Làm gì khi trong nhà có trẻ tăng động giảm chú ý?
Những năm gần đây, hiện tượng trẻ mắc chứng tăng động giảm chú ý có chiều hướng gia tăng. Đây là một chứng rất khó trị và hiện tại vẫn chưa có loại thuốc nào có thể chữa khỏi hoàn toàn, chỉ có thể bằng các biện pháp kiểm soát để giảm triệu chứng ở trẻ.
Các triệu chứng tăng động giảm chú ý
Thông thường, trẻ tăng động giảm chú ý ít chịu ngồi yên một chỗ, trong lớp không lắng nghe thầy cô giảng bài, không vâng lời khi cha mẹ bảo làm một việc gì đó. Trẻ không thích tham gia các gia trò chơi cần đến sự tập trung, dễ bị phân tâm bởi môi trường xung quanh, hay làm mất đồ chơi, đồ dùng học tập, có những hành động vội vàng, thí dụ như đột ngột chạy qua đường mà không quan sát. Trẻ nói nhiều, trả lời mà không chờ nghe hết câu hỏi, khó chịu, bực bội hoặc bồn chồn khi phải xếp hàng vào lớp hoặc khu vui chơi, khó chịu khi phải giữ im lặng.
Trẻ tăng động dường như có một nguồn năng lượng vô tận khiến một số bậc cha mẹ ngộ nhận rằng con mình thông minh, lanh lợi, thể hiện qua việc trẻ hoạt động liên tục như không biết mệt nhưng lại diễn ra một cách hấp tấp. Trẻ có thể leo trèo, chạy nhảy, lăn lê ở mọi nơi, không quan tâm đến lời dọa nạt của người lớn và cũng không sợ nguy hiểm. Bên cạnh đó, trẻ khó kiềm chế cảm xúc, hay nổi nóng, thường có các hành động vượt quá giới hạn như la hét, giật tóc, giật áo hoặc xô xát với bạn bè, cào cấu người lớn nếu bị ngăn cản.
Tuy nhiên, không phải tất cả những trẻ tăng động giảm chú ý đều phải có những triệu chứng này, mà chỉ cần xuất hiện 5 trong số những hiện tượng vừa nêu là có thể nghi ngờ trẻ đã bị tăng động giảm chú ý.
Nếu trẻ tăng động giảm chú ý trong một thời gian dài nhưng không được phát hiện và chữa trị thì về sau trẻ có thể bị rối loạn ngôn ngữ, nói ngọng, nói lắp, khả năng hiểu và diễn đạt kém. Trẻ cũng có thể nhạy cảm quá mức với ánh sáng, âm thanh, tiếng động, dễ bị rối loạn giấc ngủ, mất ngủ, khó ngủ, thường hay tỉnh giấc giữa đêm, thiếu tự tin trong giao tiếp. Và mặc dù trẻ tăng động vẫn có thể thông minh như những trẻ khác nhưng vì khó tập trung nên tư duy ngày càng giảm sút.
Ngoài tăng động giảm chú ý ở trẻ từ 6 đến 10 tuổi, nó còn xảy ra ở trẻ 12, 13 tuổi nhưng ít gặp hơn. Với những trẻ này, biểu hiện thường thấy là thiếu tập trung, khó kiểm soát cảm xúc, chẳng hạn như chạy nhảy, la hét, cười lớn tiếng khi gặp chuyện vui thích, hoặc cau có, thậm chí gào thét, đấm đá vô cớ nếu không hài lòng, có xu hướng chống đối, không nghe lời và có những hành vi thách thức người lớn. Bên cạnh đó, trẻ có thể không chú ý vào việc học nhưng lại ham thích các hoạt động đơn lẻ như chơi game...
Điều trị tăng động giảm chú ý
Tăng động giảm chú ý là một chứng rất khó trị và hiện tại vẫn chưa có loại thuốc nào có thể chữa khỏi hoàn toàn. Vì thế, việc phát hiện trẻ có dấu hiệu tăng động giảm chú ý là việc rất quan trọng của các bậc phụ huyn. Bởi lẽ với tính khí thất thường của trẻ, chúng dần dà bị bạn bè xa lánh, thậm chí còn có thể bị thầy cô xem là “cá biệt”, lâu dài khiến trẻ thu mình lại, không thích chuyện trò tâm sự với ai. Bên cạnh đó, cảm giác bị xa lánh cũng có thể khiến trẻ trở nên hung dữ, sẵn sàng đánh nhau vì bất cứ lý do gì. Việc khiển trách hoặc những hình phạt dành cho trẻ thời điểm ấy sẽ càng làm cho chứng tăng động giảm chú ý trầm trọng hơn.
Để phần nào làm giảm chứng tăng động giảm chú ý, ngoài việc đưa trẻ đến thăm khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa Tâm thần để được điều trị bằng một số loại thuốc nếu bác sĩ thấy cần thiết, các bậc cha mẹ nên thực hiện một số quy tắc sau đây: Thiết lập một thời gian biểu thật cụ thể, có mốc thời gian cho từng hoạt động trong ngày từ khi thức dậy, đi học đến lúc đi ngủ. Điều này sẽ giúp trẻ tập trung suy nghĩ đồng thời hình thành kĩ năng tổ chức, sắp xếp công việc.
Khi trẻ có những hành động đúng đắn, cha mẹ nên dành những lời khen như: “Con làm tốt lắm! Con giỏi lắm!…”, để khích lệ trẻ tiếp tục cố gắng hơn nữa. Ngoài ra cũng có thể động viên trẻ bằng những món quà nhỏ mà trẻ thích. Khi trẻ làm sai, nói sai, tuyệt đối không chê bai, quát mắng hoặc tỏ thái độ giận dữ - nhất là khi có mặt những người khác mà nên ôn tồn, nhẹ nhàng. Tùy theo từng độ tuổi, cha mẹ lựa lời phân tích cho trẻ hiểu cái sai của trẻ. Bên cạnh đó, cũng nên thường xuyên trò chuyện với trẻ, nhất là vào buổi tối trước giờ ngủ với những câu hỏi đơn giản, chẳng hạn như “Hôm nay con đi học có vui không?”, hoặc “Con thích chơi với bạn nào nhất?” Cha mẹ nên chú ý lắng nghe sự trả lời của trẻ kèm theo lời khen nếu trẻ tỏ ra vui thích vì được kể chuyện. Khuyến khích trẻ tham gia những hoạt động tập thể như đá bóng, cầu lông, bơi lội…, nhằm tạo cho trẻ thích ứng với đám đông, giảm cảm giác bị xa lánh, cô lập…
Với các bà mẹ trong giai đoạn mang thai, ngoài việc nghỉ ngơi, ăn uống đủ dinh dưỡng, nên kiểm tra thai kỳ theo quy định để phát hiện sớm những bất thường ở thai nhi, phần nào hạn chế trường hợp trẻ sau này bị tăng động giảm chú ý…
BS CK1 LÊ DUY (BV Tâm Trí, TP.HCM)