.

Dự thảo chọn sách giáo khoa: Còn nhiều băn khoăn

Cập nhật: 19:25, 31/10/2023 (GMT+7)

Sau khi Bộ GD-ĐT ban hành dự thảo Thông tư quy định việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) trong cơ sở giáo dục phổ thông (GDPT) và cơ sở giáo dục thường xuyên thay thế cho Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT, bên cạnh những ý kiến đồng thuận cũng có ý kiến băn khoăn về vấn đề này.

Năm học 2023-2024, HS từ lớp 1 tới lớp 4 đang học chương trình, SGK Giáo dục  phổ thông 2018. Trong ảnh: HS lớp 4 Trường TH Lê Lợi (TP.Vũng Tàu) trong một tiết học.
Năm học 2023-2024, HS từ lớp 1 tới lớp 4 đang học chương trình, SGK Giáo dục phổ thông 2018. Trong ảnh: HS lớp 4 Trường TH Lê Lợi (TP.Vũng Tàu) trong một tiết học.

Trao quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục    

Ngay sau khi dự thảo Thông tư ban hành, Sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trực thuộc nghiên cứu, góp ý.

Bà Phạm Thị Thanh Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường TH Lê Lợi (TP.Vũng Tàu) cho rằng, dự thảo có cách diễn đạt, sử dụng từ ngữ rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu hơn Thông tư 25. Điều này giúp cho mỗi GV, tổ bộ môn, ban giám hiệu nhà trường hiểu rõ chức năng, vị trí, cùng những công việc, quy trình mà mình cần thực hiện khi tiến hành lựa chọn SGK.

Bên cạnh đó, điểm khác biệt được chỉ ra là Thông tư 25 quy định: “Mỗi môn học, hoạt động giáo dục ở một khối lớp lựa chọn một hoặc một số SGK”. Còn dự thảo đang lấy ý kiến thì nêu rõ: “Mỗi môn học, hoạt động giáo dục được thực hiện trong cơ sở GDPT ở mỗi khối lớp lựa chọn 1 SGK”.

Ông Nguyễn Đình Lâm, Phó hiệu trưởng Trường THPT Châu Thành (TP.Bà Rịa) thì cho rằng, điểm khác biệt lớn nhất của dự thảo thông tư so với quy định hiện hành là việc trao quyền lựa chọn SGK cho các cơ sở giáo dục.

Theo đó, hội đồng lựa chọn SGK do người đứng đầu cơ sở GDPT thành lập để quyết định việc lựa chọn SGK. Mỗi cơ sở GDPT thành lập một hội đồng. Đối với trường phổ thông có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập một hội đồng. Sau đó phòng GD-ĐT, sở GD-ĐT thẩm định hồ sơ lựa chọn SGK của các cơ sở GDPT thuộc phạm vi quản lý. Sở GD-ĐT tổng hợp, lập danh mục lựa chọn SGK của các cơ sở GDPT, trình UBND cấp tỉnh xem xét, phê duyệt.

Trước đây, tại Thông tư 25, cơ sở GDPT được phép đề xuất lựa chọn SGK. Còn vai trò lựa chọn SGK thuộc về hội đồng lựa chọn SGK do UBND cấp tỉnh thành lập. Căn cứ kết quả lựa chọn SGK của các hội đồng do Sở GD-ĐT trình, UBND cấp tỉnh quyết định phê duyệt danh mục SGK để sử dụng trong cơ sở GDPT tại địa phương.

Tại dự thảo, Bộ GD-ĐT đưa ra 3 nguyên tắc lựa chọn SGK. Thứ nhất, lựa chọn SGK trong danh mục SGK đã được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt để sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông. Thứ hai, mỗi môn học, hoạt động giáo dục được thực hiện trong cơ sở giáo dục phổ thông ở mỗi khối lớp lựa chọn một SGK. Thứ ba, việc lựa chọn SGK bảo đảm thực hiện dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch.
Trong các tiêu chí lựa chọn SGK, dự thảo nêu cần phù hợp với đặc điểm kinh tế-xã hội của địa phương và phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông.

Ý kiến trái chiều

Khảo sát thực tế cho thấy, cả Thông tư 25 và dự thảo thông tư mới về lựa chọn SGK đều có những ưu, nhược điểm riêng. Nhiều ý kiến cho rằng nên tiếp tục lựa chọn sách theo quy định hiện hành. Nhưng cũng có luồng ý kiến đồng tình với việc lựa chọn sách theo dự thảo mới.

Ông Nguyễn Đình Lâm cho rằng, ưu điểm của việc giao quyền chọn SGK cho các cơ sở giáo dục là GV, tổ chuyên môn của các trường có thể lựa chọn đầu sách phù hợp với năng lực HS, điều kiện giảng dạy, học tập của đơn vị mình. Thế nhưng, dù các bộ SGK được viết dựa trên khung chương trình chung do Bộ GD-ĐT ban hành, nhưng mỗi bộ sách lại có những điểm khác biệt, vì ra đời trên quan điểm biên soạn riêng. Do đó, trường hợp mỗi trường lựa chọn 1 bộ SGK khác nhau để giảng dạy thì hoạt động trao đổi chuyên môn giữa các trường sẽ gặp không ít trở ngại.

Theo ông Lâm, dự thảo thông tư cũng chưa nói rõ kết quả chọn SGK có giá trị trong 1 năm học hay sẽ sử dụng xuyên suốt qua nhiều năm. Nếu hàng năm đều tiến hành lựa chọn lại sẽ khiến đội ngũ GV vất vả nếu có sự thay đổi. Ông Lâm rất tán thành ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về việc biên soạn 1 bộ SGK của nhà nước. Còn trước mắt vẫn duy trì lựa chọn SGK theo Thông tư 25.

Còn ông Nguyễn Hoàng Anh Đạt, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Xuyên Mộc cho hay: “Tôi nhận thấy việc lựa chọn SGK theo Thông tư 25 tương đối bài bản, hợp lý, dựa trên việc tổng hợp ý kiến đánh giá, lựa chọn của số đông”. Nếu thực hiện theo dự thảo thông tư mới thì một nhóm nhỏ GV của một trường khó có thể đánh giá được chính xác chất lượng, mức độ phù hợp của từng đầu sách. “Huyện Xuyên Mộc có những trường chỉ có 6-7 lớp. Với số lượng chỉ 5-6 GV thì kết quả của việc tham gia lựa chọn sách chưa thực sự thuyết phục”, ông Đạt nói.

Không chỉ vậy, những khó khăn phát sinh nếu dự thảo thông tư chính thức có hiệu lực cũng được chỉ ra. Đó là việc HS trên cùng địa bàn nếu chuyển trường cũng có “nguy cơ” phải mua bộ SGK mới và mất thời gian để tiếp cận.

Ngược lại, bà Phạm Thị Thanh Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường TH Lê Lợi cho biết, phần lớn GV của trường đồng thuận với dự thảo thông tư mới. Dự thảo thông tư sẽ tạo ra tâm thế chủ động cho các nhà trường trong việc lựa chọn SGK. SGK được lựa chọn sẽ là những đầu sách phù hợp nhất với điều kiện tổ chức dạy và học của nhà trường. Tuy đồng thuận với dự thảo, bà Thủy cũng cho rằng, mặc dù giao quyền tự chủ trong việc lựa chọn SGK cho các nhà trường, song vẫn cần có định hướng từ cơ quan quản lý giáo dục để tạo sự thống nhất cho từng địa bàn nhằm giảm bớt hệ lụy phát sinh khi HS chuyển trường, trong kiểm tra đánh giá tập trung hoặc thi tuyển sinh…

Bài, ảnh: KHÁNH CHI

 
.
.
.