.

Nám da có cần chữa trị không?

Cập nhật: 17:22, 04/08/2023 (GMT+7)

Hỏi: Thưa bác sĩ, tôi 40 tuổi, sức khỏe bình thường nhưng gần đây, mặt tôi xuất hiện những vết nám rất đậm. Tôi đã uống, bôi một số loại thuốc nhưng không hết. Xin bác sĩ cho biết nguyên nhân và cách chữa trị.

(Thu Hà, P8, Vũng Tàu)

Trả lời: Nám da là tình trạng rối loạn tăng sắc tố Melanin, biểu hiện đặc trưng bởi các mảng hoặc đốm màu nâu, đen, phần lớn xảy ra với phụ nữ ở độ tuổi 20 đến 50,  nhất là khi mang thai và sau sinh đẻ (chiếm 90%). Nám tuy không đau, ngứa, nhưng về mặt thẩm mỹ, nó khiến người bị nám mặc cảm với dung nhan của mình.

Nám da thường xuất hiện ở trán, hai bên má, chung quanh môi, cánh tay. Màu sắc có thể đậm và nhạt dần theo thời gian, thường đậm vào mùa hè và nhạt đi vào mùa đông.

Theo phân loại, nám da được chia thành 3 cấp độ: Nám nông, nám sâu và nám hỗn hợp.

Nám nông: Nám nông hình thành do các tế bào melanocyte đưa sắc tố melanin vào trong lớp tế bào sừng. Loại nám này có màu nâu nhạt, nằm ở lớp da ngoài cùng, tập trung thành từng mảng nhỏ, xuất hiện chủ yếu ở trán, 2 bên gò má, mũi và cằm với đường viền rõ rệt, dễ phân biệt với vùng da chung quanh.

Nám sâu: Nám sâu có màu nâu nhạt đến đen sẫm, đường viền mờ. Chân nám nằm sâu dưới da do tế bào melanocyte đẩy sắc tố melanin từ trung bì vào sâu bên trong. Loại nám này xuất hiện theo từng đốm, chấm tròn nhỏ tương tự như vết thâm sau khi bị mụn.

Nám hỗn hợp: Là loại phổ biến nhất, bao gồm nám nông và nám sâu, xuất hiện rải rác chủ yếu ở trán, 2 bên má, mũi, vùng da quanh mắt. Nám hỗn hợp có chân nằm sâu, màu sắc và kích thước không đồng đều.

Nguyên nhân gây nám da

Có nhiều nguyên nhân gây nám da: Do di truyền, tiền sử gia đình có người bị nám thì nguy cơ con cháu cũng bị, nhất là với các cặp song sinh. Phụ nữ có khả năng nám da cao gấp 9 lần so với nam giới.

Nám da ở giai đoạn mang thai là hiện tương phổ biến mà nguyên nhân là sự gia tăng nồng độ các chất nội tiết estrogen, progesterone và các hormone kích thích tế bào hắc tố trong thời gian thai kỳ.

Sử dụng thuốc tránh thai, người đang điều trị rối loạn nội tiết tố hoặc mắc bệnh suy tuyến giáp cũng có thể bị nám. Bên cạnh đó, nám da còn do một số loại thuốc: kháng sinh, thuốc kháng viêm, thuốc lợi tiểu, thuốc hạ đường huyết, chống co giật, loạn thần…, da bị lão hóa sớm cũng có thể gây nám.

Ngoài những nguyên nhân trên, nám da còn hình thành từ những yếu tố sau: Một số loại mỹ phẩm khiến da nhạy cảm với ánh sáng mặt trời, phơi nắng quá mức khiến tia cực tím trong ánh nắng mặt trời tác động đến các tế bào kiểm soát sắc tố gây nám da, tiếp xúc lâu và kéo dài với màn hình tivi, máy tính, điện thoại di động, chế độ chăm sóc da không phù hợp khiến da suy yếu, sức đề kháng giảm.

Điều trị nám da

Tùy thuộc vào từng trường hợp, nám có thể tự biến mất, mờ dần hoặc kéo dài vài năm, thậm chí vĩnh viễn. Vì vậy việc điều trị sẽ được bác sĩ chuyên khoa xem xét nguyên nhân dựa trên từng cơ địa để có phương pháp phù hợp.

Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng cần điều trị nám.

Trường hợp nám da do nội tiết tố thay đổi, phụ nữ mang thai hoặc uống thuốc tránh thai thì nám da có thể giảm sau khi sinh hoặc ngừng sử dụng thuốc. Nếu nám da do tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng mặt trời, màn hình tivi, điện thoại, máy tính bảng, mỹ phẩm hoặc xà bông, nên giới hạn thời gian sử dụng hoặc hạn chế tiếp xúc với những nguyên nhân trên.

Bs NGUYỄN VIẾT SƠN
(Phòng khám Da liễu bác sĩ Sơn, TP.HCM)

.
.
.