Say xe, chuyện nhỏ mà không nhỏ
Say xe là gì?
Say xe là từ ngữ dân gian dùng để chỉ hiện tương chóng mặt, buồn nôn, ra mồ hôi lạnh, mất thăng bằng…, khi đi xe hơi, tàu biển, máy bay hoặc tham gia các trò chơi như tàu lượn, đu quay…, (sau đây gọi chung là say xe). Còn với y học, đó là chứng rối loạn tiền đình nhất thời, chỉ xảy ra trong một lúc nào đó.
Say xe là chứng rối loạn tiền đình nhất thời, chỉ xảy ra trong một lúc nào đó. |
Tiền đình nằm ở trong tai, là dây thần kinh số 8 với 2 chức năng: Thần kinh ốc tai đảm nhận chức năng cảm giác thính giác, thần kinh tiền đình đảm nhận chức năng thăng bằng.
Hiện tượng say xe thường xảy ra khi ngồi trên xe, tàu…, nhưng tập trung vào việc đọc sách, xem điện thoại hoặc suy nghĩ về một chuyện nào đó nên không quan tâm đến những gì đang diễn ra xung quanh. Khi ấy, tai nhận được sự chuyển động của xe nhưng mắt thì không, dẫn đến tình trạng thần kinh não bộ không biết cơ thể đang ở yên hay di chuyển.
Một thí dụ cụ thể là đọc sách khi ngồi trên xe chẳng hạn, lúc này thần kinh ốc tai cảm nhận được sự rung lắc, nghe thấy tiếng nổ của động cơ nhưng thần kinh vận động ở các cơ và khớp lại cho rằng cơ thể đang ngồi yên vì mắt không nhìn thấy cảnh vật ở phía trước hoặc hai bên xe. Điều ấy khiến thần kinh tiền đình nhận được những tín hiệu mâu thuẫn khiến triệu chứng say xe xuất hiện!
Tuy nhiên không phải bất cứ ai khi đi tàu, xe mà không nhìn cảnh vật hai bên đường hoặc mải mê suy nghĩ thì sẽ bị say xe. Theo thống kê, chỉ có khoảng 10% những người trong trường hợp này mới bị say xe còn với những người đọc sách, xem điện thoại suốt thời gian dài, tỉ lệ say xe lên đến 50-60%.
Ai dễ bị say xe?
Theo khảo sát của các chuyên gia thần kinh, phụ nữ dễ say xe hơn nam giới, đặc biệt là phụ nữ mang thai hay đang có kinh nguyệt. Trẻ từ 2 đến 12 tuổi dễ say xe hơn trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi, người bị bệnh đau nửa đầu, bị bệnh liệt rung (Parkinson), bị rối loạn tai trong, người đang uống những loại thuốc có chứa nội tiết tố, gia đình có người hay bị say xe thì rất dễ say xe...
Hiện tượng say xe thường bắt đầu bằng những dấu hiệu chóng mặt, mắt nhìn không rõ. Tiếp theo sau đó là đổ mồ hôi lạnh, nhức đầu, mệt mỏi, tăng tiết nước bọt, ói, thở nhanh, hơi thở ngắn, buồn ngủ, khó chịu khi nghe tiếng ồn ào, không muốn nói chuyện, không muốn trả lời khi được hỏi.
Say xe có thể kéo dài 1 hoặc 2 ngày dù không còn ở trên xe nữa, thể hiện qua hình thức đi đứng lảo đảo, mất thăng bằng, có cảm giác như muốn ngã (nếu đi ghe, thuyền, tàu biển thì được gọi là say bờ). Người đã từng say xe 1 lần thì rất dễ say lại trong những lần sau.
Điều trị
Không có cách nào để chấm dứt vĩnh viễn chuyện say xe mà chỉ có thể áp dụng những biện pháp sau đây nhằm phần nào hạn chế:
Uống thuốc chống say xe theo chỉ định của bác sĩ trước khi lên xe khoảng 30 phút nhưng tất cả những loại thuốc này đều không nên dùng cho trẻ em dưới 12 tuổi.
Thay đổi vị trí ngồi trong xe, tàu biển, máy bay. Nếu ngồi xe, nên chọn ghế trước, dựa hẳn người vào lưng ghế để thần kinh não bộ cảm nhận được sự vận động của cơ thể. Nếu không thể thay đổi được chỗ ngồi thì nên áp dụng tư thế nửa nằm nửa ngồi. Không đọc sách, xem điện thoại thời gian dài khi đi xe nhưng nếu vẫn cứ muốn đọc sách, xem điện thoại mà thấy xuất hiện dấu hiệu chóng mặt, hoa mắt thì nên ngừng ngay.
Một số người chỉ say xe khi ngồi trong xe mà các cửa kính đều đóng kín. Trong trường hợp này, hãy thảo luận với những người ngồi chung để hạ cửa kính xuống. Khi ấy các hiện tượng như gió thổi, tiếng ồn động cơ, sự rung lắc của xe sẽ khiến cơ thể đồng bộ với tín hiệu từ thần kinh não bộ.
Nếu đi tàu biển, chọn chỗ ngồi ở boong trên, giữa tàu. Còn nếu đi máy bay, vị trí chỗ ngồi ít ảnh hưởng đến say nhưng vẫn có người bị say, thường là lúc cất cánh hoặc hạ cánh. Còn lúc máy bay đã lên đến độ cao cần thiết và bay bằng thì hầu như không gây ra hiện tượng say.
Nhai kẹo cao su, hoặc ngậm gừng, mứt gừng hoặc các loại kẹo trong suốt chuyến đi cũng có thể giảm bớt sự say xe vì chuyển động của hàm khi nhai hoặc nuốt sẽ tác động đến tiền đình. Hạn chế bôi dầu gió khi say xe hoặc ngồi cạnh những người bôi dầu gió, dầu khuynh diệp. Mùi tinh dầu có thể sẽ kích thích niêm mạc mũi, họng, dễ gây buồn nôn. Bên cạnh đó, nếu đã từng có tiền sử say xe thì không nên tham gia những trò chơi đu quay, tàu lượn.
Say xe thường không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe ngoại trừ nếu nôn ói quá nhiều gây mất nước, hạ huyết áp nhưng sẽ nhanh chóng phục hồi nếu uống bù đủ nước. Tuy nhiên sau 1, 2 ngày bị say xe mà cơ thể vẫn mệt, đi đứng vẫn chông chênh, choáng váng thì nên đến cơ sở y tế để được thăm khám vì lúc ấy, có thể đã gặp phải chứng rối loạn tiền đình kéo dài.
Bác sĩ LÊ DUY
(BV Tâm Trí TP.HCM)