Đề thi môn Văn có tính phân hóa cao, gần gũi đời sống
Sáng 28/6, các thí sinh đã hoàn thành môn Ngữ Văn, môn thi đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Hắc Dịch (TX.Phú Mỹ) phấn khởi ra về sau khi hoàn thành môn thi đầu tiên. |
Theo nhận xét của phần lớn thí sinh, đề thi nằm trong trọng tâm chương trình học, có tính phân hóa cao, để đạt điểm cao không phải dễ. Đề thi được đánh giá là hay, gần gũi, thiết thực với cuộc sống. Đặc biệt là câu hỏi nghị luận xã hội mang tính mở để thí sinh được viết theo suy nghĩ, kiến thức xã hội, cuộc sống mà thí sinh tích lũy được và mang tính giáo dục cao.
Em Bùi Thị Hồng Gấm, HS Trường THPT Minh Đạm (huyện Long Điền) cho hay: “Em thấy đề Văn có những câu hỏi hay, phù hợp với lứa tuổi chúng em. Nhất là câu nghị luận xã hội như câu 4 (phần đọc hiểu) về bài học về lẽ sống của bản thân; câu 1 (phần làm văn) về sự cần thiết phải cân bằng cảm xúc trong cuộc sống”.
Theo Hồng Gấm, đề thi có những câu hỏi khó như câu 2 (phần đọc hiểu). Dù đề bài yêu cầu câu trả lời ngắn gọn, song nếu đọc không kỹ các dòng thơ, TS dễ nhẫm lẫn giữa việc tìm ra những từ ngữ và hình ảnh miêu tả con giông mùa hè. Hay như câu 2 (phần làm văn) liên quan đến tác phẩm Vợ Nhặt cũng khá khó, trong đó khó nhất là phần hỏi phụ nhận xét cách nhìn về cuộc sống của nhà văn Kim Lân, đòi hỏi TS phải hiểu sâu sắc về đoạn trích.
Thí sinh tại điểm thi THPT Châu Thành (TP. Bà Rịa) phấn khởi sau khi hoàn thành môn thi đầu tiên |
Thí sinh Nguyễn Minh Hiền, 12 Anh văn 2, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, TP. Vũng Tàu thì: “Em thấy đề không phải thuộc các câu hỏi phổ biến mà mọi người hay học nhưng nếu bạn nào học kỹ thì em nghĩ cũng làm được bài. Câu hỏi về tác phẩm Vợ nhặt là hay nhất và cũng là phần nhiều điểm nhất nên nếu các bạn làm được thì điểm sẽ rất là cao”.
Với thí sinh chỉ lấy điểm tốt nghiệp, các em nhận định đề thi ngữ văn cũng không quá khó với những câu nhận biết và đọc hiểu.
Thí sinh dự thi tại điểm thi THPT Minh Đạm (huyện Long Điền) chia sẻ niềm vui làm bài tốt với người thân sau khi kết thúc môn thi Ngữ Văn |
Tuy nhiên, không ít thí sinh còn bất ngờ với câu hỏi liên quan đến tác phẩm “Vợ nhặt", nhất là phần hỏi phụ. Bởi các em chưa được làm quen với "mô típ"dạng này.
TS Trần Quỳnh Thu Thảo, Trường THPT Minh Đạm (huyện Long Điền) cho rằng, đề thi môn ngữ Văn bảo đảm được 2 mục tiêu vừa xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH. Trong đó, đề thi có sự phân hóa trình độ TS khá rõ, nhất là ở câu hỏi liên quan đến tác phẩm Vợ nhặt. Thu Thảo cảm thấy bất ngờ với câu hỏi phụ nhận xét cách nhìn về cuộc sống của Nhà văn Kim Lân được thể hiện trong đoạn trích. “Lâu nay, em chủ yếu ôn tâp về phân tích tác phẩm nên em cảm thấy hơi lạ lẫm, chưa được làm quen với dạng đề ở phần hỏi vụ trong câu 2 phần làm văn", Thảo chia sẻ.
Thí sinh tại điểm thi THPT Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc vui mừng sau khi thi xong môn Văn |
Cô Phan Thị Mỹ Hạnh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nguyên Hãn (TP. Vũng Tàu), GV bộ môn Ngữ văn nhận xét, đề thi chính thức bám sát cấu trúc đề thi minh họa do Bộ GD-ĐT công bố. Đề thi rất hay, vừa nêu lên được vấn đề xã hội nhưng vẫn thể hiện được “chất văn”. Đồng thời đề phân hóa tốt, tránh được tình trạng “học tủ”, phục vụ tốt cho cả mục tiêu xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH-CĐ. Với đề thi này, HS trung bình vẫn có điểm và HS giỏi cũng có “đất” để thể hiện năng lực của mình.
Theo cô Hạnh, với đề thi môn Ngữ văn, không khó để thí sinh đạt từ 5-7 điểm. Tuy nhiên, để đạt được trên 8 điểm, các em cần có kỹ năng viết tốt, nắm chắc bản chất từng giai đoạn văn học, có sự trải nghiệm và suy ngẫm sâu sắc về cuộc sống.
NHÓM PV GIÁO DỤC