.

Những cô nàng tí hon giàu nghị lực

Cập nhật: 16:54, 30/06/2023 (GMT+7)

“Nếu cuộc đời này mà dễ dàng, thì con người ta đã không đến thế giới này bằng tiếng khóc”. Đó có lẽ là câu nói chính xác nhất để nói về cuộc đời của những người tí hon dẫu ở họ có nhiều vất vả khó khăn hơn người bình thường nhưng lại luôn có một nghị lực sống phi thường.

Chị Lê Na thường xuyên tới thăm và tặng quà các cụ già neo đơn.
Chị Lê Na thường xuyên tới thăm và tặng quà các cụ già neo đơn.

Đóa hoa phi thường

Trong khu phố nhỏ của phường Phước Hòa, TX.Phú Mỹ, mọi người đã quen với câu chuyện về một gia đình cha mẹ bình thường, nhưng 3 cô con gái lại trong hình hài nhỏ bé. Nhỏ nhắn là thế, vất vả trăm bề là thế nhưng ở cả 3 con người ấy luôn bùng lên sức sống mãnh liệt. Đều là những cô gái rất hoạt bát, dễ bắt chuyện và sống tình cảm, yêu thương tất cả mọi người chung quanh mình. Chính vì vậy, bà con hàng xóm rất nể phục nghị lực, ý chí mạnh mẽ của họ.

Gia đình bà Phạm Thị Khuy năm nay bà đã 64 tuổi. Bà có 6 người con nhưng có 3 người con gái lại trong hình hài nhỏ bé.  Bà Khuy cho biết, 3 người con gái là Nguyễn Đình Ngọc Kim Thương (SN 1970), Nguyễn Đình Ngọc Anh Thư, (SN 1972) và Nguyễn Đình Ngọc Long Hà (SN 1976) bị kém phát triển chiều cao. Cả 3 đều chưa cao tới 1m. Khi chào đời, 3 người con gái vẫn phát triển tự nhiên như bao bạn nhỏ khác. Song bà nuôi mãi... nuôi mãi không thấy ai chịu lớn. Lên 10 tuổi chiều cao và cân nặng của cả 3 đã chững lại đến tận thời điểm hiện tại.

Trong 3 chị em, Kim Thương đã lập gia đình và có 2 con. Người phụ nữ này khiến tôi chú ý hơn khi làm được nhiều việc, từ phụ quán cho đến mở quán buôn bán. Công việc tưởng chừng có vẻ đơn giản, nhưng đó là cả một quá trình nỗ lực và cố gắng của một người khiếm khuyết như chị. Trong khi đó, chị Long Hà hàng ngày chăm chỉ đón xe xuống TP.Bà Rịa bán vé số, với thu nhập cũng đủ trang trải cuộc sống.

Khuôn mặt tươi tắn, nụ cười lạc quan luôn thường trực là ấn tượng với ai đã gặp gỡ Anh Thư. Không chỉ khéo việc nội trợ, Anh Thư còn biết thêu áo dài và đan hạt chuỗi. Thu nhập hàng tháng từ thêu đan cũng khá ổn định.

Bà Phạm Thị Thơm, Chủ tịch Hội NNCĐDC/Dioxin và BTXH Phường Phước Hòa, TX. Phú Mỹ cho biết: “Ba chị em nhà Kim Thương luôn biết cố gắng vươn lên trong cuộc sống, hòa đồng và biết chia sẻ, giúp đỡ những người chung quanh. Là một nghị lực sống đáng khâm phục, vẫn có những con người nhỏ bé nhưng ý chí không hề nhỏ”.

Chị Anh Thư cần mẫn xâu hạt chuỗi mỗi ngày mang lại thu nhập ổn định.
Chị Anh Thư cần mẫn xâu hạt chuỗi mỗi ngày mang lại thu nhập ổn định.

Cô giáo tí hon mê thiện nguyện

Không may mắn bị dị tật bẩm sinh khi vừa lọt lòng mẹ, nhưng Trần Lê Na (SN 1987) cô gái nhỏ nhắn chiều cao chưa tới 1m ở phường Thắng Nhất, TP.Vũng Tàu vẫn như “đóa hoa hướng dương” luôn nỗ lực vươn lên, hướng về phía mặt trời.

Hoàn cảnh gia đình Lê Na rất khó khăn. Lên 5 tuổi ba qua đời vì TNGT, một mình mẹ nuôi 2 chị em khôn lớn. Lê Na cho biết, ngày nhỏ đi học bạn bè hay chọc ghẹo, mỉa mai khiến chị rất mặc cảm, tự ti. Nhờ được mẹ, thầy, cô giáo động viên, nên Lê Na đã có thêm động lực để vượt qua rào cản, đạt thành tích học tập tốt. Từ đó, chị tự nhủ phải cố gắng nhiều hơn, sống có ích hơn để không trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Sau khi tốt nghiệp sư phạm mầm non, năm 2007, Lê Na mở Nhóm trẻ Thanh Vân, tự mình đứng lớp quản lý và giảng dạy. Hơn 10 năm qua, căn nhà nơi chị Lê Na sinh sống, đã trở thành địa chỉ tin cậy cho nhiều gia đình công nhân, lao động nghèo gửi con.

Có cháu theo học tại Nhóm trẻ Thanh Vân, bà Trần Thị Thúy, phường Thắng Nhất, TP.Vũng Tàu cho biết: “Cô Na là người khuyết tật nhưng cô rất yêu thương trẻ và chăm sóc các cháu rất nhiệt tình. Gửi cháu ở đây chúng tôi rất yên tâm”.

Mỗi năm chị thường xuyên đến những nơi vùng sâu vùng xa để giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn. Hàng tháng chị đều mang đến 600 phần cơm đến bà con nghèo trên khắp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tổ chức những chương trình đến thăm tất cả các cụ già neo đơn, trẻ em mồ côi. Chị Lê Na cho biết thêm, năm 2022 chị đã vận động các mạnh thường quân xây 3 cái cầu tại tỉnh Cà Mau. Cứ mỗi tháng, đều đặn vào ngày 14 và ngày 28 âm lịch, chị Na tổ chức nấu cơm, tặng cho các cụ già, hoặc những người khó khăn trên địa bàn TP.Vũng Tàu.

Tại Nhà dưỡng lão, Giáo xứ Đồng Tâm, phường Rạch Dừa hiện nay đang nuôi dưỡng chăm sóc cho gần 30 cụ già có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không nơi nương tựa. Thấu hiểu những khó khăn của các cụ, hàng tháng chị Lê Na đã vận động các nhà hảo tâm đến thăm, và tặng quà cùng các nhu yếu phẩm để các cụ có điều kiện tốt hơn trong sinh hoạt.

Trong dòng chảy vội vã của cuộc sống, những người phụ nữ “tí hon” vẫn bình dị sống, cần mẫn lao động mưu sinh, không từ bỏ ước mơ dù không may mắn như bao người khác. Câu chuyện của ba chị em nhà Kim Thương hay cô giáo Lê Na đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người, đó là bài học về nghị lực sống không đầu hàng trước số phận. Dù ở hoàn cảnh nào, chỉ cần bản thân biết nỗ lực vượt qua nỗi đau và khó khăn thì sẽ xứng đáng giành được những điều tốt đẹp.

Bài, ảnh: HẠNH DUYÊN

.
.
.