Cân bằng giữa công việc và gia đình
Trong quan hệ gia đình, nhiều bậc phụ huynh thắc mắc tại sao người con luôn gần gũi bên cạnh mẹ nhiều hơn bố, dù rằng tình yêu thương không lúc nào cũng đồng đều. Cứ hễ đi đâu xa về, người mà con cái chạy đến sà vào lòng vẫn là mẹ thay vì ôm chằm lấy bố.
Minh họa: MINH SƠN |
Lúc vui hay buồn, mẹ vẫn là chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất có thể con cái có thể tâm sự, chia sẻ. Thật không lạ và ngẫu nhiên chút nào. Bởi trong suốt cuộc hành trình nuôi dưỡng con cái, mẹ là người có số lần bên cạnh con cái gấp đôi, gấp ba so với người bố.
Như trường hợp của chị gái tôi. Thằng cháu tuy đã học lớp 12 nhưng tỏ ra bé bỏng đối với mẹ nó. Muốn mua cái gì, cần gì nó cũng nói với mẹ. Có chuyện gì, dù to hay nhỏ, nó cũng thông báo cho mẹ biết trước tiên. Mẹ nó đi thăm bà con xa một tuần, mặt nó đã rầu rầu, gọi điện kêu mẹ về liên tục. Thậm chí có lần anh chị tôi giận nhau chị tôi xách vali về nhà ngoại, thằng bé cũng đòi đi theo mẹ thay vì ở lại với bố để tiện việc học hành. Có uất ức trong lòng, bố hỏi nó không nói. Nhưng khi mẹ vuốt tóc một cái, nhưng nắng hạn gặp mưa rào, nó đã bật mí tất cả.
Những lần tôi về thăm chị, ông anh rể đều phàn nàn kiểu pha trò: “Cháu của cậu thiên vị quá! Ai đời bố mẹ nó đầy đủ, người nào cũng cưng chiều nó hết mình vậy mà cái gì nó cũng nghĩ tới mẹ chứ chẳng ngó ngàng gì đến tôi. Ngay cả mấy ngày lễ nó cũng chỉ mua quà tặng mẹ, còn tôi thì bị cho cục lơ. Khổ thân làm bố quá đi!”.
Được dịp, tôi bày tỏ quan điểm của mình. Tôi nói với anh rể rằng, con cái bao giờ cũng gần gũi mẹ nhiều hơn bố là có nguyên do, mà tất cả bắt nguồn từ người bố. Người bố luôn cho rằng bổn phận của mình là ra ngoài xã hội kiếm tiền, ít ở nhà, nên đẩy hết trách nhiệm nuôi dạy con cái về phía người mẹ. Đã vậy nhiều ông bố mải mê kiếm tiền đến mức vài tháng mới gặp mặt con mình một lần. Vì vậy mà tình cảm nhạt nhẽo. Trong khi người mẹ phải vừa lo nội trợ, tính toán chi tiêu gia đình, vừa phải nuôi dạy con cái.
Vả lại phụ nữ có tính mềm lòng, thích lắng nghe nên con cái dễ gần gũi, trò chuyện. Tôi đùa lại với ông anh rể mình một câu: “Nếu anh đổi vai trò làm vợ với chị, thế nào thằng nhóc cũng gần gũi anh như thế”. Tôi cố tình nói thế là để anh rể mình hiểu mà chịu khó ở nhà nhiều hơn, quan tâm đến vợ con chứ đừng mải lo tiệc tùng, chè chén bên ngoài với bạn bè. Họ cần tình yêu thương nhiều hơn chứ không phải lúc nào cũng thích nhìn một xấp tiền lạnh tanh đặt trên bàn sau mỗi tháng lương.
Sau khi tôi nói, ông anh rể gật gù cho rằng đúng. Nhưng rồi anh chống chế: “Cậu thấy đó, do tôi bận công việc bù đầu bù cổ chứ nào có rảnh rang. Nếu suốt ngày ở nhà với vợ con chắc cả nhà đói nhăn răng quá”. Tôi không bàn thêm chuyện này, vì hiểu rằng ai cũng có nỗi khó khăn riêng. Nhưng do bản thân chúng ta hời hợt, không quyết chứ chẳng có chuyện gì là không làm được. Bởi ngày nay, công nghệ thông tin-di động, giúp chúng ta gắn kết tình cảm mọi nơi.
Đúng là thời nay, muốn cho gia đình sung túc, con cái học hành đến nơi đến chốn thì người cha, người mẹ phải làm việc cật lực. Nhưng không phải vì thế mà vô tình tạo nên khoảng cách với con cái. Tôi nhớ có lần, trên mạng xã hội Instagram đăng tải hình Tổng thống Mỹ Joe Biden (thời trẻ) đưa cô con gái bé bỏng đến nơi làm việc. Do người vợ của ông bận việc, và ông cũng muốn thường xuyên bên cạnh con cái nên đã không ngần ngại đưa con đến chỗ làm. May mắn là cô bé rất ngoan, không quậy phá. Trên bàn làm việc, tay trái phó tổng thống cầm xấp văn bản, tay phải cầm bình sữa (ngồi cạnh con), còn thính giác thì đang lắng nghe các đồng nghiệp nói. Điều đó cho thấy ông là người sống có trách nhiệm với xã hội và cả gia đình.
Ngay cả một nguyên thủ còn cân bằng được giữa công việc và gia đình thì các ông bố chẳng có gì phải kêu ca. Thay vì sau giờ làm la cà với đồng nghiệp ở những quán nhậu, cuối tuần đi chơi tennis, đá bóng, hoặc ngồi mọc rễ tại các quán xá… thì hãy dành thời gian chơi với con. Từ đó sự gần gũi của con trẻ sẽ đến với những người làm cha.
TRUNG THÀNH