.

Hóa giải nỗi tức giận bằng cách gì?

Cập nhật: 20:25, 24/02/2023 (GMT+7)

Tôi dám chắc chắn rằng, trên trái đất này, hễ đã vợ chồng thì bất kỳ ai cũng có lúc… cãi cọ với “một nửa”. Điều này chính xác đến độ nếu không tin, bạn có thể dò hỏi với bất kỳ cặp đôi nào mà bạn đã quen biết. Họ sẽ nói thế nào? Mà, cần gì phải tìm đâu xa, bạn hãy nhìn vào trường hợp của bạn ắt sẽ có ngay câu trả lời.

Minh họa: MINH SƠN
Minh họa: MINH SƠN

Vâng, đã yêu nhau, đã chung sống cùng nhau, dù hạnh phúc đến cỡ nào đi nữa thì cũng có lúc to tiếng, cãi cọ, tiếng bấc tiếng chì… Nghĩ cho cùng, “yêu nhau lắm, cắn nhau đau” là lẽ thường tình, ai cũng có những khoảnh khắc này. Vậy, vấn đề đặt ra là gì? Là dù có cơm không lành canh không ngọt, gấu ó nhau nhưng hơn nhau ở chỗ là ta biết cách hóa giải lấy nỗi giận dữ đó. Nhiều lúc, chuyện đó, câu nói đó, không là gì, chỉ bé như cái móng tay nhưng lại dẫn đến cuộc tranh luận, chì chiết bất tận. Điếc cả tai. Đau cả đầu.

Tôi thật sự tức cười khi nghe anh bạn thân kể lại câu chuyện này, đại khái, vào một ngày đẹp trời, anh nhìn thấy bé nhóc nhà mình đã biết tự cầm đũa ăn cơm, anh khen: “À, hay quá. Bố biết ngay mà, cứ khoảng chừng 4, 5 tuổi thì bé nào cũng biết tự ăn”. Câu nói này, có gì sai đâu? Thế nhưng có một người thấy “ngứa tai” chính là cô vợ: “Nói thế mà cũng nói được. Nè, thưa anh, bấy lâu nay ai là người cầm tay hướng dẫn cho con từng ngày một? Anh chứ gì? Ai nấu nướng chăm sóc cho con từ giai đoạn ăn dặm đến lúc tự xúc ăn? Anh chứ gì?”.

Cứ thế, từ “ai” tuôn ra dạt dào như tiếng đàn du dương đã khiến anh chồng lùng bùng cả lỗ tai. Nếu không kiềm chế, tranh luận lại ắt… ồn ào ngay. Tôi biết câu nói của người không sai nhưng nói… sai ở chỗ là không biết cách nói… khéo, nếu nói như thế này: “À, hay quá. Nhờ mẹ con hướng dẫn mà con đã biết cầm đũa rồi”. Nghe thế ắt cô vợ phổng mũi sung sướng mà cười khì khì ngay là vui cửa vui nhà.

Thế đây, dù chuyện không là gì nhưng rồi có lúc cũng khiến ta “cứng đơ như cây cơ”, chẳng biết phải làm sao để vợ/chồng “hạ hỏa”? Rằng, vào ngày đầu tuần, thấy người chồng diện bảnh bao, người vợ nửa đùa nửa thật: “Chà, hẹn hò với mèo nào mà diện bảnh quá ta?”. Nào ngờ, anh chồng sửng cồ: “Em chỉ nói linh tinh, chẳng quan tâm gì đến công việc của anh. Hôm nay đi họp. Nhớ chưa? Hôm nay đi họp. Công việc bù đầu mà em đa nghi như Tào Tháo là sao? Lâu nay, anh làm việc đem tiền về nhà là lo cho ai? Lo cho mèo à? Nói đi!”.

Có hai tình huống xảy ra, nếu cô vợ gân cổ lên cãi bằng cách lôi lại chuyện mèo mỡ của chồng từ thời xửa thời xưa, từ thời tám hoánh ra chứng minh thì ắt dẫn đến cuộc đấu khẩu “hoành tráng” đây. Nếu, tôi thích cách lựa chọn này: nếu, cô vợ im lặng thì “tình hình” sẽ khác ngay. Nói cách khác, một khi biết im lặng đúng lúc cũng tốt thôi. Mà, im lặng cũng khó vì “cục giận” cứ ùn ùn lên trong cổ họng khiến mình muốn nói lắm. Nói cho hả sự bực bội, ấm ức. Nhưng nói trong lúc tức giận là điều không phải khôn ngoan. Chà, thế thì làm sao? Nhiều nhà tâm lý cho rằng, cách tốt nhất là hãy… ngồi yên và thở.

Anh bạn tôi được tiếng khen là gia đình hạnh phúc, anh cười khì khì bảo: “Sống chung với nhau, vợ chồng cãi cọ là lẽ thường tình. Có điều lúc giận quá, muốn nói điều gì thì trước hết hãy tập thở như cách bác sĩ Nguyễn Khắc Viện hướng dẫn”.

Xin kể lại cho thêm rôm rả câu chuyện đang bàn: Năm 1942, làm việc ở một bệnh viện gần ngoại ô Paris, ông Viện bị bệnh lao. Hồi đó chưa có thuốc chữa như hiện nay nên ông phải lên bàn mổ bảy lần, cắt hẳn lá phổi bên phải, 1/3 lá phổi bên trái và 8 xương sườn. Vì sức yếu, mỗi lần chỉ cắt 2 cái, đợi hai tháng sau mổ ra cắt tiếp 2 cái khác, nhiều lần tưởng nguy hiểm đến tính mạng.

Sau này, ông cho biết: “Trong những năm nằm viện, tôi đã có dịp đọc rất nhiều sách, trong đó có sách triết học của Trung Quốc và Ấn Độ. Là người bị giảm nghiêm trọng về sức thở, tôi đặc biệt chú ý đến phần Yoga - Trung Quốc gọi là khí công, trong đó yếu tố rất quan trọng là biết thở cho đúng phương pháp. Tôi đã tìm ra con đường sống cho mình từ đây”.

Phương pháp tập thở của ông gói gọn trong mấy câu vè nôm na, dễ nhớ: “Thót bụng thở ra/ Phình bụng thở vào/ Hai vai bất động/ Chân tay thả lỏng/ Êm, chậm, sâu, đều/ Bình thường qua mũi/ Khi gấp qua mồm/ Đứng ngồi hay nằm/ Ở đâu cũng được/ Lúc nào cũng được”.

Rõ ràng, phương pháp thở đúng quy cách rất đơn giản mà hiệu quả cho sức khỏe cũng như có thể kiềm chế cơn giận ngay lúc ấy. Và cũng kỳ diệu thay, bản thân tôi có lần thực hiện đã thấy mình trở về với một trạng thái khác, nhờ đó, cách ăn nói cũng khác nhằm hạn chế sự bất hòa đang có nguy cơ sắp… chạm ngòi nổ!

LÊ MINH QUỐC

.
.
.