù hợp với yêu cầu công việc; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn bộ hoạt động quản lý, điều hành của hệ thống sàn GDVL.

Bài, ảnh: NHÃ UYÊN

.
.
.