Mùa vịt chạy đồng
Những cánh đồng lúa rộng lớn cả trăm ha trên địa bàn tỉnh vừa thu hoạch xong. Đây cũng là thời điểm người nuôi vịt từ khắp nơi đổ về dựng lều, bước vào mùa thả vịt chạy đồng.
Đàn vịt 5.000 con của anh Trần Duy Trung được thả chạy đồng ở TT.Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ. |
Rong ruổi trên những cánh đồng
Cuối tháng 12/2022, chạy xe trên đường kênh giữa cánh đồng lúa rộng bạt ngàn vừa thu hoạch xong ở TT.Đất Đỏ (huyện Đất Đỏ) dễ dàng bắt gặp những túp lều lụp xụp, tạm bợ dựng bên góc ruộng. Phía xa là đàn vịt hàng ngàn con rào rào càn quét thức ăn giữa ruộng đồng còn trơ gốc rạ. Điều này báo hiệu mùa vịt chạy đồng đã tới.
Được người quen báo tin cánh đồng ở TT.Đất Đỏ vừa thu hoạch xong, anh Trần Minh Tiền (37 tuổi, ngụ huyện Long Điền) liền thuê xe ô tô chở đàn vịt 5.000 con từ nhà ở xã Phước Hội (huyện Đất Đỏ) tới TT. Đất Đỏ để thả chạy đồng. Ruộng vừa gặt, rộng thênh thang, đàn vịt tha hồ nhặt lúa rơi vãi, ốc, trứng ốc, cua… Vịt no mồi nên anh không phải cho ăn thêm, đỡ tốn được khoản chi phí thức ăn.
Anh Tiền cho biết sẽ “đóng đô” ở cánh đồng này khoảng một tháng để đàn vịt kiếm ăn, sau đó dời đi nơi khác. “Đàn vịt tôi nuôi là vịt tơ, khoảng 2 tháng tuổi. Phải chạy đồng 3 tháng nữa thì vịt mới “rớt hột” (đẻ trứng). Lúc đó mới đưa về bến ở nhà nuôi nhốt”, anh Tiền chia sẻ.
Chạy theo đàn vịt giữa nắng và gió rát mặt, anh Trần Duy Trung (33 tuổi, quê Phú Yên) cho hay, đàn vịt hơn 5.000 con vừa được chủ chuyển ở TP.Phan Rang (Ninh Thuận) vào TT.Đất Đỏ giao cho anh và một người nữa thả chạy đồng với tiền công 7 triệu đồng/tháng. Mùa lạnh nên 8 giờ sáng, anh mới thả vịt đi ăn. Rong ruổi giữa nắng cả ngày đến 17 giờ chiều thì lùa vịt về nơi quây lưới. “Nếu không thả chạy đồng, hơn 5.000 con vịt nuôi nhốt mỗi ngày ăn khoảng 20 bao cám, giá cám bây giờ 450 ngàn đồng/bao, tính ra hết hết 9 triệu tiền thức ăn”, anh Trung nhẩm tính.
Vịt sau những tháng chạy đồng, đến khoảng 5 tháng tuổi sẽ chuẩn bị đẻ. Lúc này đàn vịt được chuyển về nhà nuôi nhốt cho đẻ trứng. “Vịt đẻ kéo dài từ 5-8 tháng là hết trứng phải rã bầy, bán thịt. Trong thời gian đàn vịt về bến đẻ trứng thì chủ sẽ gầy đàn vịt mới thay phiên nối tiếp”, anh Trung nói.
Bén duyên với nghề nuôi vịt thuê từ lúc còn nhỏ, đến nay anh Trung đã hơn 15 năm lang bạt khắp các tỉnh để chạy theo con vịt. “Do sức khỏe yếu, không làm được việc khác nên ai thuê nuôi vịt ở đâu là tôi đi. Tôi theo đàn vịt, lang bạt khắp cánh đồng này đến cánh đồng khác, tỉnh này qua tỉnh kia, mỗi năm chỉ về nhà có một lần. Sống tha phương miết rồi quen, dù công việc vất vả nhưng không bỏ được”, anh Trung tâm sự.
Nhiều vất vả, lắm rủi ro
Mặt trời tắt nắng. Những người chăn vịt nhanh chóng lùa đàn về nơi quây lưới sát ngay chòi canh sau một ngày rong ruổi trên cánh đồng. Chiếc lều nhỏ dựng tạm nơi bờ kênh, gốc cây giữa đồng không mông quạnh là nơi cư ngụ của họ trong những tháng ngày theo đàn vịt chạy đồng. Hành trang của người nuôi vịt chạy đồng cũng rất đơn giản, chỉ vài bộ quần áo, chiếc võng, mền, ít xoong nồi, gạo, muối và thực phẩm khô.
“Hôm nào siêng thì chạy ra chợ mua đồ về nấu, còn muộn thì ăn đồ khô, cá khô mang theo. Tắm giặt thì xuống kênh, áo quần vắt lên chòi gió thổi chốc lát là khô”, anh Trung nói và tất bật chụm lửa nấu cơm tối.
Ban ngày rong ruổi khắp cánh đồng theo đàn vịt, ăn uống tạm bợ qua loa. Ban đêm giấc ngủ của người chăn vịt cũng chập chờn bởi hễ nghe vịt kêu hay có tiếng động là phải thức dậy kiểm tra. “Sợ trộm, sợ chó xông vô cắn vịt nên tôi còn đầu tư thêm đèn năng lượng mặt trời chiếu sáng buổi tối”, anh Tiền chia sẻ.
Nghề nuôi vịt chạy đồng không chỉ vất vả ăn gió nằm sương mà còn lắm rủi ro. Vịt thả trên đồng dễ bị dịch bệnh, lạc đàn và thậm chí bị chó thả rông cắn chết. “Người trồng lúa bây giờ dùng thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật nhiều. Vịt dính phải thuốc, bị “bết” nằm một chỗ chạy không được, sức yếu rồi chết. Đàn vịt 5.000 con, thả đồng một thời gian bị vài trăm đến cả ngàn con chết đã từng xảy ra”, anh Tiền thở dài.
Trải qua bao thăng trầm với nghề nuôi vịt, thời điểm cực thịnh, đàn vịt của anh Tiền từng lên đến cả chục ngàn con vịt. Nhưng rồi dịch bệnh, giá cám tăng, giá trứng rớt nên quy mô thu hẹp dần. Hiện ngoài 5.000 con đưa đi chạy đồng, ở nhà anh còn 3.200 con vịt đang đẻ trứng. Giá trứng vịt hiện khoảng 2.500-2.800 đồng/trứng nhưng giá cám lại tăng cao khiến thu nhập của người nuôi vịt càng trở nên bấp bênh.
“Ông bà xưa có câu: “muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, muốn nghèo nuôi vịt”. Biết là nghề này lắm khổ cực nhưng cái nghiệp nó vận vào thân rồi, bỏ sao được”, anh Tiền đúc kết.
Bài, ảnh: MẠNH QUÂN