.

Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục-đào tạo

Cập nhật: 19:27, 14/12/2023 (GMT+7)

Sáng 14/12, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW “về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT chủ trì tại điểm cầu tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT chủ trì tại điểm cầu tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Bức tranh giáo dục khởi sắc

Báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, thành tựu nổi bật sau 10 năm triển khai là đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Công tác quản lý giáo dục và quản trị nhà trường có chuyển biến tích cực theo hướng tăng cường phân cấp quản lý, giao quyền tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình.

Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục quốc dân cơ bản được hoàn thiện theo hướng mở, liên thông giữa các cấp học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo; quy mô giáo dục và mạng lưới cơ sở giáo dục phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập suốt đời của người dân. Cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi, duy trì vững chắc, từng bước nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục TH và THCS.

Một trong những điểm sáng trong chặng đường 10 năm đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT là việc ban hành và tổ chức triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới, chuyển từ nặng về truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực HS; triển khai một chương trình nhiều SGK và xã hội hóa trong biên soạn, phát hành SGK; chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn ngày càng nâng cao.

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, GD-ĐT đã có sự đổi mới căn bản và toàn diện. Trong ảnh: Một tiết học của HS Trường TH Lê Lợi (TP. Vũng Tàu).
Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, GD-ĐT đã có sự đổi mới căn bản và toàn diện. Trong ảnh: Một tiết học của HS Trường TH Lê Lợi (TP. Vũng Tàu).

Kiên trì định hướng đổi mới

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Ban cán sự đảng Bộ GD-ĐT sẽ kiến nghị với Bộ Chính trị về “sự kiên định, nhất quán, thống nhất trong chỉ đạo về đổi mới”.

Bộ trưởng cũng chỉ ra những thách thức với giáo dục trong giai đoạn mới, đó là: Thách thức mới trong phát triển con người ở thời đại kinh tế thị trường đang phát triển mạnh, trong thời đại công nghệ số, không gian số, trí tuệ nhân tạo và các yếu tố mới xuất hiện; thách thức mới trong phát triển nguồn nhân lực khi những yêu cầu về năng lực mới, kỹ năng mới xuất hiện rất nhiều; thách thức khi đời sống cao hơn, việc phân hóa giàu-nghèo lớn lên khiến cho nguy cơ mất bình đẳng trong giáo dục có thể gia tăng; thách thức trong cạnh tranh toàn cầu cả từ giáo dục phổ thông và giáo dục ĐH…

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh tới 3 vấn đề chính sẽ được đề cập trong kết luận tiếp tục triển khai Nghị quyết 29 trong thời gian tới là: Nhận thức, Thể chế và Nguồn lực.

Về vấn đề nhận thức, Bộ trưởng nhấn mạnh: Nghị quyết 29 đã đổi mới về quan điểm giáo dục, nhưng nhận thức ở các cấp, các ngành vẫn là một vấn đề lớn. Bên cạnh sự nhận thức đầy đủ và thấu đáo, quan trọng hơn cần sự hành động tương xứng và đến nơi đến chốn. “Câu chuyện hành động cho tương xứng với nhận thức vẫn là câu chuyện lớn cần làm tiếp để cho những vấn đề của Nghị quyết 29 được thực hiện một cách đầy đủ và triệt để trong thời gian tới”, Bộ trưởng nhìn nhận.

Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, sự nghiệp GD-ĐT tỉnh có bước phát triển vững chắc. Chất lượng, hiệu quả, vị thế của giáo dục ngày càng được khẳng định so với cả nước.
Đến nay, giáo dục MN duy trì 100% trẻ đến trường được học 2 buổi/ngày và được bán trú tại trường; tỷ lệ huy động trẻ đến lớp luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Giáo dục TH tổ chức cho 90,7% HS học 2 buổi/ngày (tăng 28,4% so với năm 2013); tỷ lệ HS hoàn thành chương trình giáo dục TH đạt 99,97%.
Đối với giáo dục THCS, tỷ lệ trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đạt 17,39%; tỷ lệ hoàn thành chương trình THCS lên học THPT là 75,29%. Với cấp THPT, tỷ lệ tốt nghiệp THPT giai đoạn 2013-2022 tăng so với giai đoạn trước, bình quân 98%. Tỷ lệ HS đậu ĐH và CĐ đạt 70%; toàn tỉnh có 369 lượt HS đạt giải quốc gia cấp THPT…
Về phổ cập giáo dục, tỉnh đã đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi vào năm 2013, trước kế hoạch đề ra 2 năm và được công nhận duy trì cho đến nay. 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục TH mức độ 3; phổ cập giáo dục THCS được duy trì bền vững. Đến năm 2022, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia các cấp đạt 64,90% (tăng 31,18% so với năm 2013)…

Về vấn đề thể chế, theo Bộ trưởng, sẽ cần tiếp tục rà soát các văn bản, các bộ luật, xây dựng Luật Nhà giáo và rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để mở đường cho xã hội hóa, tự chủ trong giáo dục và mở đường cho những đổi mới khác.

Đối với vấn đề nguồn lực, bao gồm tài chính giáo dục, đầu tư cho giáo dục và nguồn lực con người, Bộ trưởng nhấn mạnh vai trò có tính chất quyết định của lực lượng nhà giáo và sẽ phải làm nhiều việc hơn nữa để phát triển đội ngũ nhà giáo nhằm hoàn tất các mục tiêu đổi mới giáo dục trong thời gian tới.

Bài, ảnh: KHÁNH CHI

.
.
.